Thông minh cảm xúc giúp gì cho cuộc sống? (phần 2)

Chỉ số thông minh cảm xúc (EQ-Emotional Quotient)

(Dân trí) - Trắc nghiệm Bar-On EQ-i được soạn bởi nhà tâm lý học người Mỹ Reuven Bar-On (1997, 2002) là trắc nghiệm được dùng nhiều nhất hiện nay.

Trắc nghiệm này gồm 133 câu khẳng định trên đó “thí sinh” phải trả lời theo một thang từ 1 đến 5 (từ hoàn toàn đồng ý đến hoàn toàn không đồng ý).

Các câu này  “nhắm” năm khía cạnh khác nhau của “thí sinh” :

            liên hệ với chính mình,

            liên hệ với người khác,

            khả năng hòa mình tùy theo hoàn cảnh,

            khả năng quản lý stress

            các tâm trạng thường ngày.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Bar-On EQ-i  “cho điểm”  bằng cách so sánh những câu trả lời với những dữ kiện đã tích lũy được,  với những kết quả “trung bình” của những người đã thử trắc nghiệm trong quá khứ, để định ra chỉ số thông minh cảm xúc của cá nhân làm trắc nghiệm.

Cách “cho điểm”  và ấn định chỉ số thông minh cảm xúc này hiện chưa được giới khoa học kiểm nhận (valider).  Một trong những lý do là vì bộ nhớ của Bar₫On EQ-i chỉ có kết quả của những người đã làm trắc nghiệm chứ không phải kết quả của thành phần mẫu có tính đại diện của dân chúng (échantillon représentative de la population). Như vậy chỉ số thông minh cảm xúc có thể không trung thực.

Những bộ phận tuyển dụng nhân viên của các tập đoàn kinh tế và đầu tư quốc tế hiện là những khách hàng trung thành của trắc nghiệm chỉ số cảm xúc. Ngoài ra, các trắc nghiệm này không hay chưa được áp dụng ở các nơi khác vì chưa có bằng chứng rõ ràng.

Dĩ nhiên, khi tuyển dụng một giám đốc nhân sự, một người phát ngôn cho cơ quan, một người đàm phán... tôi sẽ chọn những ứng viên có nhiều khả năng cảm xúc cao.

Nhưng khả năng cảm xúc cũng như những khả năng khác không thể áp dụng vào giáo dục hay vào đào tạo nhân sự như là những “công thức vạn năng” kiểu các nhà quảng cáo trình bày trên truyền hình hay báo chí, mà phải thận trọng nghiên cứu đối tượng, chủ đích, hoàn cảnh, phương tiện ... trước khi đưa vào thực hiện.

Thông minh cảm xúc, ứng dụng ở nhà và ở trường ?

Ở Bỉ, trắc nghiệm chỉ số cảm xúc và ứng dụng thông minh cảm xúc hiện chưa được thực hiện trực tiếp trong giáo dục. Thế nhưng, một cách gián tiếp, tôn trọng quyền của người đi học, dùng phương pháp sư phạm lấy người đi học làm trung tâm, hay phương pháp hòa giải trong những vụ bạo lực ở trường... là những ứng dụng trong đó trường học phải chú trọng đến thông minh cảm xúc của học trò.
 

Chỉ số thông minh cảm xúc (EQ-Emotional Quotient)  - 1

Chỉ số thông minh cảm xúc của bạn ở mức nào? (ảnh internet)

Ứng dụng trong giáo dục, chúng tôi tôn trọng cách học của học sinh, sinh viên mình và chúng tôi tôn trọng những cảm xúc của các em trong quá trình học hỏi. Đối thoại và dạy theo nhu cầu của các em, gây hăng say hứng thú... là những cách “tận dụng” thông minh cảm xúc của các em để cùng học và cùng dạy tốt hơn.

Ở Mỹ, có vài tác giả (Richardson & Evans, 1997, Coover & Murphy, 2000) trình bày những trường thí điểm ứng dụng thông minh cảm xúc để dạy các em, vốn thuộc nhiều chủng tộc và tầng lớp xã hội khác nhau,  liên hệ với nhau tốt hơn, đoàn kết với nhau hơn để thành công hơn trong quá trình học hỏi.

Gia đình là môi trường quan trọng để phát triển thông minh cảm xúc vì lý thuyết mà nói, trẻ bắt đầu tạo cấu thành của cá thể rất sớm, tự định nghĩa mình và học cách sống với xã hội là nhờ gia đình trước nhất.
 
Nếu trẻ được ở trong một gia đình yên ổn, được tôn trọng, được nghe và thông cảm, được giải thích, có cha mẹ cho những mẫu xử sự đàng hoàng với nhau ... trẻ sẽ ít khóc hơn, có khả năng diễn tả cảm xúc của mình sớm  hơn, ít bị stress hơn, dễ hòa hợp ở trường học sau đó hơn và nói ngắn gọn là: có thông minh cảm xúc lớn hơn.

Một thí dụ cổ điển: một em bé sống trong một gia đình như vừa kể trên, ngày đầu tiên đi học sẽ không bám vào áo mẹ, không khóc lóc mà trái lại, em sẽ tự tin rời cha mẹ đi chơi với những trẻ khác hay đi nắm tay cô giáo mới. Đó là vì em có ý thức cá nhân rất rõ ràng, kiểm soát được cảm xúc mình,  có khả năng hiểu tình thế và hiểu nhanh được môi trường mới “biết người biết ta” nói theo kiểu Việt Nam, hay compétence intrapersonnelle và compétence interpersonnelle (khả năng tự biết và khả năng biết người), nói theo Goleman - tác giả mà ta đã nói tới ở trên.  

Liên hệ giữa chỉ số thông minh và chỉ số cảm xúc - IQ và EQ ?

Khái niệm thông minh cảm xúc xuất hiện khoảng thời thập niên 1990, tức là còn rất mới mẻ, khi ta bắt đầu thấy rằng một số người có IQ cao, thông minh trí tuệ xem là giỏi, nhưng không thành công trong đời. Trái lại, có người khác, IQ thường thôi nhưng lại gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp. 

Mặt khác, những phê bình tiêu cực về những giới hạn của các trắc nghiệm IQ làm cho mọi người đi tìm giải thích khác về khả năng của con người.

Và giả thuyết đầu tiên nổi lên:  thông minh cảm xúc?

Hiện thời, chưa có nghiên cứu cho biết có liên hệ (hể IQ cao thì EQ cũng cao) hay loại trừ (cao cái này thì thấp cái kia) giữa hai loại thông minh này.

Ở đây,  tôi không trở lại những nhận xét về giá trị tương đối của chỉ số IQ. Dù tương đối, IQ  đo khả năng trí tuệ tức là khả năng về ngôn ngữ, về lý luận, về phân tích vấn đề ...để tìm ra giải pháp. Các trắc nghiệm IQ đã mang lại từ một thế kỷ nay, những chứng cứ khoa học kiểm nhận giá trị cũng như những giới hạn của chúng.

Thế nên, hiện thời ta chỉ có thể nói, dựa trên những khái niệm của Gadner, là con người có nhiều loại thông minh chứ không chỉ có khả năng trí tuệ.

Tình cảm cá nhân, những xúc động, sự kiên nhẫn, tự tin, hăng say, hứng thú, thương người, cũng như chán nản, giận dữ, ... là những cấu thành của cá thể.

Khả năng  ý thức được cảm xúc của người đối diện, thông cảm người đối diện... giúp ta giải quyết những vấn đề tốt hơn.

 

Tất cả đúng là một hỗn hợp thông minh đa diện, vừa trí tuệ vừa cảm xúc ...           

Nhưng chúng ta phải chờ bằng chứng khoa học trước khi khẳng định rằng thông minh cảm xúc là chìa khóa của thành công.

Trong lúc chờ đợi, có lẽ ta nên giúp hay “dạy” các bậc làm cha mẹ lưu ý tới tầm quan trọng của liên hệ với con cái, chứ không nên ỷ lại vào nhà trường làm tốt hơn thông minh cảm xúc của con mình.
 

                                                             Nguyễn Huỳnh Mai

                                                                  Liège, Bỉ