“Cần một luật riêng với Đảng là đòi hỏi cần thiết”

Bài viết góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI của nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc tiếp tục nhận được nhiều ý kiến hoan nghênh, nhất là với đề xuất: sự lãnh đạo của Đảng phải được thể chế hóa thành pháp luật.

“Cần một  luật riêng với Đảng là đòi hỏi cần thiết” - 1

Những gương mặt Đảng viên trẻ.
 
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Lộc nói: “Đúng là Đảng có điều lệ Đảng, theo tôi hiểu thì nhiều lần ĐH có sửa đổi điều lệ Đảng, nghĩa là việc áp dụng điều lệ đó cũng có những vướng mắc nên phải sửa đổi. Nhưng điều lệ chỉ là việc riêng của Đảng, việc tổ chức của Đảng", và rằng: "Trước đây ta chưa biết đến khái niệm pháp quyền. Đảng trước đây hoạt động bí mật rồi ra công khai, nhờ có Đảng mới giành được chính quyền nên nên toàn dân đều tin Đảng. Còn hiện nay, trong xã hội dân chủ, nhất là ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, thì cao nhất là pháp luật, điều lệ không thể cao hơn pháp luật”.

 

Ông Lộc cũng nêu rõ: “Trong cơ chế thị trường, rất dễ động chạm đến lợi ích. Nếu không rạch ròi, sòng phẳng, thì có thể có sai lầm. Chính vị trí cầm quyền của Đảng đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng phải được thể chế hóa thành pháp luật, để dân còn biết mà làm theo. Nếu làm trái đi là xúc phạm đến sự lãnh đạo của Đảng, xúc phạm đến thể chế của nhà nước. Nếu nhận thức như thế, sẽ thấy việc luật hóa quyền lãnh đạo của Đảng là rất cần thiết, và không có gì phải né tránh cả. Đảng cầm quyền phải được thể chế hóa bằng pháp luật, nhất là trong điều kiện là Đảng cầm quyền duy nhất; đồng thời nhấn mạnh: "Đảng đã có điều lệ thì có thể thể chế hóa điều lệ đó để thành luật. Mọi tổ chức của Đảng, từ Bộ Chính trị là cấp cao nhất đến cấp ủy cơ sở đều phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Tôi nhắc lại là điều này đã được điều lệ Đảng khẳng định rồi”.

 

Xúc động trước những phân tích này, một trong những bạn đọc trẻ là bạn Đỗ Văn Trưởng  - email:  dongquy88@gmail.com viết:

 

Thật đúng là những lời tâm huyết và sâu sắc mà lần đầu tiên cháu mới được nghe. Cám ơn bác Nguyễn Đình Lộc nhiều lắm. Chúng ta cần nhiều những ý kiến tâm huyết như vậy từ nhân dân, mà trước hết là ở những người Đảng viên giữ những trọng trách của Đảng và Nhà nước, để đất nước ta ngày càng phát triển mạnh và bền vững theo mục tiêu đã đề ra”.

 

Từ nhóm những bạn đọc có hiểu biết hơn về chuyên ngành luật, bạn Long Tran – email: tranthanhlong.ttl@gmail.com chia sẻ:

 

Tôi rất đồng ý với ý kiến của bác Lộc. Cách đây 10 năm khi còn đang học luật ở trường ĐHQG Hà Nội, tôi đã được dạy rằng mọi quan hệ xã hội, dân sự, chính trị, văn hóa, kinh tế... đều cần phải có luật điều chỉnh thì xã hội mới phát triển ổn định. Tôi vinh dự được các thầy có nhiều kinh nghiệm về luật giảng dạy. Tuy nhiên khi tôi đề cập đến vấn đề, rằng chúng ta nên có luật về hoạt động của Đảng với một thầy giáo rất có uy tín, thì thầy trả lời có vẻ lảng tránh mặc dù tôi hiểu trong thâm tâm thấy cũng muốn thế. Trước các học viên, thầy trả lời rằng Đảng đã có điều lệ, nhưng sau giờ học tôi cũng nói rằng điều lệ Đảng chỉ có giá trị với Đảng chứ không thể là luật được, không thể cao hơn luật được và cũng là để người dân giám sát sao cho không xảy ra lạm quyền. Thầy cười và nói rằng: chúng ta không nên tranh luận chủ đề nhạy cảm này. Nay có bác Lộc mạnh dạn góp ý cho Đảng, tôi hết lòng ủng hộ. Tôi cũng muốn chia sẻ thêm điều này khi còn học luật. Vì lớp tôi là lớp bằng 2 nên cũng có rất nhiều người làm ở văn phòng QH, CP, quân đội, hải quan.....Tôi hy vọng rằng xã hội ngày càng thay đổi theo hướng dân chủ hơn, để mọi người đều có quyền bày tỏ ý kiến riêng của mình. Nếu xã hội ta vẫn cứ thiếu luật như thế này, thì khó mà có đảm bảo dân chủ nền tảng của sự phát triển...”

 

Hoặc như bạn Nguyễn Ngọc Tuấn – email: n.hoângtun090983@gmail.com.vn bày tỏ:

 

Tôi là một người học luật. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của bác Lộc nguyên là người đứng đầu Bộ Tư pháp. Đúng là trong một xã hội dân chủ, muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân thì mỗi cá nhân, tổ chức phải có tinh thần thượng tôn pháp luật. Và ở đây Đảng là một tổ chức chính trị xã hội, đại diện cho ý chí của nhân dân thì Đảng phải là một chủ thể tuân theo pháp luật tiên phong. Bởi vậy cần xây dựng, ban hành một khung pháp lý đối với tổ chức này. Trước đây là điều lệ Đảng, nhưng do điều lệ không phải là luật pháp và càng không thể có giá trị cao hơn luật pháp được, nên cần một luật riêng với Đảng là một đòi hỏi cần thiết!”...

 

T.N tổng hợp