Cần lên án thái độ vô trách nhiệm trong bão lũ

Qua bão lũ, không ít cơ quan, trường học bị tốc mái, bay mái, bị hư hại nặng… trong khi nhà dân xung quanh không hề hấn gì (do được chằng chống cẩn thận), điều đó cho thấy sự vô trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc phòng chống bão.

Sau cơn bão số 9 gây thiệt hại nặng nề cho 11 tỉnh, thành miền Trung và Kontum, đồng bào cả nước lại chung tay chia sẻ, với tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, thể hiện đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, một bộ phận lại thể hiện thái độ và hành vi vô cảm, vô trách nhiệm đáng lên án.

Có những câu chuyện nghe không lọt tai, trước cảnh thiệt hại xót xa của đồng bào qua trận bão lũ, lại có người nhận xét theo kiểu vô cảm như thế này: “Bão vào Quảng Ngãi đỡ thiệt hại vì dân trong đó nghèo, nhà cửa đơn sơ”.  Suy nghĩ như vậy cho thấy người đó thật vô cảm với những người nghèo, trận bão đã làm cho họ điêu đứng, bị sập nhà, tốc mái, hư hại hoa màu... Tổng thiệt hại có thể không nhiều nhưng đó là tất cả gia tài đối với người nghèo, và phải mất nhiều thời gian mới hồi phục được.

Dù sao sự vô cảm trong suy nghĩ chỉ gây buồn lòng cho người nghe, còn sự vô cảm trong hành động mới nguy hiểm, mới gây tổn thất nặng nề.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com

Trong số hàng ngàn tỷ đồng thiệt hại do bão số 9, có những thiệt hại là bất khả kháng, nhưng cũng có những thiệt hại (nhất là của các cơ quan, trường học) là do sự bàng quan, vô trách nhiệm của nhiều người vì tình trạng “cha chung không ai khóc”. Vẫn biết thiên tai là khó tránh khỏi thiệt hại, là “trời kêu ai nấy dạ”, nhưng nếu như có tinh thần trách nhiệm phòng chống bão nghiêm túc thì cũng hạn chế được phần nào thiệt hại tiền bạc của nhà nước. Hình ảnh cơ quan, trường học tốc mái, sập mái, bị hư hại nặng trong khi nhà dân xung quanh không hề hấn gì (do được chằng chống cẩn thận) là câu trả lời cho sự vô trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã không tổ chức phòng chống bão.

Và đáng lên án nhất là hành vi “hôi của” trong bão. Nhiều người dân sập nhà cửa, tốc mái đau đớn vì “trời hại” lại phải thêm một lần đau đớn vì “người hại”- đó là những kẻ vô lương tâm đi “hôi của”những nhà bị sập, tốc mái, lấy đi những vật dụng như tôn, ti vi, tủ lạnh, quạt, nồi niêu... mà người dân không kịp mang di tản. Thật là táng tận lương tâm.

Khúc ruột miền Trung thường xuyên đối mặt với thiên tai, hoạn nạn. Và mỗi lần hoạn nạn đồng bào cả nước lại chung tay chia sẻ, lại ngời sáng đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Nhưng lần nào cũng thế, những hành vi vô cảm và vô trách nhiệm như trên lại tái diễn. Thiết nghĩ, chúng ta cần phải lên án mạnh mẽ và có chế tài xử lý nghiêm minh để không còn tái diễn những hành vi vô cảm, vô trách nhiệm trong bão lũ gây thêm thiệt hại cho nhà nước và nhân dân nhiều vùng bị thiên tai.

Thu Thủy

LTS Dân trí - Thường qua những lúc gặp hoạn nạn như bão lũ, mới biết được người tốt kẻ xấu. Biết bao nhiêu tấm lòng thương sót đồng bào mình, sẵn sàng sẻ chia miếng cơm manh áo, có nhiều giúp nhiều có ít cũng chia nhau với tấm lòng “lá lành đùm lá rách” . Bên cạnh đó, cũng còn những kẻ bàng quan, thiếu ý thức trách nhiệm bảo vệ của công cũng như thiếu tấm lòng chia sẻ khó khăn với đồng bào lúc gặp hoạn nạn, thậm chí còn có dã tâm hôi của…

Những hạng người đó không những đáng lên án mà còn phải xử lý nghiêm minh, nhất là những tên hôi của và những kẻ bàng quan, vô trách nhiệm trong công tác chống bão lũ, làm thiệt hại nặng tài sản của nhà nước cũng như của người dân.

Đây cũng là bài học kinh nghiệm để chúng ta tổ chức và quản lý thật tốt công tác cứu trợ sau bão lũ, sử dụng thật hợp lý và có hiệu quả số tiền đóng góp giúp đồng bào minh ở những vùng bị thiên tai vừa qua, làm sao những đồng tiền tình nghĩa này nhanh chóng đưa đến tận tay người dân bị hoạn nạn.