Giáo sư Hồ Ngọc Đại:

Cần sự nổi dậy của tư duy giáo dục

(Dân trí) - Loạn trường đại học, loạn giáo sư, loạn tiến sỹ… là thực trạng buồn của giáo dục Việt Nam. Thế nhưng, cái cần “nổi loạn” nhất là sự nổi loạn của tư duy thì lại trì trệ, lại không dám, chỉ biết cam chịu - GS. TSKH Hồ Ngọc Đại bày tỏ.

Niên học 2007-2008 kết thúc với khá nhiều ấn tượng đáng ghi nhận. Ngành giáo dục, sau nhiều năm bê trễ và luẩn quẩn có vẻ như đã tìm được hơi thở mới. Hàng loạt các phong trào “Hai không”, “Bốn không” đã thu được những thành quả nhất định. Các kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc  hơn, đặc biệt là kỳ thi đại học. Gần đây nhất, việc Bộ GD-ĐT cho in 3 cuốn  đính chính sai sót trong SGK đã thể hiện tinh thần cầu thị, nhìn thẳng vào  sự thật.

 

Tuy nhiên, trên tinh thần khoa học, thẳng thắn và xây dựng, không ít nhà chuyên môn cho rằng cách làm giáo dục theo kiểu phong trào nối tiếp phong trào như hiện nay sẽ khó đem lại hiệu quả lâu dài như mong muốn bởi phong trào chỉ mang lại hiệu quả trong những thời điểm nhất định. Hình như giáo dục của ta vẫn đang loay hoay với một tư duy giáo dục quen cam chịu, không dám “nổi loạn”.

 

Dân trí đã có cuộc trò chuyện với một nhà giáo dục nói dai, nói mãi, nói nhiều nhưng cũng là người nói đúng, nói trúng, nói quyết liệt và thẳng thắn đến mức nhiều khi “nghịch nhĩ” - GS. TSKH Hồ Ngọc Đại. 

 

Thiếu lý luận giáo dục

 

Cách đây không lâu, khi trả lời phỏng vấn chúng tôi, TS Chu Hảo nói đại ý rằng, giáo dục của chúng ta lại đang đi vào bất cập như đã từng bất cập, rằng giáo dục chưa được bắt đúng "bệnh" và những thành công hiện nay là thành công của cách làm phong trào và không bền vững. Ông có đồng ý với nhận xét này?

 

Tôi xin được thay 2 chữ: Bất cập = Thất bại.

 

Có lẽ trong văn cảnh này thì bản chất của hai từ trên không khác nhau nhiều lắm. Nó cũng chỉ là cách nói "nhiều" với "không ít" thôi. Tuy nhiên, vì sao các ông lại có nhận xét bi quan thế?

 

Tôi không bi quan, hiện tại nó đang như thế. Có lẽ câu cần hỏi là vì sao lại vẫn cứ để cho điều đó xảy ra?

 

Vâng, cứ cho là như thế,  theo ông thì nguyên nhân sâu xa của nó là gì?

 

Đó là vì chúng ta làm giáo dục bằng kinh nghiệm, bằng thói quen, bằng mò mẫm, thậm chí không loại trừ bằng lợi ích của một nhóm người mà không xây dựng cho mình một nền tảng lý luận để phát triển giáo dục. Vì không có lý thuyết nên không có cách làm thực tiễn phù hợp với lý thuyết đó. Và do đó, không biết phải bắt đầu từ đâu, thực hiện điều đó như thế nào.

 

Trẻ em đang cần một nền giáo dục khác

 

Trước khi từ giã thế kỉ 20, chúng ta đã cố gắng hoàn thiện một nền tảng lý thuyết về giáo dục cho thế kỉ 21. Thế nhưng đã bước sang thế kỉ mới 8 năm rồi mà ông vẫn nói là vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu?

 

Khi chuẩn bị việc đó, chúng ta vẫn là con đẻ của thế kỉ 20 đi lo công việc của thế kỉ 21. Đó là một sai lầm. Phải coi thế kỉ 20 ra đi như một kẻ đột tử mà không thể "ăn bám" vào nó thêm nữa. Do đó, thế kỉ 21 phải tự lo liệu thân mình. Đây là hai thế kỉ hoàn toàn khác nhau về bản chất. Những đứa trẻ của thế kỉ 21 không phải là những đứa trẻ của thế kỉ 20.

 

Chúng đi xe hiện đại, sử dụng điện thoại di động hiện đại, sử dung intenet siêu tốc và máy vi tính hiện đại. Ngay cả đồ chơi và trò chơi chúng cũng không còn chơi những đồ chơi và trò chơi của các thế kỉ trước. Do đó, chúng rất cần được hưởng nền giáo dục hiện đại, nội dung hiện đại, phương pháp hiện đại thì ngược lại, chúng đang bị "nhốt" trong cái lồng quá cũ và được "nhồi nhét" kiến thức theo phương cách cũ. Tóm lại, trẻ em hôm nay cần một nền giáo dục khác.

 

"Nền giáo dục khác" là nền giáo dục như thế nào?

 

Một nền giáo dục có lý thuyết, không mò mẫm, không đối phó, không lừa dối, dù lừa dối người khác hay tự lừa dối chính mình. Tiếc thay có nhiều điều tỉnh táo thì lại đang được thực hiện một cách ngông cuồng!

 

Ngông cuồng. Đó là những điều gì vậy?

 

Loạn trường đại học, loạn giáo sư, loạn tiến sỹ… Cái cần "nổi loạn" nhất là sự nổi loạn của tư duy thì lại trì trệ, lại không dám, chỉ biết cam chịu.

 

Bằng đại học “cỏ đồng ta”

 

Cái mà ông nói là "nổi loạn tư duy" cụ thể ở đây là cái gì vậy?

 

Là thay đổi cách học và nội dung cần học, đặc biệt là ở tiểu học và đại học.

 

Tại sao lại đặc biệt ở tiểu học và ở đại học?

 

Đó là hai bậc học hoàn toàn khác nhau về mục đích. Nếu bậc học tiểu học là cơ hội cuối cùng để duy trì, gìn giữ bản sắc dân tộc thì ở bậc đại học lại là cơ hội đầu tiên để hòa nhập, hội nhập quốc tế. Một chương trình tiểu học không cần phải giống nước nào và cũng không cần nơi nào công nhận thì ngược lại, chương trình đại học phải là chương trình quốc tế và bằng cấp phải được thế giới thừa nhận. Một bằng tốt nghiệp đại học chỉ dùng ở "tiêu thụ nội địa" là một bằng đại học "trâu ta ăn cỏ đồng ta", chỉ có sức để kéo cày chìa vôi thôi.

 

Vô trách nhiệm là tội ác

 

Ông là người cả đời đi dạy tiểu học nên ông đặt vấn đề quá lớn về cấp tiểu học này chăng?

 

Tôi xin nói lại, không phải cả đời mà tính đến nay, tôi mới có 54 năm làm nghề sư phạm thì 40 năm gắn bó với tiểu học và tôi rất hiểu bậc học này. Đây mới là bậc học liên quan đến từng gia đình, toàn xã hội nên đòi hỏi phải có nghiệp vụ sư phạm tinh tế nhất, hiệu quả nhất, chặt chẽ nhất. Ở đây, đúng là đúng mãi mãi mà sai là sai mãi mãi, không thể sửa chữa sai lầm. Thiếu trách nhiệm, "bôi bẩn" những trang đầu đời của trẻ em là tội ác.

 

Theo ông, cần phải "bôi" cái gì lên trang giấy ấy? Hay nói cách khác, yêu cầu cụ thể ở từng lớp bậc tiểu học là gì?

 

Ví dụ lớp một là đọc thông, viết thạo, nắm vững luật chính tả, không thể tái mù. Đối với lớp hai viết thành câu, lớp ba không bao giờ viết sai câu. Thật vô lý khi 5 - 6 tuổi đã nói rất sõi, rất tinh tế, nhưng đến hết đại học vẫn viết sai chính tả. Viết sai tiếng mẹ đẻ là một điều sỉ nhục.

 

Sẽ sớm có sự thay đổi

 

Vừa qua trên Diễn đàn Dân trí, rất nhiều giảng viên trẻ rời bỏ giảng đường để đi tìm một môi trường khác mà theo họ, không chỉ là đồng lương. Ông giải thích gì về hiện tượng này?

 

Tôi có theo dõi diễn đàn này và thấy những người ra đi đều có lý của họ. Tôi trân trọng họ vì họ dám thể hiện quan điểm của mình. Một nền đại học là rao giảng, là bằng cấp, là đối phó… là vì những mục đích cá nhân đương nhiên là một môi trường bê trễ.

 

Quả là từ nhiều năm nay, nền giáo dục chưa bao giờ làm yên lòng dư luận xã hội, thậm chí chưa bao giờ không được coi là vấn đề bức bách. Theo ông, tình trạng này liệu còn kéo dài?

 

Không, không thể chịu được nữa rồi. Cuộc sống đã quá bí bách, không thể chịu được với thực trạng giáo dục, nên dứt khoát chỉ vài ba năm tới, sẽ có sự thay đổi lớn. Khi đó, những đòi hỏi chính đáng từ cuộc sống sẽ đủ sức mạnh vượt qua những lợi ích cục bộ, những lợi ích tạm thời của một nhóm người để giáo dục phát triển. 

 

Nếu vài ba năm tới, giáo dục có một cuộc cách mạng thực sự và đem lại thành công sẽ là điều rất vui nhưng giả sử không có điều đó?

 

Thì sẽ là bi kịch lớn và giả sử có được thành công thì cũng vẫn là bi kịch, bởi đáng lẽ giáo dục, đào tạo phải lĩnh ấn tiên phong, đi trước, dự đoán trước những đòi hỏi của xã hội mà bây giờ mới làm chạy theo, đuổi theo, lẽo đẽo theo. Nói vậy thôi, muộn còn hơn không.

 

Tôi chỉ là người cảm nhận được hơi thở thời đại

 

Thưa giáo sư Hồ Ngọc Đại, cách đây tròn 30 năm (1978), khi đó Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục vừa ra đời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có hỏi ông và khi đó, ông đã nói là sẽ thất bại. Giờ đây, ông lại nói về những bi kịch của giáo dục Việt Nam. Ông là người bi quan hay bởi cái tính thích nói khác người?

 

Tôi luôn luôn dựa trên những luận cứ khoa học. Tôi không bi quan, không lạc quan mà cũng không bao giờ cho mình được phép nói khác những điều mình thu nhận được. Cũng xin nhắc lại rằng nhận định của tôi 30 năm trước đã hoàn toàn chính xác và trên thực tế, rất tiếc là công cuộc cải cách giáo dục đã thất bại. Còn những gì tôi nói hôm nay là thực tế đang diễn ra ở ngay ngày hôm nay ở mọi lớp học, cấp học, mọi trường, mọi lớp.

 

Ông là người hay nói những điều "nghịch nhĩ", thậm chí có người còn cho là gàn. Phải chăng vì là con rể của cố Tổng bí thư Lê Duẩn nên ông tự cho mình cái quyền gàn đó?

 

Ông Lê Duẩn đã mất cách đây 22 năm và 22 năm qua đầy biến động. Tôi là con đẻ của thời đại, cảm nhận được hơi thở của thời đại và cũng dám bỏ qua những lợi ích tầm thường để đi theo tiếng gọi của thời đại. Tiếc nỗi tôi đã 72 tuổi, cái quỹ thời gian không còn nhiều...

 

Nếu như được yêu cầu góp ý cho giáo dục hiện nay, ông sẽ nói điều gì?

 

Như anh Chu Hảo nói, không thể cải cách giáo dục bằng phong trào và làm phong trào nhiều như thế là đủ rồi. Nói "không" với cái xấu, cái ác là cần thiết nhưng quan trọng không phải là những cái "không" mà làm ra một cái "có"; trên cơ sở cái "có", hãy tập trung vào xây dựng một chiến lược phát triển giáo dục cho thế kỉ 21. Đừng chần chừ! Mất thời gian là mất tuyệt đối!

 

Xin cám ơn giáo sư! 

 

Bùi Hoàng Tám
(Thực hiện)