Cần đoạn tuyệt những “thành tích rởm” trong giáo dục!

Tôi đang là một sinh viên, sau khi đọc những bài viết về tiêu cực trong kì thi tốt nghiệp THPT vừa qua, tôi muốn chia sẻ những điều trăn trở bấy lâu nay.

Năm nay 2010,tỉ lệ tốt nghiệp THPT ở nước ta lại tăng cao không đúng với thực chất trình độ học sinh; số trường có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp xấp xỉ 95% là rất nhiều.Tôi chỉ là 1 công dân VN và cũng là một sinh viên,đã trải qua kì thi này vào năm 2008,  sau năm có cuộc vận động “Hai không” 1 năm. Trước đó, quả thực tình trạng thi cử rất phức tạp, có nhiều tiêu cực về phía thí sinh cũng như các giám thị và giám khảo trông thi và chấm thi.Về phía người dân thì ai cũng cho rằng nên để cho những học sinh học đã phải bỏ công sức học 12 năm được nhận tấm bằng để sau này học một nghề nào đó và dễ kiếm việc làm hơn.Bản thân tôi cũng cho rằng điều đó là đúng.Nhưng sau này nghĩ lại mới nhận ra rằng từ những sự dễ dãi đó của chúng ta đã và đang góp phần tích cực vào việc tạo ra sự tiêu cực phổ biến trong xã hội ngày nay. Rất buồn là từ trung ương tới địa phương, hầu như nơi nào cũng thấy tiêu cực; thậm chí có những ngành, những lĩnh vực, sự tiêu cực trở  thành hệ thống gây nên nhiều sự bất công trong xã hội cũng như làm mất niềm tin của người dân.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Từ khi cuộc vận động “Hai không” bắt đầu thực hiện thì tình trạng vượt tường rào, mất an ninh trật tự tại các địa điểm thi hầu như không thấy và cũng không còn tình trạng ném phao thi qua cửa sổ, thậm chí là cả giám thị “gà” bài là không còn.Nhưng đó mới chỉ là bề ngoài của hội đồng thi,còn bên trong phòng thi vẫn diễn ra những trò quay cóp và gà bài tinh vi hơn.Tôi không trực tiếp chứng kiến những cảnh đó nhưng  các bạn hãy thử hỏi những thí sinh đã từng thi tốt nghiệp xem họ được chứng kiến những chuyện gì trong phòng thi? Một điều không ngờ là những trường chuyên cũng vẫn xảy ra tiêu cực. Các bạn nghĩ sao khi Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn gộp  2 kì thi làm một? với đầy những tiêu cưc như thế liệu các bạn nghĩ gì về kì thi “2 trong 1 “ nếu trở thành hiện thực . Riêng cá nhân tôi nghĩ rằng khi đó VN sẽ tất yếu có thêm biết bao nhiêu con người thiếu trình độ mà nguyên nhân chính là sự bất cập của nền Giáo dục chịu sự quản lý lỏng lẻo và áp dụng những chính sách không phù hợp. Ngay như hiện nay chúng ta đã phải nhìn thấy bao nhiêu tấm bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng và cả những tấm bằng thạc sĩ và tiến sĩ… “giấy”!

Quay lại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, tôi không trưc tiếp chứng kiến nhưng khi hỏi những thí sinh đã dự thi thì hỡi ôi sự tiêu cực hiện hữu ở khắp nơi, mọi hội đồng thi ở các địa phương, cho nên cả những tỉnh còn nhiều khó khăn và vốn yếu kém trong giáo dục vẫn đạt tỷ lê tốt nghiệp cao chót vót.  Sự tiêu cực của thí sinh được thể hiện ngay dưới tầm mắt và bàn tay che chở của những giám thị coi thi, thậm chí có giám thị còn làm bài cho thí sinh. Một điều ai cũng nhìn thấy là phao thi nhiều nơi rải trắng sân trường, trằng trên đường đi, cả một số nơi ở Hà Nội. Vậy mà khi tôi xem Ti vi cũng như số báo đưa tin, bài phỏng vấn về kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, thì thấy Bộ GD-ĐT trả lời rất “lạc quan” là việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay diến ra an tòan, nghiêm túc, số thí sinh và giám thi bị kỷ luật giảm hẳn so với các năm trước (!?).Vậy tôi xin phép được hỏi Bộ rằng giả sử bây giờ cho tổ chức thi lại tốt nghiệp tại 1 trường hay một tỉnh nào đó đạt tỷ lệ đỗ cao bất thường vừa qua để xem thực chất đỗ tốt nghiệp được bao nhiêu thì lúc ấy Bộ mới tỉnh ra không còn lạc quan khẳng định thành tích nữa?

Bản thân tôi đã từng chứng kiến có những học sinh trong đầu không có một chút nào kiến thức mà vẫn đỗ tốt nghiệp (năm 2010).Thật là buồn cười khi nghe những báo cáo khác hoàn toàn sự thật. Tôi nghĩ tình trạng tiêu cực đó đã thành “dịch bệnh” lan tràn trong tòan ngành giáo dục. Đó là bệnh thành tích mà lâu nay Bộ GD-ĐT đã nhận ra nhưng chưa chống triệt để, vẫn còn nặng về cách chống “hình thức”, cho nên căn bệnh này vẫn còn đó, chỉ chờ cơ hội lỏng lẻo trong qủan lý thì lại bùng phát như kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.

Theo tôi suy nghĩ, cần phải nhìn thẳng vào sự thật này. Khi đó chúng ta mới tìm ra được biện pháp khắc phục và có được những thành tựu thật sự chứ không phải là thành tựu trên giấy tờ như hiện nay.Nhân đây tôi cũng xin cảm ơn Diễn đàn Dân trí đã đề cập tới vấn đề mà tôi đang rất bức xúc. Nhờ có diễn đàn mà tôi  hi vọng điều tôi đang muốn nói sẽ có nhiều người biết đến hơn nữa.Tôi xin chân thành cảm ơn.

 

Phạm Văn Tiến

 

LTS Dân trí - Tiêu cực là một căn bệnh nặng, hầu như đã “lặn sâu” vào cơ thể của nền giáo dục nước ta. Nguy hại hơn là những tiêu cực trong thi cử lại nhận được sự đồng tình, ủng hộ của không ít người dân là các cha mẹ học sinh. Vì vậy, cuộc vận động “Hai không” tưởng như nhận được sự đồng tình của tòan ngành giáo dục cũng như mọi người dân. Nhưng thực tế cuộc thi tốt nghiệp THPT vừa qua cho thấy khi thiếu vắng sự giám sát chặt chẽ của Bộ GD-ĐT thì chuyện đâu lại vào đó.

Không thể lùi bước trước căn bệnh nguy hiểm này trở lại trong ngành giáo dục. Điều trước hết cần nhận thức đến nơi đến chốn về những tác hại của sự giả dối, man trá trong môi trường vốn là chuẩn mực của giáo dục. Từ đó, các cấp quản lý giáo dục cũng như các cấp chính quyền địa phương đều kiên quyết đọan tuyệt với những “thành tích rởm” trong giáo dục.

Dưới sự chỉ đạo thống nhất của các cấp lãnh đạo và quản lý, các trường học và đội ngũ thầy cô giáo mới có điều kiện chống tiêu cực và từng bước phấn đấu đạt những thành tích thật sự trong giáo dục.