Cần sửa “thói quen” ứng xử thiếu văn hóa

(Dân trí) - Bên cạnh nhiều ưu điểm thì người Việt mình cũng có những “tật xấu” cần sửa như “thói quen” ứng xử thiếu văn hóa trong các cuộc họp hay nơi công cộng... Đấy là điều mọi người nên tránh, nhất người làm nghề mô phạm như giáo viên…

Trong các cuộc họp hay hội nghị, ta thường thấy những người “vô tư” để kiểu chuông điện thoại mình ưa thích, dù trước đó đã được nghe lời đề nghị lịch sự của Ban tổ chức nhắc nhở mọi người tắt điện thoại hoặc để theo chế độ rung; thậm chí có người còn thản nhiên nói chuyện điện thoại oang oang trong cuộc họp như chốn không người.

Cũng có không ít người đi dự hội nghị mà đi trễ, hay nói chuyện, bỏ về giữa chừng; còn trong các lễ hội thì chen lấn, xô đẩy, ngắt hoa, bẻ cành, xả rác… Tuy vậy vẫn có người sẽ biện hộ đấy chỉ là một bộ phận thiểu số, “con sâu làm rầu nồi canh”, thậm chí có vị Giáo sư tiến sĩ còn lý giải ngắt hoa, bẻ cành trong lễ hội hoa Anh Đào chỉ là “hành vi văn hóa” của nông dân nhập cư thành thị?! Nhưng sẽ biện hộ thế nào khi giáo viên cũng có những thói quen không đẹp mắt, những “tật xấu”?

 

Tôi nhận thấy giáo viên cũng nói chuyện rất nhiều trong các buổi hội họp, nhất là trong các lớp học bồi dưỡng chính trị, pháp luật hè được Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức vào tháng 8 hàng năm. Không ngoa khi nói giáo viên nói chuyện như ong vỡ tổ, mặc kệ bên trên “thầy” say sưa giảng bài.
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Đành rằng dạy chính trị, pháp luật rất là khô khan khó mà hấp dẫn người nghe, nhưng ít ra giáo viên cũng nên thể hiện sự tôn trọng đối với người dạy vì mình là giáo viên đã quá hiểu cái cảm giác khó chịu thế nào khi mình giảng bài trên lớp còn dưới lớp học trò nói chuyện không tập trung theo dõi bài?!

 

Mới đây tôi là “học sinh” của lớp bồi dưỡng chính trị, pháp luật hè do Sở GD-ĐT tổ chức, “thầy giáo” là một vị Phó giám đốc Sở. “Thầy giáo” đã mở đầu buổi lên lớp rất ấn tượng khi “vào bài”: Một cuộc điều tra về “điều gì khiến giáo viên khó chịu khi lên lớp?” đã cho kết quả như sau:

 

Sức khỏe, tâm lý bất ổn: 3%

 

Có người dự giờ đột xuất: 21%

 

Học sinh gây gổ, náo loạn: 5%

 

Thiếu thốn phương tiện dạy học: 2%

 

Học sinh nói chuyện riêng, thầm thì: 69%

 

Các nguyên nhân khác: 1%

 

Đấy là một cách “mở bài” rất khéo và gây ấn tượng. Tôi và một số đồng nghiệp cảm thấy giật mình, ngồi im thin thít. Thế nhưng xung quanh vẫn có tiếng xầm xì nói chuyện, càng về cuối buổi thì tiếng ồn nói chuyện càng to.

 

Khi giáo viên cũng có “tật xấu” trong nếp ứng xử thì e rằng tình trạng ứng xử thiếu văn hóa trong cộng đồng sẽ còn tiếp diễn.

 

Thu Thủy

 

LTS Dân trí - Không ít người có thói quen nói chuyện, đi muộn, về sớm, rồi “hồn nhiên” trao đổi điện thoại trong các cuộc họp, thậm chí cả giáo viên cũng hay nói chuyện riêng trong các cuộc họp hoặc những lớp nghe giảng chuyên đề vào dịp hè… như bài viết trên đây đã phản ánh.
 
Họ cho đó là chuyện nhỏ nhặt thường tình không đáng quan tâm. Nhưng thật ra đấy là những hành vi ứng xử thiếu văn hóa của những người thiếu lòng tự trọng, không biết trọng mình và càng không biết trọng người khác.

 

Xây dựng xã hội văn minh, mọi người đều có trách nhiệm công dân xây dựng nếp sống có văn hóa, nhất là ở nơi công cộng. Những người làm nghề thầy giáo, càng cần nêu gương mô phạm trong cách ứng xử cũng như nếp sống có văn hóa.