Cần đổi mới hoạt động của Hội phụ huynh học sinh

(Dân trí) - Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành quy chế về tổ chức phụ huynh học sinh nhưng hầu như quy chế này chưa được phổ biến và không biết có đúng với nguyện vọng của các phụ huynh? Vì thế tôi muốn tham gia một số ý kiến về tổ chức này.

Cần đổi mới hoạt động của Hội phụ huynh học sinh - 1
Buổi họp phụ huynh tại trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Quảng Nam).
 
1 - Không biết, Hội Phụ huynh học sinh (PHHS) ra đời từ bao giờ, với tôn chỉ mục đích như thế nào? Nhưng điều này thì có thể đoan chắc: việc thành lập các Hội (hay Ban liên lạc) đó không ngoài mục đích thắt chặt mối quan hệ giữa NHÀ TRƯỜNG và GIA ĐÌNH HỌC SINH để phối kết hợp giáo dục các cháu nên người. Đó là mục đích có ý nghĩa nhất.

Với quan điểm như vậy, nội dung hoạt động của Hội PHHS chỉ nên tập trung vào vấn đề làm sao nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện cho học sinh; trong đó có việc theo dõi sát sao việc học trên lớp và việc học ở nhà; theo dõi sát sao kết quả học tập, rèn luyện.

Công việc như thế, không nhất thiết cứ phải triệu tập toàn bộ PHHS đi họp (làm nặng nề thêm căn bệnh trầm kha “sính họp hành” của xã hội ta!), chỉ cần làm một phép tính đơn giản: đem số ngày công họp đó nhân với số lần họp trong một năm học, sẽ là bao nhiêu thời gian, tiền bạc của nhân dân, của một trường, một địa phương và đối với toàn xã hội?

Thay vì phải báo tất cả phụ huynh đến trường nghe kết quả học tập, chúng ta hoàn toàn có thể in thông báo giao cho các em học sinh mang về gia đình. Với những vấn đề cá biệt, cần trao đổi ngay với từng phụ huynh, như tình trạng lười học, thiếu bài vở, trốn học, nghịch ngợm, làm hư hỏng thiết bị của nhà trường… thì chúng ta dùng ngay SỔ LIÊN LẠC, yêu cầu phụ huynh xem rồi cho ý kiến, kí vào (như lâu nay vẫn làm), có phải nhanh nhạy và kết quả hơn không?

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Còn nếu như cứ đợi đến cuộc họp PHHS mới nói, thì chậm quá, tác dụng lại không được như mong muốn; bởi muốn nói gì thì nói, trong những trường hợp cá biệt như thế, Hội hoàn toàn không thể làm thay vai trò của các bậc làm cha, làm mẹ được.

Và cách giải quyết trực tiếp như thế, còn tránh cho phụ huynh của những học trò “cá biệt” khỏi “bị tra tấn”, khỏi cảm thấy như bị “bêu riếu” giữa đám đông, như bài báo trước đã nêu!      

2 - Với mục đích đã nói ở phần trên, chúng tôi thiết nghĩ: Hội PHHS là một tổ chức quần chúng tự nguyện và chỉ nên là tự nguyện. Không nên gò bó, ép buộc - dù với bất cứ hình thức nào. Chắc chắn khi nghe nói đến hai chữ “ép buộc”, nhiều vị có trách nhiệm… sẽ dựng ngược lên: “nào ai ép buộc ai bao giờ?”.

Đúng là không có văn bản, quy định nào như thế, nhưng cái lệ đời, thường những cái “không thành văn” ấy, lại đóng vai trò rất quan trọng, khiến người dân không thể không tuân thủ; thậm chí còn phải răm rắp tuân theo hơn cả… “luật thành văn” nữa ấy chứ!.

Không biết các vị phụ huynh khác thế nào, chứ như tôi đây, tôi chả dám nói… “không tự nguyện” tham gia Hội PHHS, cho dù cháu mới chỉ học lớp… mẫu giáo! Ngay đến nghỉ một buổi họp PHHS, cũng còn chả dám nữa là!.

3 - Đã là một tổ chức, thì nhất thiết phải có QUỸ hoạt động. Nhưng đừng bao giờ biến cái QUỸ đó thành một hình thức THU TIỀN ĐÓNG GÓP những khoản không có trong quy định - một kiểu thu TRÁ HÌNH.

Chúng ta cần hiểu rằng, trong một xã hội mà sự giầu nghèo đã và đang phân hóa một cách rõ rệt như hiện nay, số tiền đóng góp năm ba chục ngàn, thậm chí một vài trăm ngàn, chả đáng là gì đối với người có của; nhưng lại vô cùng lớn đối với bà con lao động nghèo.

Trong nhiều cuộc họp PHHS, thường gặp hiện tượng: Khi vị đại diện Hội nêu ra vấn đề đóng góp, đều rất dân chủ “xin” ý kiến của mọi người, chứ không tự áp đặt. Nhưng lập tức, có ngay một vài “vị” phụ huynh “có máu mặt” đứng bật dậy, phụ họa theo bằng cách nêu lên những con số đóng góp… làm giật mình nhiều phụ huynh khác! Sau những ý kiến “sốt sắng” như thế, cấm thấy ai dơ tay phản bác, mặc dù nhiều vị vừa “méo mặt”, vừa cảm thấy như bị xúc phạm.

Chúng ta đang nói nhiều đến căn bệnh HÌNH THỨC, căn bệnh “sính họp hành”. Thiết nghĩ,  việc xem xét lại mục đích cũng như nội dung hoạt động của các Hội PHHS, hoàn toàn là một công việc cần thiết, đáng bàn, đáng làm. Nhất là vào lúc xã Hội đang có nhiều ý kiến về vấn đề cải cách giáo dục, như lúc này.

Trần Huy Thuận (Nam Định)

LTS Dân trí - Có một tổ chức xã hội (tuy chưa chính thức được công nhận là một Hội) nhưng hầu như mọi gia đình có con em đi học đều phải tham gia - Đấy là Hội phụ huynh học sinh.

Nhiều nơi tổ chức này hoạt động có hiệu quả góp phần tích cực vào việc tăng cường mối hệ giữa gia đình học sinh và nhà trường nhằm phối hợp nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện đối với học sinh. Nhưng cũng không ít nơi hoạt động có tính hình thức, biến tướng thành một tổ chức phụ thuộc vào nhà trường, hoạt động không đúng chức năng và thiếu công tâm làm cho nhiều cha mẹ học sinh phải bất bình.

Đã đến lúc cần chấn chỉnh cách tổ chức cũng như nội dung và phương thức hoạt động của Hội phụ huynh học sinh mà những kiến nghị trong bài viết trên đây là những đóng góp có căn cứ, cần được các cấp quản lý chính quyền và ngành giáo dục xem xét và vận dụng những điều thấy hợp lý.