Cần có sự thông cảm giữa các thế hệ

(Dân trí) - “Phải nghiêm khắc mà nói chính người lớn chúng ta mới là nguyên nhân sâu xa của tình trạng trẻ em hư hỏng ngày càng nhiều cũng như tình trạng bạo lực học đường diễn ra ngày càng phổ biến”.

Cần có sự thông cảm giữa các thế hệ  - 1

Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những cảnh bạo lực trên đâu đó ngoài đường phố trong thời gian qua
(nguồn ảnh: 24h.com.vn)
 
Quan sát và sống trong thực tiễn xã hội ngày nay, tôi thấy sự nhìn nhận nói trên là đúng. Nhưng không phải ai cũng thừa nhận điều này vì ít ai trưởng thành trong gian khổ, trong chiến tranh, trải qua những năm tháng đói rét, thiếu thốn lại dễ chấp nhận một thế hệ trẻ không phải lo bữa ăn, cái mặc mà trở nên hư hỏng.
 
Qua những năm tháng đã sống và trải nghiệm, họ mong muốn sau này con cái mình sống trong ấm no, sung sướng, ngoan ngoãn và tiến bộ hơn. Vì thế suốt cả cuộc đời họ làm lụng vất vả để rồi bây giờ họ bàng hoàng, thất vọng về những đứa con. Sự thật khác xa so với mong đợi và tưởng tượng, làm sao họ không đau buồn, tức giận và đem tất cả tình thương, lo lắng, thất vọng, tức giận… mà bấy lâu nay họ vẫn giữ trong lòng ấy trút lên đầu con trẻ. 

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Nhưng đó không phải là cách hay, vì những đứa trẻ thường chưa kịp hiểu tấm lòng của bậc sinh thành. Trẻ em vẫn rất muốn được yêu thương, được thấu hiểu, được sẻ chia, được chỉ bảo tận tình, được chỉ dẫn về cách làm người. Vì vậy mà tôi rất đồng tình với sự phân tích trong bài báo : “Nhưng thường thì người lớn hay tức giận trước lỗi lầm trước mắt của trẻ con, mà không kịp bình tĩnh tự hỏi nguyên nhân sâu xa nào dẫn chúng đến phạm lỗi”.

 

Trong bài báo này có nhắc đến sự “tha hóa đạo đức” của người lớn, điều này chính xác, và không có gì để bàn luận thêm nữa.

 

Nhưng tôi có một điều này muốn nói với các bạn học sinh và các bạn trẻ nói chung. Có thể những người lớn có đầy rẫy những lỗi lầm, những sai sót, và còn bao nhiêu điều các bạn muốn nói với người lớn mà chúng tôi chưa hiểu hết, cũng chưa có những sự lắng nghe một cách kịp thời… Chúng tôi biết trong sự hư hỏng của các bạn có một phần lớn lỗi lầm của chúng tôi. Nhưng chỉ có duy nhất một người có thể chọn con đường cho các bạn, đó là chính các bạn.
 
Trên đường đời - con đường bạn đi, có thể sẽ gặp kẻ xấu xa, những tấm gương đã hoen màu, những điều tệ hại,… nhưng không phải những người đó, điều đó có thể thay đổi con người bạn. Tôi mong tuổi trẻ dù còn non nớt nhưng cần sớm hình thành bản lĩnh. Dù ở đâu, chịu những tổn thương và bất hạnh gì, tôi luôn mong ước các bạn hãy nhìn về phía trước và bước đi vững vàng, tràn đầy niềm tin và vui vẻ vượt qua những khó khăn. Chúng tôi luôn mong muốn góp phần tạo ra tiền đề cho những thế hệ sau có một gia đình, một xã hội trong lành, hạnh phúc. Và chúng tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình.

 

Từ trước đến nay tôi vẫn luôn tự nhắc mình nhớ một câu nói đại loại thế này: khi sinh ra mình khóc mọi người cười, hãy sống sao cho khi chết đi mọi người khóc, mình cười. Tôi không biết rằng mình có làm được điều ấy không, nhưng tôi chắc chắn rằng tôi sẽ thực hiện điều đó bằng tất cả sức lực và khả năng của mình.  

 

                                                            Nguyễn Thị Phương Dung

 

LTS Dân trí - Bài viết trên là sự chia sẻ chân thành tâm sự của những thế hệ đi trước với những thế hệ sau. Nhiều khi xảy ra những xung đột không đáng có giữa các thế hệ, thậm chí sự xung đột đột đó diễn ra ngay trong một gia đình, giữa con cái và cha mẹ mà nguyên nhân chủ yếu vì thiếu sự thông cảm, thiếu sự chia sẻ tâm tư, suy nghĩ một cách cởi mở, thẳng thắn và biết trân trọng lắng nghe ý kiến giữa các thành viên trong gia đình.

Người lớn nói chung và cha mẹ nói riêng thường lấy quyền của “người lớn” để áp đặt mọi việc và luôn tin rằng tiếng nói của mình là “chân lý” mà trẻ em buộc phải theo. Chính điều này đã tạo ra một “khoảng cách” vô hình đối với con cái. Các em càng lớn lên, khoảng cách này càng xa ra. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần luôn chủ động gần gũi yêu thương để các con mình có điều gì vướng mắc sẵn lòng sẻ chia với cha mẹ và luôn nhận được những lời khuyên bảo chí tình, giầu sức cảm hóa và thuyết phục.