Cảnh báo về tình trạng học sinh vi phạm đạo đức

Hiện nay, ở các trường THPT và các lớp cuối cấp THCS, hiện tượng học sinh vi phạm đạo đức ngày càng nhiều, khiến dư luận xã hội lo lắng, nhiều thầy cô giáo phải đau đầu.

Vậy thực chất điều dáng lo lắng dó là gì, nguyên nhân do đâu và cách khắc phục ra sao? Đấy là nội dung bài viết muốn đề cập.
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Trước hết là chuyện học sinh  (HS) vô lễ với thầy giáo, tỏ thái độ bất cẩn cùng những lời nói hỗn xược trước sự nhắc nhở, bảo ban của thầy cô.Các em thường gọi người thầy của mình là “ông ấy”,  “cô ấy”, “ lão ta”…Tệ hơn, có em còn mắng nhiếc và văng tục với thầy cô mà không hề băn khoăn hay hối hận gì. Thậm chí, kéo bè cánh đánh thầy ngay tại lớp học, làm thầy bị thương phải điều trị dài ngày tại bệnh viện. Những câu chuyện đau lòng như vậy vẫn cứ tái diễn ở nơi này nơi kia,.. làm đau lòng những người có lương tri.

Học sinh ngày nay được chăm lo tốt hơn trước về thể chất, tinh thần . Các em được gia đình và xã hội quan tâm, được học chương trình cải cách giáo dục, nhưng rất đáng tiếc là những điều tối thiểu về đạo làm người chưa trở thành nếp sống hằng ngày ứng xử với thầy cô giáo, với cha mẹ, với cộng đồng… Chuyện nói tục ,chửi thề là chuyện thường ngày mà ai cũng dễ dàng thấy trong lối sống của các em.


Nói như vậy không có nghĩa là bức tranh trẻ em đầy màu xám, càng không phải đổ lỗi cho nền giáo dục của chúng ta có vấn đề trong chiến lược giáo dục con người chưa toàn diện. Có điều, hiện nay áp lực về chuyên môn của giáo viên là quá lớn. Các thầy giáo ngoài việc trường còn bao nhiêu công việc gia đình phải giải quyết, kể cả việc dạy thêm để tăng thêm thu nhập trong hoàn cảnh đồng lương quá eo hẹp. Điều đó làm giảm đi phần nào sự gắn bó, gần gũi với HS. Mối quan hệ thầy - trò không còn mật thiết như thời kỳ cách đây vài thập kỷ. Chính vì thế, những khúc mắc, những trăn trở của HS chưa được nắm bắt kịp thời để có biện pháp ngăn chặn hay động viên các em vượt qua sự “khủng hoảng về tinh thần” của tuổi mới lớn.


Trong tình hình hội nhập quốc tế ngày nay, sự giao thoa giữa các nền văn hoá ngày càng được mở rộng.Các ấn phẩm văn hoá, kể cả văn hoá phẩm đồi truỵ bằng nhiều con đường du nhập vào Việt Nam.Phim ảnh bạo lực cũng theo đó mà tha hồ tác oai tác quái.Và hậu quả của nó là sự tiêm nhiễm vào nhận thức còn non nớt của các em rất dễ bắt chước kiểu “anh hùng” trong phim bạo lực, lâu dần trở thành thói quen lúc nào không hay. Những tệ nạn xã hội như cướp của, hiếp người, bắt cóc tống tiền đều từ đó mà ra. Không ít những thủ phạm đứng trước vành móng ngựa đã khai ra là do bắt chước những cảnh trong trong phim sex và bạo lực; càng đau lòng hơn khi biết những đối tượng đó    những đứa trẻ  mới 15- 17 tuổi -tuổi đẹp nhất trong đời người. Bên cạnh đó, mạng in-tơ-net cũng là “công cụ” đắc lực để hình thành tính cách của HS, với các trò chơi kiểu “ Võ lâm truyền kỳ” đậm chất giang hồ hảo hán , những lời nói của nhân vật cũng có ảnh hưởng trong ngôn từ của các em. Đây là nguyên nhân không nhỏ, làm tha hoá nhân cách của con người, đặc biệt là trẻ em.


 Các nhà tâm lý học cho rằng, lứa tuổi từ 14-17 tâm sinh lý chưa ổn định. Các em luôn tự cho mình là người lớn, muốn tự khẳng định “cái tôi” của mình. Lứa tuổi khao khát khám phá những gì mà các em cho là bí mật. Đấy cũng là thời kỳ các em dễ bị tổn thương nhất.Chính vì thế cần phải hiểu rõ những thay đổi của các em dù nhỏ nhất, để có những định hướng kịp thời, tránh xảy ra những việc làm đáng tiếc.

Mặt khác, để hạn chế việc HS vi phạm đạo đức, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hoá giáo dục.Tăng cường mối quan hệ Gia đình - Nhà trường - Xã hội nhằm phát hiện , uốn nắn kịp thời những biểu hiệu, hành vi sai lệch  của các em, từ lời nói đến hành động và những điều ẩn sâu trong tâm tư, tình cảm các em luôn cần được cha mẹ và thầy cô  theo sát giúp đỡ giáo dục bằng nhiều biện pháp thích hợp với lứa tuổi.


Các cơ quan hữu quan, nhất là ngành an ninh và văn hóa cần quản lý chặt chẽ các cửa hàng dịch vụ Internet và các loại văn hoá phẩm ngoài luồng với những chế tài đủ sức răn đe các tổ chức , cá nhân kinh doanh phát tán loại ấn phẩm này.Đấy là công việc quản lý cần làm quyết liệt nhằm góp phần quan trọng vào việc làm lành mạnh hoá đời sống tinh thần của nhân dân, đặc biệt là giới trẻ.


Nhà trường cũng như các khu vực dân cư cần tạo môi trường thuận lợi để các em được vui chơi giải trí sau những giờ học căng thẳng, có sự giám sát chặt chẽ của nhà trường, gia đình.Môi trường sư phạm trong lành cũng tạo điều kiện  giúp các em hình thành những tính cách tốt, phát triển đầy đủ chân - thiện - mỹ.


Cuối cùng, cha mẹ  là người gần gũi các em nhất . Hãy dành sự quan tâm nhiều nhất cho con em mình, để các em có điều kiện học hành và vui chơi giải trí lành mạnh..Tuy nhiên , không nên chiều chuộng chúng quá đáng.Và có định hướng giúp  các em phát triển  cả về thể chất lẫn tinh thần.

 

Để xã hội ngày càng phát triển đòi hỏi những chủ nhân tương lai , ngoài việc học tập nâng cao trình độ học vấn, nắm bắt những tri thức của nhân loại, còn phải ra sức phấn đấu tu dưỡng rèn luyện nhân cách ngay từ khi còn ở tuổi cắp sách đến trường. Đấy cũng là con đường phấn đấu của mỗi con người hướng thiện, lánh xa được những cạm bẫy trong cuộc đời sau này.

Đinh Xuân Tiễn
       

LTS Dân trí - Vấn đề đặt ra trong bài viết trên đây không phải là mới nhưng là điều hệ trọng, rất cần nhắc đi nhắc lại nhiều lần để thu hút sự quan tâm của mỗi gia dình, của mọi nhà trường và toàn xã hội.  

 

Trên Diễn đàn này, đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng học sinh hư, trẻ em hư đang có chiều hứong ngày càng tăng. Điều đó cho thấy còn có những lỗ hổng trong cách thức quản lý xã hội cũng như nội dung và phương pháp giáo dục của nhà trường, của gia đình, của các đoàn thể xã hội… đối với trẻ em. Chỉ trên cơ sở tìm ra đúng những thiếu sót đó, mới có thể tìm ra những giải pháp chuẩn xác cho tương lai của con em chúng ta. Và đó cũng chính là tương lai của đất nước.