Góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI:

Cần một nhận thức xứng đáng và một tầm nhìn mới phù hợp về CNTT-Viễn thông!

Xuyên suốt dự thảo văn kiện đại hội Đảng lần này, tôi thấy chưa có một nhận thức đột phá bám sát với sự vận động khách quan của một thế giới đang bùng nổ thông tin.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1571/Gop-y-du-thao-Van-kien-Dai-hoi-Dang.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng</b></a>

Trong 10 năm trở lại đây, gần nửa dân số VN đã sử dụng điện thoại và máy tính như một phương tiện giao tiếp thông tin không thể thiếu hàng ngày; khái niệm ICT (CNTT - Viễn thông) đã phổ biến và đóng vai trò quan trọng mang tính nền tảng trong đời sống xã hội. Bài viết này đề xuất với Đảng góc nhìn và nhận thức về một yếu tố hạ tầng xã hội mới trong kỷ nguyên kinh tế tri nhằm duy trì sức cạnh tranh của dân tộc bên cạnh bốn hạ tầng truyền thống ĐIỆN – ĐƯỜNG – TRƯỜNG – TRẠM, đó là MẠNG!

YẾU TỐ THỨ NĂM

Nếu các lãnh đạo chính trị vẫn chỉ duy trì góc nhìn về CNTT-VT (viễn thông) như một ngành kinh tế mà không để ý đến yếu tố ứng dụng sâu rộng của nó, thì đúng là với giá trị kinh tế còn thấp hơn nhiều ngành khác dễ dẫn đến cái nhìn không đầy đủ và chưa xứng đáng.

Tuy nhiên, CNTT-VT đã thực sự vượt ra khái niệm là một ngành mà đang đóng vai trò ứng dụng xương sống không thể thiếu trong mọi lĩnh vực.

Ví dụ cụ thể: nếu nền giáo dục truyền thống chỉ phổ cập tri thức cơ sở và chậm được cập nhật vì các hạn chế cố hữu do chương trình, sách giáo khoa, rào cản địa lý… Thì CNTT-VT đem lại cơ hội tự học tập nghiên cứu để nâng cao tri thức cho toàn dân (kể cả vùng sâu vùng xa) trong suốt cuộc đời của họ.

Internet là người thầy vĩ đại nhất mà ai cũng có cơ hội bình đẳng để tự trau dồi kiến thức trong bất kỳ lĩnh vực nào đơn giản chỉ bằng cách tìm kiếm thông tin trên mạng.

Kinh nghiệm cá nhân tôi cho thấy: giới trẻ các nước phát triển có một điểm mạnh tuy đơn giản nhưng rất quan trọng so với giới trẻ VN, đó là khả năng tìm kiếm và khai thác thông tin trên Internet rất tốt, giúp họ luôn chủ động trước các khó khăn và tìm được giải pháp!

Tôi rất ấn tượng khi nhiều người thân được gọi trong chương trình “Ai là triệu phú” thường ngồi sẵn trước chiếc máy tính kết nối Internet để giải cứu người chơi trước những kiến thức họ chưa từng biết đến, hoặc xúc động khi chứng kiến nhiều tiểu thương vào các cửa hàng có Internet đọc nhờ tin tức về các sự kiện nóng của xã hội rồi “kể lại” với đồng nghiệp xung quanh như một chuyên gia… Thực tiễn này rõ ràng đã chứng minh mạnh mẽ cho sức mạnh nâng cao dân trí của CNTT-VT.

Hệ thống y tế truyền thống chăm sóc sức khỏe người dân bằng bàn tay của những bác sỹ, y tá chuyên nghiệp; nhưng CNTT-VT lại giúp toàn dân nâng cao hiểu biết cơ bản về phòng, chống, chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe nhờ thông tin từ mạng Internet.

Không ít lần tôi đã chứng kiến nhiều ông bố bà mẹ trẻ trao đổi với bác sỹ như những chuyên gia y tế thực thụ nhờ thông tin đọc trên mạng.

Tương tự cho các lĩnh vực an ninh quốc phòng, phát huy dân chủ toàn dân… theo tư tưởng xuyên suốt của Hồ Chí Minh về huy động sức dân trong mọi lĩnh vực để phát triển quốc gia và hưng thịnh dân tộc.

Còn rất nhiều ví dụ khác thuyết phục hơn nữa mà ai cũng có thể suy ngẫm, nhưng chắc hẳn chúng ta đều đồng ý rằng: về thực tế thì CNTT-VT đã được ứng dụng sâu rộng trong mọi lĩnh vực của xã hội như một yếu tố hạ tầng cơ bản (ví dụ ngành tài chính ngân hàng sẽ ngưng trệ nếu hệ thống thông tin gặp sự cố).

Nếu nền kinh tế truyền thống trước kia coi hạ tầng bao gồm bốn yếu tố cơ bản là ĐIỆN – ĐƯỜNG – TRƯỜNG – TRẠM vốn chỉ đáp ứng các nhu cầu của con người về NĂNG LƯỢNG, ĐI LẠI, HỌC TẬP và SỨC KHỎE thì CNTT-VT phục vụ nhu cầu về THÔNG TIN và trở thành yếu tố thứ năm trong các hạ tầng cơ bản để xây dựng nền kinh tế tri thức và một xã hội chủ động hơn, xin được tổng kết trong một chữ MẠNG.

Như vậy, theo tôi công thức hạ tầng của xã hội hiện đại phải là: ĐIỆN – ĐƯỜNG – TRƯỜNG – TRẠM – MẠNG. Nếu Đảng ta xác định dẫn dắt dân tộc tiến vào kỷ nguyên tri thức, công nghiệp hóa hiện đại hóa thì nhất thiết không thể bỏ lỡ thêm 5 năm (một kỳ đại hội) nữa để chính thức công nhận yếu tố hạ tầng mới nhằm tránh tụt hậu và rút ngắn khoảng cách phát triển với bạn bè thế giới…

NHẬN THỨC NHƯ VẬY ĐỂ LÀM GÌ?

Xuyên suốt dự thảo văn kiện đại hội Đảng lần này, tôi thấy vẫn toát lên một tư tưởng cũ mà chưa có một nhận thức đột phá bám sát với sự vận động khách quan của một thế giới đang bùng nổ thông tin.

Nếu quan điểm về nhận thức này được chấp nhận, tôi đề nghị văn kiện xác định MẠNG (hay đầy đủ hơn là CNTT-VT) như một yếu tố tố hạ tầng thứ năm của xã hội VN trong kỷ nguyên kinh tế tri thức mà nước ta đang hội nhập.

Định hướng này của Đảng, một cách tự nhiên sẽ thúc đẩy xã hội đẩy mạnh ứng dụng CNTT-TT trong mọi lĩnh vực nhằm nâng cao “tin trí” của toàn dân. Dân tộc VN không bao giờ là một dân tộc dốt, mà sẽ là một dân tộc luôn biết chủ động và tự học!

Nguyễn Hòa Bình

Tổng giám đốc công ty giải pháp phần mềm Hoà Bình (PeaceSoft)