Bạn đọc viết:

Cần tiêu chí cụ thể, chứ không phải sự “xin- cho”

(Dân trí)- Hà Nội đã quá đông người, từ đó nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp cho quản lý đô thị và chất lượng sống của người dân. Khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, một số cơ quan của Hà Nội chỉ mới phải chuyển vào Hà Đông cũng đã khiến nhiều người kêu trời.

Cần tiêu chí cụ thể, chứ không phải sự “xin- cho” - 1

Nội thành Hà Nội đã quá đông người, từ đó nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp cho quản lý đô thị và chất lượng sống của người dân. Xây dựng các cơ sở công nghiệp, trường học, bệnh viện ở ngoại thành là chủ trương đã được thực hiện từ lâu, nhưng nhanh chóng bị lạc hậu bởi tốc độ chóng mặt của đô thị hóa. 41 trường đại học 27 trường cao đẳng với 47 nghìn sinh viên tập trung quá đông trong khu vực nội thành, đang bị cho là nguyên nhân của tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay.

Chính vì vậy, việc di dời các trường đại học ra ngoại thành đã được Bộ Giáo dục Đào tạo và các ngành chức năng khởi động. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.

Với các tiêu chuẩn của một trường đại học về không gian cho giảng đường, ký túc xá, thư viện và không gian vui chơi giải trí khác của sinh viên thì rất nhiều trường đại học của chúng ta chưa đáp ứng được tiêu chuẩn đó. Có những trường quy mô đào tạo và số lượng sinh viên tăng gấp chục lần, nhưng cơ sở vật chất trong đó có mặt bằng không những không tăng mà còn bị hao hụt đi. Điều đó ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo là điều không tránh khỏi.

Về lý thuyết thì như vậy. Nhưng trên thực tế việc di dời các trường đại học là điều không đơn giản. Nó nằm ngay trong tâm lý những người quản lý và đôi ngũ cán bộ giảng viên trong các trường. Khi tâm lý các thày cô không thoải mái thì ai dám chắc chất lượng giảng dạy sẽ đảm bảo, bởi không ai muốn hàng ngày phải cắp cặp đi cả vài chục cây số ra ngoại thành để đứng lớp.

Khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, một số cơ quan của Hà Nội chỉ mới phải chuyển vào Hà Đông mà cũng đã khiến nhiều người kêu trời. Nếu đã là chủ trương thì các trường có lẽ phải chấp hành, nhưng việc bố trí mặt bằng cho cơ sở mới cũng là điều đáng băn khoăn khi quỹ đất của Hà Nội không còn nhiều.

Bên cạnh đó còn phải kể đến việc thực thi các dự án không phải lúc nào cũng suôn sẻ như mong muốn. Dự án ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc đã khởi động cách đây gần 20 năm, nhưng cho đến nay chưa biết đến bao giờ cơ sở này sẽ di dời đến cơ sở mới. Phải chăng đó là một bài học nhãn tiền. Không giải quyết được điều này thì việc di dời các trường đại học chỉ là sự hô hào và chắc rồi lại chìm vào quên lãng.

Vấn đề các trường băn khoăn nếu phải di dời là việc sử dụng lại các cơ sở cũ của họ tại nội thành. Rất nhiều trường hiện nay án ngữ những vị trí đắc địa, thậm chí là những khu đất vàng của thành phố. Những khu đất đó được sử dụng vào mục đích gì, thiết nghĩ cũng cần công khai minh bạch. Nếu sử dụng không đúng mục đích thì chẳng những không giảm tải được cho nội thành mà còn gia tăng áp lực.

Di dời các trường là chủ trương đúng nhưng cần có sự đánh giá thật khách quan, công bằng giữa những trường “phải” đi và “được” ở lại dựa trên những tiêu chí cụ thể chứ không phải sự “xin – cho”.

Đinh Thế Hưng