Cần công khai danh sách hộ nghèo

Đảng và Nhà nước ta có nhiều chính sách ưu đãi dành cho các hộ nghèo như thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; cho vay tín dụng với lãi suất thấp để làm ăn hay cho con cái đi học; được miễn giảm học phí, trợ cấp học bổng…

Vì vậy, hiện nay có không ít hộ, đặc biệt những người có chức có quyền hay người thân của họ tìm mọi cách để được xếp vào hộ nghèo.

 

Vừa qua, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng tiến hành đợt khảo sát tìm hiểu gia cảnh thực tế của một số sinh viên thuộc hộ nghèo cư trú ở thành phố Đà Nẵng,  trước tình trạng ngày càng nhiều sinh viên nghèo xin miễn giảm học phí tại trường thì kết quả phần lớn các đối tượng được kiếm tra đúng ra không thể nằm trong hộ nghèo. Thậm chí có em thuộc gia đình khá giả có nhà lầu 2 tầng, có xe @ mà vẫn được công nhận là… hộ nghèo!

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Các khâu để xác định hộ nghèo ở cơ sở nhìn chung tiến hành rất chặt chẽ, khi họp tổ dân phố người dân trong tổ xem xét về thu nhập, về cung cách chi tiêu, sinh hoạt thường ngày,…của các hộ đó để đưa ra biểu quyết, lựa chọn hộ nào là hộ nghèo thật rồi sau đó lập ra danh sách gửi lên cấp trên. Nhưng vì nhiều người không thuộc hộ nghèo mà muốn được hưởng các ưu đãi như hộ nghèo lại có sự quen biết với chính quyền địa phương  nên xin được vào diện hộ nghèo hay bổ sung vào danh sách đã được tổ dân phố bình chọn… Khi xin vào diện hộ nghèo này đa số họ chấp nhận không cần hưởng các khoản trợ cấp nào khác mà chỉ để hưởng các khoản miễn giảm về học phí khi có con cái đi học. Do đó nhiều cán bộ ở địa phương cảm thấy không ảnh hưởng gì nhiều nên dễ dàng chấp nhận những hộ này là hộ nghèo. Không ít địa phương vì “ khuyến tài” muốn tạo cơ hội cho nhiều con em mình được thuận lợi khi đi học đại học nên cũng thực hiện chủ trương “ngầm” là hễ nhà nào có con đi học đại học thì được xếp vào hộ nghèo.

 

Cũng chính vì sự lộn xộn “hộ nghèo” như hiện nay là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc cấp phát tiền tết của Chính phủ cho các hộ nghèo gặp nhiều rắc rối và sai sót. Vì Chính phủ cấp tiền về các địa phương căn cứ trên số liệu báo cáo thống kê nhưng trong số đó có không ít là “hộ nghèo giả”, khi tiền được chuyển về, chính quyền địa phương sẵn sàng chia cho những hộ nghèo thật sự nhưng những “hộ nghèo giả” thì không thể cấp tiền này được, chính vì vậy những khoản tiền ấy đem ra chia chác cho những đối tượng khác,…Còn nếu phát đều cho tất cả các hộ nghèo nhưng vì không muốn các “hộ nghèo giả” này nhận đủ 100% số tiền nên dẫn đến nhiều địa phương thực hiện chủ trương bớt xén lại, vô tình những hộ nghèo thật cũng bị ảnh hưởng theo.

 

Vì vậy để khỏi giảm lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước, làm méo mó chủ trương chính sách, tạo nên sự công bằng trong xã hội thì tốt nhất là nên công khai danh sách hộ nghèo tại các khu dân phố hoặc các thôn, xóm… Khi việc họp ở cơ sở xác định được hộ nghèo và gửi lên cấp trên phê duyệt thì nên phô tô danh sách sau khi cấp trên phê duyệt dán công khai tại trụ sở các khu dân phố, các thôn xóm… để mọi người đều được biết, lúc đó chắc chắn những hộ không được nhân dân bình chọn là hộ nghèo không thể có mặt trong danh sách để được hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước.

 

Văn Thy Hoàng

(GV Trường THCS Nguyễn Khuyến, Hội An, Quảng Nam)

 

LTS Dân trí - Lời dân bàn trong bài viết trên đây là một ý kiến hay nhằm khắc phục tình trạng lộn xộn giữa hộ nghèo thật và nghèo giả, làm ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện chính sách, chế độ, gây nên sự mất công bằng và giảm sút niềm tin của nhân dân.

 

Mong rằng ý kiến đóng góp đó được các cấp chính quyền chấp nhận và cho thực hiện công khai hóa danh sách các hộ nghèo tại cơ sở để mọi người dân được biết và kiểm tra việc thực hiện mọi chế độ, chính sách đối với các hộ nghèo. Đấy là cách làm công khai, dân chủ và minh bạch đáng được hoan nghênh và nên thực hiện rộng rãi.