Châu Âu có nhiều cách kiểm định trình độ không cần thi

(Dân trí) - Kiểm định và đánh giá quá trình học xong 12, 13 năm ở bậc phổ thông là điều cần thiết. Trên cơ sở đó chứng nhận HS đã có một hành trang kiến thức căn bản để tiếp tục học lên hay bước vào đời. Ở châu Âu có nhiều cách đánh giá khác nhau.

Có nước tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp duy nhất cho tất cả thí sinh và thừa nhận quyền kiểm định từ bên ngoài học đường (đề thi và giám khảo độc lập với giáo trình và giáo sư của các thí sinh). Có nước ủy nhiệm cho trường và giáo sư của trường quyền đánh giá học trò mình và cấp bằng tốt nghiệp – kiểm định từ bên trong.

Một số nước khác chọn những giải pháp trung gian, vừa kiểm định bên ngoài kèm theo các kết quả mà học sinh đã thu hoạch được trong quá trình học.
 
Châu Âu có nhiều cách kiểm định trình độ không cần thi  - 1

(nguồn ảnh: internet)

 

Có thể tóm lược cách kiểm định và đánh giá học sinh khi kết thúc bậc học phổ thông tại châu Âu như sau:

 

Một số nước không thi tốt nghiệp bậc học phổ thông, chỉ cần chứng chỉ của trường. Sau đó, học sinh với chứng chỉ ấy được quyền ghi danh vào Đại học - không phải thi - mà điển hình nhất là  Bỉ, Iceland, Thụy Điển và Tây Ban Nha.
 
Một số quốc gia châu Âu khác cũng không tổ chức thi toàn quốc. Bằng tốt nghiệp phổ thông được nhà trường cấp, nhưng nếu muốn học tiếp thì phải thi để vào Đại học: Phần Lan, Hi lạp, Bồ Đào Nha ...
 
Ở Đức, học sinh năm cuối trung học phổ thông (13 năm) phải qua một kỳ thi tổ chức tại vùng lãnh thổ của mình - nước Đức có 16 vùng lãnh thổ khác nhau. Nhưng kết quả của hai năm học chót cũng được cộng vào kết quả thi để tốt nghiệp. Bằng này đủ để ghi tên học tiếp lên Đại học.
 
Những nước khác: Pháp, Áo, Thụy sĩ, Luxembourg,Ý, Hà Lan .. tổ chức một kỳ thi toàn quốc tốt nghiệp trung học phổ thông. Sau đó bằng này cho phép vào Đại học không phải thi nữa.
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Đó là nói một cách đại cương. Trừ Pháp và Luxembourg (thi toàn quốc, ngày và đề thi nhất định), ở phần lớn các quốc gia khác họ tổ chức thi tốt nghiệp đấy, nhưng phương thức nhiều khi rất “co giãn và linh động”: tổ chức tại trường của học sinh, vào những thời điểm khác nhau, đề thi cụ thể khác nhau tùy trường, kết quả lại kết hợp với kết quả học tập của năm cuối hay của hai năm cuối...

Tất cả hình thức linh hoạt này đều nhắm những chủ đích như: sự trung thực của đánh giá, tránh stress cho các thí sinh, tùy hoàn cảnh làm sao cho thích hợp nhất với những đặc thù của các trường và của các thí sinh, mà vẫn tuân theo đường hướng chung ở cấp toàn lãnh thổ quốc gia, hầu tạo sự bình đẳng cho tất cả mọi người...

 

Trường hợp của Bỉ

 

Hệ thống tổ chức giáo dục ở Bỉ (6 năm tiểu học, 6 năm trung học) không thi tốt nghiệp phổ thông. Các trường đều tổ chức mỗi năm hai kỳ đánh giá học trình vào tháng 12 và vào tháng 6. Năm cuối của trung học phổ thông cũng vậy. Học sinh đủ điều kiện sẽ được chính trường mình cấp chứng chỉ tốt nghiệp phổ thông. Chứng chỉ này đủ để các em ghi tên lên Đại học mà không phải thi (trừ trường Kỹ sư vẫn giữ truyền thống tổ chức thi tuyển đầu vào).

 

Thật sự cách đánh giá này không hoàn toàn lệ thuộc vào tính chủ quan của mỗi giáo sư vì quyết định “đậu” hay “rớt” (cho năm cuối cấp), “lên lớp” hay “ngồi lại lớp” (cho những năm khác) là một quyết định tập thể của Hội đồng Giáo sư họp lại để trao đổi về kết quả của kỳ thi của từng học trò.

 

Những em không “đủ điểm” sẽ được bố trí học thêm (hoàn toàn miễn phí) trong hai tháng hè, rồi sẽ “thi vớt” vào tháng 9 trước ngày tựu trường của niên học sau.

 

Những học sinh không được cấp chứng chỉ cuối học trình phổ thông của trường mình (khoảng 5-8% học sinh lớp 12) còn có thể thi trước “Hội đồng trung ương” (Jury Central), nếu đỗ thì sẽ có bằng và tiếp tục học Đại học nếu muốn.

 

Không thi tốt nghiệp phổ thông cho cả nước là một cách làm cần thiết cho quyền tự do giáo dục: đánh giá cuối học trình nằm trong quyền tự chủ hoàn toàn của mỗi trường. Cách tổ chức thi vớt, học thêm... cho ta thấy chủ đích của trường học là giúp các em rèn luyện thêm khả năng để có chứng chỉ ra trường, một kiểu thực hiện tốt chủ đích đào tạo. 

 

Ngoài nhận xét đó, cách đánh giá nội tại trong trường này có nhiều ưu điểm:

 

- Hoc sinh hoàn toàn không bị dồn ép bắt buộc phải thi đỗ vào một ngày thi nhất định. Các em  được đánh giá quá trình học, những tiến bộ của  các em bởi chính các giáo sư vốn hiểu rõ các em.
 
- Các em “thi” tại lớp và trường của mình, trong một khung cảnh quen thuộc, sẽ không phải bị stress, lo sợ vì “lạ nước lạ cái” và cảnh “dập dìu sĩ tử dự thi”.
 
- Cách đánh giá trung thực hơn vì loại được phần lớn yếu tố “hên xui may rủi” của “học gạo” hay “học tủ”.
 
- Kết quả của kỳ thi được thông báo với các em nhanh chóng sau đó và hoàn toàn nằm trong phương hướng hợp lý của quá trình đào tạo.
 
Điều kiện cần và đủ hay... chưa đủ?
 
Quyền tự do giáo dục ở Bỉ cộng thêm vào giáo dục cưỡng bách và miễn phí tới năm 18 tuổi, cho phép tất cả các em và gia đình các em chọn trường theo đường hướng triết lý giáo dục, chọn môn chính, chọn chương trình ... và học hành tùy theo tất cả các chọn lựa đó. Một kỳ thi tốt nghiệp toàn quốc không thể nào phù hợp được với đặc thù của tất cả các thí sinh.

 

Như vậy là đi học để rèn người, để phát triển, để hiểu biết... chứ không phải để có bằng cấp. Học để học chứ không học để thi.

 

Thế nhưng muốn được như vậy, trường học phải hội đủ tất cả các điều kiện tối thiểu về tổ chức vật chất, khả năng sư phạm và quản lý, nhân sự... Cộng thêm vào đó, trường còn phải có tinh thần trách nhiệm với học trò, với gia đình học trò và với chính phủ (vì chính phủ là cơ quan tài trợ). Trong một xã hội hòa bình và trong một nền kinh tế thị trường, mỗi trường phải thực hiện tốt sứ mạng của mình, vì nếu không thì sẽ không có học trò (tài trợ là tài trợ dựa trên số học trò).

 

Sự “điều hòa” giữa trường và trò, giữa quyền cấp chứng chỉ tốt nghiệp phổ thông và giá trị cơ bản thực sự của trò là mối quan hệ tường minh, rất dễ kiểm soát : sau trung học phổ thông học trò sẽ học Đại học, kết quả đậu ở Đại học là bằng chứng hùng hồn giá trị của đào tạo từ trường trung học và những đánh giá của trường.

 

Tất cả đều nằm trong điều “hợp lý của hệ thống” (la logique du système).

 

Đó là chưa nói tới văn hóa của cả xã hội, một xã hội có giai cấp nhưng sự chênh lệch giũa giàu và nghèo không quá sâu đậm (nhờ bảo hiểm mức sống tối thiểu), khoảng cách giữa người “có học” và người “dốt” không xa (vì hơn 80% dân số ở độ tuổi 20 ít nhất là học xong trung học phổ thông nhờ giáo dục cưỡng bách và miễn phí).
 
Trong bậc thang các giá trị xã hội ở Bỉ, bằng cấp hoàn toàn vắng bóng. Dân Bỉ cần hạnh phúc gia đình, sức khỏe, việc làm tốt, lợi tức bảo đảm...(theo một nghiên cứu khảo sát năm 2010).

 

Những đặc thù của hệ thống giáo dục tại Bỉ, cộng vào khung cảnh xã hội, từ hơn 60 năm nay, học sinh xong trung học phổ thông không phải qua một kỳ thi nào vẫn tiếp tục học lên bậc học cao hơn; chứng chỉ phổ thông Bỉ được các Đại học quốc tế thừa nhận tương đương và cả hệ thống đã chứng minh khả năng trường tồn của mình.

 

Kết luận

 

Nếu đi học đến 18 tuổi là một quyền, là một nghĩa vụ nữa (giáo dục cưỡng bách).

Nếu tự do giáo dục là triết lý chung của mọi người và chương trình đưa ra chỉ là chương trình hướng dẫn.

Nếu chủ đích của giáo dục là để học làm người sống cùng với nhau trong xã hội.

Nếu đi học để sống hạnh phúc (như René Descartes nói : celui qui sait, sachant, vit mieux – người có hiểu biết, nhờ hiểu biết, sống tốt hơn).

 

Bên ta cũng nói tương tự:

Ngọc bất trác bất thành khí

Nhân bất học, bất tri lý …

(ngọc không mài không sáng, người không học không hiểu lí lẽ)

...

thì không có thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng hợp lý thôi.

 

Giáo dục ở Bỉ không là một thiên đường. Các Đại học Bỉ không đứng đầu bảng những Đại học nổi tiếng nhất thế giới (Đại học Louvain của Bỉ đứng khoảng thứ 50, còn Đại học Liège thì không có tên trong top 200). Nhưng trường học được hiểu như một môi trường để sống chứ không phải là nơi đầy chế tài.

 

                                                                      Nguyễn Huỳnh Mai 

                                                                              (Liège, Bỉ)

 

LTS Dân trí - Bài viết trên đây của nhà giáo Nguyễn Huỳnh Mai cho thấy việc tổ chức kiểm định và đánh giá học sinh để cấp bằng (hay chứng chỉ) tốt nghiệp bậc học phổ thông ở châu Âu có nhiều hình thức khác nhau, tùy theo triết lý giáo dục và điều kiện cụ thể mỗi nước.

 

Với kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu lâu năm tại Bỉ, tác giả đã phân tích nhiều mặt lợi ích của việc kiểm định và đánh giá học sinh trong suốt quá trình học phổ thông, nhất là hai năm cuối để căn cứ vào đó cấp chứng chỉ tốt nghiệp. Như vậy phản ánh trình độ học sinh chính xác hơn là căn cứ vào kết quả một kỳ thi tốt nghiệp, vì các thí sinh không tránh khỏi những áp lực khách quan về tâm lý cũng như sự “may rủi” khó tránh khỏi.

 

Đối chiếu với tình hình thực tế ở nước ta, nếu chúng ta lập lại được nền nếp và kỷ cương trong việc dạy và học cũng như các khâu quản lý của nhà trường thì sẽ tạo ra tiền đề tốt cho việc xét tốt nghiệp và chắc chắn đạt được kết quả đáng tin cậy hơn là dựa vào kết quả chỉ của một kỳ thi tốt nghiệp. Nhất là kỳ thi đó chưa được tổ chức thật sự nghiêm túc, càng làm méo mó kết quả đánh giá.