Cần có một cái nhìn khách quan về thi thử đại học

(Dân trí) - Diễn đàn Dân trí ngày 5/4/2011 có bài phê phán tình trạng lộn xộn trong tổ chức thi thử. Trong bài viết, tác giả đã nêu ra những biểu hiện “cách tổ chức chỉ chạy theo lợi nhuận” nên dịch vụ này không phát huy được tác dụng như mong muốn.

Bài viết cho rằng đề thi đang bị “thả nổi”, khâu coi thi còn thiếu chặt chẽ, nhiều trung tâm luyện thi đội giá dịch vụ lên quá cao gây tốn kém cho gia đình HS (học sinh)…Từ đó, tác giả đề nghị các cơ quan chức năng “cần sớm vào cuộc để đưa dịch vụ thi thử ĐH vào quy củ”.

 

Từ tình hình thực tế, chúng tôi muốn trao đổi cùng tác giả Bùi Mình Tuấn một số vấn đề xung quanh bài viết.       

         

 Nếu cho rằng, chất lượng đề thi thử đang bị thả nổi do không có cơ quan chuyên trách thẩm định. Dĩ nhiên, vì tính chất “tự phát”, nên không thể có cơ quan chức năng kiểm định đề thi, vì như thế sẽ liên quan đến cơ chế, văn bản pháp quy, kinh phí…Và mỗi đề thi thường giao cho một giáo viên thực hiện nên vẫn có những sai sót nhất định.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Tuy nhiên, các cơ sở tổ chức thi thử bao giờ cũng giao nhiệm vụ ra đề cho những giáo viên có trình độ chuyên môn cao, có uy tín để bảo đảm đề chính xác, khoa học, bí mật. Về cơ bản, các đề thi thử ĐH đều đạt yêu cầu, dĩ nhiên không thể chính xác tuyệt đối như đề thi chính thức được.

 

Hiện tượng một HS thi ở nơi này được 8 điểm, thi ở nơi khác được 5 điểm là chuyện bình thường, phụ thuộc vào cách ra đề và trạng thái tâm lým sức khỏe của HS ấy, chưa thể kết luận là do khâu ra đề thiếu chính xác.  

   

Thứ hai, tác giả phản ánh “mỗi phòng thi thường được bố trí nhiều hơn từ 2-3 lần so với quy định” (nghĩa là khoảng 48 đến 72 HS). Đúng là có hiện tượng ấy, song các cơ sở tổ chức thi thử chỉ tận dụng các phòng học chung, hội trường lớn, nghĩa là vẫn bảo đảm không gian, khoảng cách cho HS làm bài, và số lượng phòng thi được bố trí như vậy thường không đáng kể.

 

Còn ở những phòng học bình thường thì vẫn bố trí đúng như quy định của Bộ GD-ĐT (24 em/phòng) hoặc có thêm một vài em. Nếu phản ánh tình hình chung như vậy sẽ dẫn đến ngộ nhận là tất cả các phòng thi đều “nhồi nhét” HS quá mức, thậm chí còn đông hơn cả một lớp học bình thường, vậy HS làm sao mà làm bài được.

 

Về khâu coi thi, do tính chất “thử”, nên tinh thần tự giác của các em đều rất cao, bởi vì các em đã có ý thức tự nguyện tham gia để thử thách, rèn luyện. Chúng tôi đã nhiều lần tham gia hoạt động này, và chưa hề bắt gặp một HS nào sử dụng tài liệu. Các giáo viên thường trao đổi: “Khoẻ nhất là đi coi thi thử ĐH, vì các em đã tự nguyện thử sức, nên không tiêu cực, quay cóp”.

 

Hiện tượng trao đổi có diễn ra, song về cơ bản chỉ xẩy ra ở một số em tham gia thi theo phong trào. Những HS này đều học lực yếu, kết quả làm bài kém, nên chỉ vì một vài em ấy mà kết luận “tính khách quan trong kết quả của bài thi bị ảnh hưởng” là không thỏa đáng.

 

Thực tế cho thấy sự chênh lệch về kết quả thi thử và thi thật là không đáng kể, có thể dao động trong một vài điểm/3 môn, vì thế có thể coi kết quả thi thử là một thông tin đáng tin cậy về năng lực HS.

 

Thứ ba, về lệ phí thi thử ĐH, tác giả phản ánh do các “lò” luyện thi đua nhau đội giá dịch vụ nên “lệ phí cho 3 môn thi thường dao động từ 120.000-150.000 đồng”.
 
Cần có một cái nhìn khách quan về thi thử đại học - 1

(ảnh minh họa)

 

Không biết  thông tin trên từ đâu ra, còn qua tham khảo ý kiến của các đồng nghiệp, chúng tôi được biết trên địa bàn Hà Tĩnh không có cơ sở nào thu mức lệ phí nói trên ( năm nay dao động từ 15.000-60.000 đồng/3 môn-hầu hết là mức 30-50.000 đ/3 môn). Tại thành phố Vinh (Nghệ An) tổ chức thi thử ĐH năm nay (2011) cũng chỉ thu mức phí 70.000 đồng/3 môn.

 

Ngay trên địa bàn thành phố Hà Nội (109 Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội), lệ phí thi thử ĐH cũng chỉ ở mức 15.000 đồng/môn. Như vậy, thông tin về lệ phí thi thử ĐH mà tác giả Bùi Minh Tuấn đưa ra là không chính xác.  

               

Hoạt động thi thử ĐH là hoàn toàn xuất phát từ nguyện vọng của HS, các trường hay các trung tâm luyện thi không hề ép buộc, và đây là một nhu cầu chính đáng, một hoạt động có ích như tác giả Bùi Minh Tuấn đã phân tích. Thực chất đây là một hoạt động có tính chất tiếp nối, hoàn thiện quá trình luyện thi ĐH, học thêm của HS.

 

Tính chất của những hoạt động này là mang tính tự phát, tự nguyện: HS có nhu cầu học, các em sẽ tìm đến những giáo viên có năng lực, uy tín, các em có nhu cầu thi, các em sẽ đăng kí ở những cơ sở đảm bảo chất lượng.

 

Thầy Trần Xuân Phượng, Phó Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú (Hà Tĩnh) cho biết: “Thi thử là để giúp HS kiểm tra kiến thức một cách khách quan, và rèn luyện kĩ năng làm bài. Hoạt động này mang tính tự nguyện, không áp đặt. Thậm chí chúng tôi còn từ chối nhiều trường hợp HS xin đăng kí dự thi”.

 

Kinh phí cũng được tính toán trên một mặt bằng chung, có tính hợp lý nhất định bởi vì nếu quá thấp thì không đủ chi, nếu quá cao thì người học không chấp nhận. Nếu giáo viên dạy không đảm bảo hay hoạt động thi thử ĐH có những tiêu cực thì sẽ bị HS tẩy chay và tự nhiên trung tâm sẽ bị xóa sổ không cần ai phải xử lý gì cả. Và từ thực tiễn cho thấy, hoạt động này chưa “loạn” đến mức các cơ quan chức năng phải “vào cuộc”.    

 

                                                     Trần Quang Đại

                                                            (Hà Tĩnh)

 

LTS Dân trí - Tình hình thực tế của việc tổ chức thi thử đại học ở các địa phương nếu diễn ra đúng như bài viết trên đây thì đấy là điều thật sự đáng mừng, dư luận không còn lý do gì phải quan tâm bàn luận và nhắc nhở.

 

Nhưng bên cạnh nhiều địa phương, nhiều cơ sở làm tốt, không loại trừ có nơi tổ chức thi thử chưa chu đáo, thậm chí là tắc trách. Điều đó cũng không lạ gì về cách “làm ăn” trong cơ chế thị trường cũng giống như các “lò luyện thi” ở những thành phố lớn thường mượn tên những thầy giáo có uy tín, có học vị học hàm hẳn hoi, để quảng cáo cho chất lượng luyện thi của đơn vị mình, nhưng thực chất ra sao thì chỉ người học mới biết!