Cần làm rõ những khái niệm trong Nghị định 75

Kể từ ngày 1/9/2010, Nghị định số 75/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong hoạt động văn hóa có hiệu lực, thay thế các quy định tại Chương II Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 6/6/2006.

Đây là cơ sở pháp lí quan trọng để góp phần bảo đảm thực hiện đúng pháp luật trong lĩnh vực hoạt động văn hoá. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn, một số quy định của Nghị định 57 còn gây những băn khoăn.

Điều 18 quy định xử phạt VPHC đối với hành vi cho người say rượu vào nơi công cộng, tuy nhiên, khái niệm “say rượu” chưa được xác định rõ trong thông tư hướng dẫn thực hiện (Thông tư số 09/2010/TT-BVHTTDL ngày 24/8/2010).  Điều 21 quy định xử phạt VPHC đối với hành vi tổ chức trò chơi điện tử có yếu tố “kích động bạo lực”. Nhưng khái niệm “kích động bạo lực”  cũng chưa được làm rõ. Khái niệm “mĩ quan đô thị” (hay “mĩ quan”) được nhắc đến nhiều lần (khoản 2, điều 28; khoản 5, điều 29; khoản 2, điều 30; khoản 1, điều 33), nhưng thế nào là “mĩ quan” cũng chưa rõ.  Nếu không làm rõ khái niệm thì cơ quan chức năng sẽ rất khó thực hiện, và các đối tượng dễ dàng “lách luật”.

Hành vi “đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng khác” bị xử phạt VPHC. Chúng ta đều thấy các đồ mã được bày bán rất nhiều tại các lễ hội, di tích, đình chùa, và có nhiều người dân mua đốt với tâm lí cầu may nên rất khó ngăn chặn. Mặt khác, khái niệm “nơi công cộng” cũng chưa được làm rõ. 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Nghị định cũng quy định xử phạt VPHC từ 1 đến 3 triệu đồng đối với những hành vi “tổ chức hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức khác có tính chất mê tín dị đoan;” (khoản 1, điều 18). Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đa số người dân coi những hành vi như xem bói, xin xăm, xóc thẻ, thậm chí gọi hồn là bình thường. Trong thực tế tồn tại nhiều cô đồng, thầy bói có rất đông khách nhưng không bị xử lí.

Một số chuyên gia văn hoá quan niệm “lên đồng” (cùng với hát chầu văn) là một hình thức sinh hoạt văn hoá-tín ngưỡng dân gian đặc sắc, cần được bảo tồn. Theo Giáo sư Vũ Ngọc Khánh lên đồng là hoạt động văn hóa đáng quan tâm. Trong thực tế, nhiều biểu hiện rất khó phân biệt ranh giới giữa mê tín dị đoan với tín ngưỡng. Do đó, việc xử phạt hay cấm hoạt động này cần có sự xem xét, cân nhắc kĩ. Để đấu tranh chống mê tín dị đoan có hiệu quả, trước hết cần làm rõ các khái niệm, biểu hiện, đồng thời tích cực ngăn chặn, xử  lí những hành vi vi phạm.

Hành vi “rải tiền trên đường trong các đám tang” được coi là “hủ tục, trái với thuần phong mĩ tục Việt Nam” (khoản 3 điều 15 Nghị định 75). Tuy nhiên, đây là một cách ứng xử quen thuộc, đã ăn sâu vào nếp nghĩ nhiều người dân, nên rất khó xoá bỏ. Biểu hiện “lăn đường” trong đám tang hiện nay hầu như không còn tồn tại. Ngoài ra, khái niệm “hủ tục” chưa được cụ thể hoá. Vì vậy, người dân và cơ quan chức năng sẽ gặp không ít lúng túng. |

Điều 22 quy định xử phạt VPHC đối với hành vi uống rượu, bán rượu tại phòng karaoke, cho nên cơ sở kinh doanh dễ dàng lách luật bằng cách bán bia, với số lượng không hạn chế. Mà bia uống nhiều thì tác hại cũng không kém gì rượu.         

Thiết nghĩ, một văn bản pháp luật có tính khả thi cao khi các quy định chính xác, rõ ràng, phù hợp với thực tiễn. Để Nghị định 75 phát huy hiệu quả cao, cần tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Hiện nay, rất nhiều người dân, và cả cơ sở kinh doanh, dịch vụ văn hoá không hiểu được cụ thể hành vi nào là vi phạm, do đó, dẫn đến hiện tượng vô tình vi phạm.

Song song với việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên, xử lí kịp thời các sai phạm cần có sự hoàn thiện, đồng bộ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động văn hoá.  

 

 Trần Quang Đại

                                                                 Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Nhằm xây dựng một xã hội văn minh, mọi hoạt động xã hội cũng như hoạt động kinh doanh đều cần coi trọng tính văn hóa. Đặc biệt, các hoạt động dịch vụ văn hóa, hoặc sinh hoạt ở nơi công cộng, càng cần coi trọng tính văn hóa. Nghị định 75 quy định việc xử phạt  hành chính những hành động phi văn hóa, nhất là ở những nơi công cộng. Điều đó là cần thiết để xây dựng trật tự xã hội cũng như nếp sống văn hóa.

Để đưa Nghị định này vào cuộc sống và sớm phát huy tác dụng, điều quan trọng trước hết là cần làm rõ khái niệm của những hành vị phi văn hóa cần phải xử phạt như tác giả bài viết trên đây đóng góp ý kiến. Công việc này thuộc về trách nhiệm cụ thể hóa Nghị định của các Bộ, các ngành có liên quan. Mặt khác cũng nên cân nhắc các trường họp bị xử phạt cũng như các hình thức xử phạt sao cho hợp lý, để phát huy được tác dụng giáo dục và răn đe, có sức thuyết cao, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân.