Cần hiểu rõ lợi ích của dịch vụ ATM

Gần đây, dự luận và báo đài nói nhiều đến vấn đề thu phí giao dịch thẻ ATM. Từ những câu chuyện xôn xao của công nhân ở các khu công nghiệp, đến các bài viết trên các trang báo điện tử, và bình luận trên các đài truyền hình.

Có những bài viết và bình luận đưa thông tin chưa chính xác, thiếu khách quan, toàn diện, tạo ra dư luận không đúng. Dưới đây, tôi xin đưa ra một số thông tin giúp chủ thẻ và người dân nói chung hiểu rõ lợi ích nhiều mặt của việc sử dụng rộng rãi dịch vụ ATM và vì sao phải tiến tới thu phí giao dịch tự động qua ATM.

 

Lợi ích nhiều mặt của việc sử dụng thẻ ATM

 

Việc thực hiện trả lương qua tài khoản cá nhân, giúp các cơ quan và doanh nghiệp (DN) tiết kiệm chi phí, thời gian và giảm thiểu tối đa về rủi ro tiền mặt. Các DN còn có thể hưởng lợi từ các khoản tiền gửi tại ngân hàng dùng để trả lương cho cán bộ công nhân. Còn người được trả lương lại được hưởng lãi suất từ tài khoản tiền gửi. Thẻ ATM là một công cụ (rút tiền và thanh toán hàng hoá dịch vụ) an toàn, sinh lời và thuận tiện giúp chủ thẻ sử dụng số tiền của mình một cách khoa học. Trả lương qua tài khoản, giúp minh bạch hoá thu nhập cá nhân và hoạt động của DN, là một công cụ hữu ích để hạn chế tình trạng tham nhũng; hạn chế lưu thông tiền mặt, giúp Nhà nước kiểm soát được lượng tiền trong lưu thông để thực thi hiệu quả các chính sách tài chính tiền tệ…

 

Chính vì vậy, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc trả lương qua tài khoản cá nhân cho cán bộ công nhân viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước được đông đảo người dân và doanh nghiệp ủng hộ. Các ngân hàng thuơng mại (NHTM) phát hành thẻ ATM cho khách hàng, và không ngừng đầu tư, nâng cấp thiết bị máy móc, nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ khách hàng và thực thi chính sách của Nhà nước. 

 

Nỗ lực và khó khăn của các ngân hàng

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Trên thực tế, thị trường thẻ ở Việt Nam bắt đầu hình thành từ cuối những năm 1990 và mới bước sang giai đoạn phát triển trong 2 năm trở lại đây. Cho đến nay, hầu hết các NHTM trong nước đều đang phải bù lỗ cho lĩnh vực vực đầu tư mới mẻ và tốn kém này. Hầu hết các NHTM đều xác định, từ 2000-2010 là giai đoạn cạnh tranh về thị phần trong nước, ngân hàng buộc phải giành lợi nhuận từ các lĩnh vực truyền thống như tín dụng, chuyển tiền… để bù đắp cho phát triển lĩnh vực thẻ. Là lĩnh vực công nghệ cao, nên chi phí đầu tư rất tốn kém. Từ hệ thống tin học, phần mềm, máy chủ, máy trạm… cho đến các thiết bị máy in dập thẻ, máy ATM, POS đều được các ngân hàng cố gắng trang bị loại tốt nhất có thể để giảm thiểu rủi ro và cung cấp dịch vụ tốt cho khách hàng.

 

Ví dụ: một chiếc POS (thiết bị đọc thẻ tại siêu thị nhà hàng) có giá giao động từ 5 - 8 triệu đồng, ATM bình quân có giá từ 500 - 700 triệu đồng, hệ thống máy in dập nổi thẻ có giá hàng chục tỷ đồng, đắt hơn nữa là hệ thống máy chủ và phần mềm của ngân hàng: hệ thống này phải mạnh và đủ sức xử lý hàng triệu giao dịch mỗi ngày khi các ngân hàng kết nối hệ thống với nhau; phải không bao giờ bị “sập” để đảm bảo an toàn tiền gửi cho khách hàng và hạn chế tối đa rủi ro tổn thất do tội phạm công nghệ cao tấn công. Giả sử, một ngân hàng muốn đầu tư 1.000 máy ATM, ngân hàng đó ít nhất phải bỏ ra khoảng 600 tỷ đồng tiền mua máy, đó là chưa kể đến chi phí lắp đặt, thuê địa điểm, thuê người giám sát. Vậy thử hỏi, bao giờ ngân hàng đó mới thu lại được số tiền đã đầu tư đó nếu không thu phí giao dịch ATM? Bây giờ là thời buổi kinh tế thị trường rồi, sao nhiều người vẫn giữ tư duy cũ - cái gì cũng trông chờ vào nhà nước bù lỗ. Phải trả phí dịch vụ, bạn mới có quyền yêu cầu dịch vụ tốt. Cứ miễn phí, bao giờ chúng ta mới đi lên được?

 

Hơn nữa, thẻ là một lĩnh vực mới, nên chi phí về đào tạo nhân lực và quảng cáo càng tốn kém hơn các lĩnh vực khác. Trong giai đoạn đầu, một NHTM quốc doanh bình quân phải chịu lỗ từ 50-100 tỷ đồng/năm cho lĩnh vực thẻ (tuỳ thuộc vào quy mô đầu tư của mỗi ngân hàng). Vì các khoản đầu tư thì lớn, mà nguồn thu duy nhất từ hoạt động kinh doanh thẻ hiện tại chỉ là việc quay vòng vốn từ số dư ít ỏi trong thẻ (số dư tối thiểu cho thẻ hạng chuẩn thường được các ngân hàng áp dụng mức 50 - 100.000 VNĐ).

 

Phí giao dịch

 

Hiện nay, tại thị trường Việt Nam, mới phát triển thẻ nội địa (thẻ ATM), còn thẻ tín dụng quốc tế (TDQT) chỉ có một vài ngân hàng phát hành: như Vietinbank, Vietcombank, Đông Á, ACB… Trong đó, thẻ nội địa chủ yếu dành để rút tiền mặt tại ATM và thanh toán tiền hàng hoá dịch vụ trong nước. Chẳng hạn thẻ E-partner của Vietinbank có thể rút tiền tại ATM, thanh toán hoá đơn điện nước, điện thoại, mua vé tàu tại ATM, thanh toán tại POS Vietinbank tại ở các siêu thị, nhà hàng, khách sạn… mà không mất phí. Đối với thẻ TDQT, như Visa, MasterCard, American Express, JCB… dành cho đối tượng khách hàng có yếu tố nước ngoài: người Việt Nam giao dịch tại nước ngoài và người nước ngoài giao dịch tại Việt Nam.

 

Đối với các loại thẻ TDQT, phí rút tiền mặt cao. Theo quy định của các tổ chức thẻ quốc tế, ví dụ như Visa International, phí rút tiền mặt là 3% trên tổng số tiền giao dịch. Ngoài ra, các ngân hàng thành viên phải nộp các khoản phí rất cao cho tổ chức thẻ quốc tế, như phí gia nhập, phí thường niên, phí sử dụng dịch vụ… Các NHTM thành viên của các tổ chức thẻ này đều phải tuân thủ đúng quy định. Nếu không tuân thủ sẽ bị coi là cạnh tranh không lành mạnh và bị phạt rất nặng hoặc tước tư cách thành viên.

 

Đối với các giao dịch thanh toán tiền hàng hoá dịch vụ tại POS, các tổ chức thẻ TDQT quy định ngân hàng thành viên và đơn vị chấp nhận thẻ không được thu phí từ chủ thẻ. Trong khi đó, đơn vị chấp nhận thẻ lại phải nộp từ 2,75 - 3% cho ngân hàng. Khoản này sẽ được chia cho ngân hàng phát hành, ngân hàng thanh toán và tổ chức thẻ TDQT. Nhưng thực tế cho thấy, tại các thị trường phát triển như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… các đơn vị chấp nhận thẻ đều “thu phí chui” của chủ thẻ 3% trên tổng số tiên giao dịch để bù vào khoản phải nộp cho ngân hàng.

 

Lời khuyên cho chủ thẻ

 

Việc các NHTM không được thu phí giao dịch, đang phải gồng mình gánh chịu các khoản lỗ do chi phí đầu tư quá cao, đang kiềm chế sự phát triển của lĩnh vực thẻ. Các chi nhánh của các NHTM cũng không mặn mà trong việc phát triển sản phẩm thẻ, vì thế, vô hình chung đã làm giảm chất lượng dịch vụ: ATM không được tiếp quỹ, hết hoá đơn… nên khách hàng không giao dịch được.

 

Từ thực tiễn như vậy, việc Hiệp hội Thẻ Việt Nam kiến nghị NHNN cho thu phí rút tiền tại ATM là hợp lý. Khoản thu từ phí rút tiền mặt tại ATM sẽ giúp các ngân hàng bù lỗ cho các khoản đầu tư về công nghệ, thiết bị và các chi phí quảng cáo. Thực ra, phí rút tiền mặt cho thẻ nội địa là rất thấp: 1.000VNĐ/giao dịch khi chủ thẻ rút tiền tại ATM của ngân hàng phát hành, và 3.600 - 4.000VNĐ/giao dịch khi rút tiền tại ATM của các ngân hàng khác.

 

Khi thực hiện giao dịch tại ATM của ngân hàng khác, nếu như không muốn mất phí, thì không nên vấn tin, in sao kê/ hoá đơn… Vì vậy, điều quan trọng là chủ thẻ cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định sử dụng sản phẩm, dịch vụ nào cho phù hợp. Mặt khác, các NHTM cũng cần thông tin rõ cho khách hàng về các biểu phí thẻ và giao dịch thẻ để khách hàng chủ động trong việc lựa chọn sử dụng dịch vụ. Chủ thẻ có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin về sản phẩm, biểu phí và các dịch vụ giá trị gia tăng bằng cách truy cập vào website của ngân hàng phát hành hoặc gọi điện trực tiếp cho Trung Tâm Thẻ của ngân hàng để yêu cầu giải đáp. Số dịch vụ khách hàng in ở mặt sau của thẻ.

 

Dao Minh Binh

 

LTS Dân trí - Bài viết trên đây giúp cho mọi người hiểu rõ những lợi ích nhiều mặt của việc cần phát triển rộng rãi việc dùng thẻ rút tiền tự động qua ATM cũng như lý do cần tiến tới thu loại phí dịch vụ này. Đây chính là khâu dịch vụ tự động quan trọng nhằm giảm lưu thông tiền mặt, minh bạch hóa nguồn thu nhập cá nhân, cũng như góp phần hiện đại hóa, tăng hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại.

 

Tuy nhiên, trước khi thu phí, cần hoàn thiện hơn nữa hệ thống ATM, tạo điều kiện rút tiền thuận lợi cho khách hàng và nên cân nhắc mức phí phù hợp, thỏa đáng cả cho người dùng thẻ và ngân hàng. Vì vậy, chủ trương cho tạm dừng việc thu loại phí này của Ngân hàng Nhà nước là đúng đắn.