Cần có định hướng đúng trong chọn nghề, lập nghiệp

Theo báo cáo khoa học của Viện Nghiên cứu Giáo dục thì hơn 80% giới trẻ ở Việt Namcó ước mơ nghề nghiệp, nhưng không đủ tự tin nên họ chẳng dám quyết tâm theo đuổi để lập nghiệp.

Báo cáo ấy còn cho biết hơn 83% học sinh sinh viên (HSSV) cho biết dự định tương lai của mình chỉ là học giỏi những môn phải thi, cốt để lo trúng tuyển (Chấm hết!).

 

Hơn 72% HSSV cảm thấy khó khăn và rất lúng túng trong các kỹ năng mềm, như giao tiếp ứng xử, suy nghĩ tập trung, làm việc hợp tác…

 

Hơn 75% HSSV sau tốt nghiệp vẫn chưa đủ tự tin để dấn thân lập nghiệp, mà chỉ mong “học nữa học mãi” để có bằng cấp cao hơn nữa…

 

Một thực trạng rất đáng quan tâm là nhà trường chưa giúp được gì đáng kể cho việc định hướng lập nghiệp của HSSV. Kết quả điều tra cho thấy có hơn 75% giáo viên không quan tâm đến giáo dục hướng nghiệp và chẳng có tác dụng gì trong việc định hướng tương lai cho HSSV. 

 

Tại Hội thảo khoa học “Nhận thức và thái độ của HCSV về định hướng tương lai” được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, các đại biểu đã nêu ra rất nhiều bất cập giữa nội dung, phương pháp, tổ chức giáo dục so với mục tiêu đào tạo; giữa mục tiêu đào tạo trước mắt với mục đích giáo dục lâu dài (định hướng tương lai)… Cũng có rất nhiều lỗ hổng trong chất lượng và hiệu quả đào tạo, như tính nhân bản, tính hướng nghiệp…

 

Thực trạng tình hình giáo dục cho thấy những điều đáng lo lắng về sự bất cập trong chương trình, nội dung cũng như phương pháp dạy và học vừa trì trệ, vừa hẫng hụt vừa lệch hướng… Một trong những lệch hướng và bất cập nghiêm trọng nhất là đã biến việc dạy và học trong nhà trường thành “lò thi đấu” giữa các sĩ tử chạy theo khoa bảng và đuổi theo bằng cấp. Đến nỗi thầy giáo chỉ biết “dạy chữ” mà không quan tâm giáo dục hướng nghiệp; học trò chỉ biết luyện thi mà không có chí lập nghiệp và lập thân. Và nhất là, vì không được quan tâm rèn giũa các kỹ năng mềm (giao tiếp, ứng xử, tự học, hợp tác, dấn thân, chuyên tâm…), nên khi vào đời lập nghiệp họ chỉ biết ngơ ngác như gà công nghiệp!

 

Vấn đề được đặt ra và thu hút được nhiều ý kiến đóng tích cực trong Hội thảo với chủ đề: Giải pháp nào cho việc hỗ trợ HSSV khi họ muốn định hướng tương lai? 

 

Có rất nhiều giải pháp được nêu ra. Trong đó có một giải pháp xuyên suốt, đó là TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP. Bước đầu của tư vấn hướng nghiệp là giúp họ giải tỏa được những băn khoăn trong nhận thứcthái độ khi chọn nghề, lập nghiệp và định hướng tương lai. Nội dung sau đây là một ví dụ. 

 

Nhiều học sinh đã đến gặp nhà tư vấn để hỏi rằng, có một thực tế rất đời, rất thật, khá phổ biến, khiến nhiều HSSV (ngay cả những người học giỏi nhất) cũng phải băn khoăn:

- Có nhiều người học rất giỏi, nhưng lúc ra trường lại làm một nghề rất dở ! Trong khi có người không giỏi mà vào đời lại kiếm được một nghề hay, ngon lành, chẳng tốn công sức, có đời sống khá giả và được trọng vọng!

 

- Có người ước mơ hoài mà không chọn  được nghề và làm được việc mình thích ! Trái lại, có không ít người chẳng mất công mơ ước, không có hoài bão chi, lại nghèo đức kém tài, vậy mà gặp may có “ô dù”  như “diều gặp gió” mà vút lên!

 

Vậy là sao, cần gì phải hướng nghiệp hay định hướng tương lai? Định hướng trước, có khi thừa. Không định hướng, lại nhiều khi “được”, còn được to và “ngon” hơn người đã nhọc công mơ với ước! 

 

Đang học hay đã ra trường, ai cũng có lúc băn khoăn và lúng túng khi nghĩ đến việc chọn nghề, lập nghiệp và định hướng tương lai.

 

Định hướng tương lai phải đi kèm với mơ ước nghề nghiệp. Không phải vì nghề “dở” mà chủ yếu do mình chưa hiểu rõ những giá trị cao của nghề đó. Ngoài ra còn là, và chủ yếu là, do ta chưa có điều kiện để hiểu thật thấu đáo về những đặc điểm cá nhân của mình, xem có phù hợp (hay không phù hợp) với nghề định chọn (dù dở hoặc hay).

 

Quan niệm hay hoặc dở trong nghề nhiều lúc rất cảm tính. Có nhiều người đã vươn xa và rất thành đạt từ những nghề bị cho là dở (như nghề làm bếp, nghề hầu bàn, nghề mua ve chai, nghề giúp việc nhà… ). Lại có nhiều người khác làm nghề tưởng “oai” nhưng thực sự không phù hợp với tư chất của mình, nên cuối cùng phải “bye bye”, chuyển sang nghề khác, có khi chẳng “oách” tý nào!

 

Đã có không ít bạn trẻ nhầm lẫn rằng, chỉ cần có thích thú và nhắm vào nghề theo sở thích là chọn đúng nghề hay. Học và làm nghề gì cũng cần có sự ham thích. Điều đó không sai, nhưng thích thú chưa phải là điều kiện chính, càng không phải là điều kiện đủ. Trong khi, thực tế hướng nghiệp cho thấy có những điều kiện rất cần phải có được, trước khi nói đến chuyện thích hay không. Thích nghề nào là một chuyện, còn học được, và nhất là làm được nghề đó hay không, lại là chuyện khác.

 

Vậy, muốn chọn đúng nghề, đâu là những điều kiện cần có trước ? Đó là một loạt những tố chất sau đây : tính cách, năng lực, sở trường, năng khiếu, thái độ, sức khỏe của bạn có phù hợp với nghề định chọn hay không. Tất cả những điều kiện cần và đủ đó đều thuộc về các đặc điểm tâm-sinh-lý cá nhân mà chỉ qua trắc nghiệm khách quan (bằng công cụ test khoa học) mới hy vọng giúp bạn tự hiểu chính xác về mình.

 

Các nhà tư vấn hướng nghiệp có chuyên môn  đều lưu ý học sinh rằng, trước khi đặt bút đăng ký thi tuyển hay học nghề định chọn, thí sinh đừng tự mày mò “nhắm mắt đưa chân” hoặc ‘may nhờ rủi chịu” theo sở thích cảm tính hoặc theo sự lôi cuốn của bạn bè. Hãy tìm mọi cách tin cậy và khách quan để tự hiểu đúng về các tố chất cá nhân (như trên đã nói). Đó là hướng đi đúng đắn nhất để bạn có thể yên tâm dự tuyển, đăng ký lựa chọn không lầm nghề.

Nếu được qua trắc nghiệm và tư vấn hướng nghiệp tại một nơi tin cậy, bạn sẽ càng tự tin hơn khi quyết định theo đuổi một nghề. Chọn đúng nghề là nhân tố hệ trọng trong đời, quyết định tương lai. Chọn sai nghề là đi “sai nước cờ” để vào đời và lập nghiệp, làm hỏng tương lai, phải trả giá ! Nhiều người đã vì vậy mà lận đận lao đao, vừa tốn kém công sức, thời gian và tiền của, vừa bực bội chán nản, vừa mất niềm tin và nhiều khi mất cả chí khí tiến thân, vì việc không thành.

 

Mặt khác, chọn nghề mới chỉ là bước khởi đầu của hướng nghiệp. Còn phải dày công học nghề để giỏi nghề, từ đó nhằm đến việc khởi nghiệp và hành nghề trong những tình huống có khi gặp nhiều trắc trở. Điều này cũng cần được tư vấn về nhiều mặt, từ việc tìm nguồn vốn đến những cách vượt khó để qua nhiều cửa ải trong đời. Tất cả còn ở phía trước, nhiều thách thức đang chờ bạn. Miễn rằng, bạn đừng vội nản chí khi biết trước tiến trình vào đời bao giờ cũng như một cuộc “leo dốc” mà ai có bản lĩnh vượt lên mới là người chiến thắng.

 

Tất nhiên, bạn hoặc ai đó thoáng có ý nghĩ rằng, thiếu gì người chẳng cần “leo dốc”, họ chỉ nhờ cậy thế thân quen hay nhờ thời cơ “số đỏ” mà vụt lên hơn diều ! Vâng, họ “may mắn” thật, từ học hành lớt phớt đến nhân cách mờ nhạt… họ bổng dưng nắm trong tay một kho báu hoặc làm sếp một công ty kếch xù, nghĩa là họ có tất cả danh và lợi, chức và quyền. Đúng thế, họ có đủ thứ trọng đại và oai phong thật, nhưng họ thiếu một thứ rất cốt lõi trong nhân sinh. Đó là BẢN LĨNH SỐNG VÀ LÀM NGƯỜI. Thiếu cái gốc đó, họ chỉ “tiến lên” bằng cách sống dựa, khác gì loài dây leo !?

 

Vâng, đã là “dây leo” hay “nhân leo” thì họ leo được cao chót vót theo cây “đại thụ” thật, nhưng liệu sẽ thế nào mỗi khi đại thụ kia không còn gốc rễ ? Tiếc thay, cuộc đời của những “nhân leo” đó lại do người khác làm chủ, chứ không do chính họ làm chủ !

 

Bởi vậy, một bài toán như thế này (từ cuộc sống đặt ra) mà các chuyên gia hướng nghiệp thường nhắc đến : Vào đời và lập nghiệp, để thực sự làm chủ bản thân và làm chủ sự nghiệp, bạn nên lấy điểm tựa từ chính mình hay từ người khác, từ “nhất thời nhì thế”, từ “tam quyền tứ chế” hay từ phẩm chất và năng lực LÀM NGƯỜI của chính bạn ?

 

Đó là bài toán mà chỉ những ai biết tự trọng và tôn vinh những GIÁ TRỊ NHÂN BẢN mới chọn được đáp án chuẩn cho việc định hướng.

 

Mặt khác, không chỉ những người ấy chọn, mà xu thế của xã hội văn minh khi đi vào hội nhập với những tiêu chí nhân bản có giá trị khắp toàn cầu… cũng nhằm theo hướng đó.

 

Đó là xu thế rất sòng phẳng, công bằng và văn minh của thời đại, của thế kỷ 21. Sự sòng phẳng ấy được xác định là : “Ai biết chăm lo cải thiện nhân cách và biết dựa vào sức mình để vươn lên, người đó sẽ hy vọng đứng vững trước mọi bão tố của cuộc đời” (Jack Canfield –nhà tư vấn nổi tiếng thời @ của nước Mỹ). Hiển nhiên rằng, đời làm sao mà tránh được mọi giông bão khó lường trước!

 

Bởi vậy, việc chọn nghề, vào đời hay lập nghiệp… hãy luôn biết tỉnh thức, đừng mù quáng trước sự “hào phóng” từ ngoại lực mà quên đắp xây từ chính nội lực của mình. Đó là giá trị cao nhất của việc hướng nghiệp. Đó cũng là gốc rể của cuộc đời và sự nghiệp khi định hướng tương lai… 

 

Quang Dương
Nhà tư vấn nghề nghiệp 

 

LTS Dân trí - Việc xác định đúng định hướng chọn nghề và lập nghiệp có ảnh hưởng quyết định đến hiệu quả phấn đấu của tuổi trẻ. Nếu định hướng đúng sẽ phát huy được những khả năng tiềm tàng của bản thân, đồng thời tận dụng được những điều kiện thuận lợi khách quan. Ngược lại, nếu định hướng không đúng sẽ gặp nhiều trở ngại trên con đường tiến thủ và có ảnh hưởng lâu dài trong suốt cuộc đời.

 

Một công việc hệ trọng như vậy, nhưng kết quả điều tra cho thấy cả nhà trường cũng như HSSV chưa quan tâm đúng mức đến điều này. Vì vậy, nhiều khi chọn ngành nghề để theo học mới chỉ dừng lại ở cảm tính.

 

Hai cơ sở quan trọng hàng đầu để định hướng đúng nghề nghiệp là năng lực, năng khiếu của bản thân và nhu cầu phát triển ngành nghề của xã hội. Muốn tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp thì phải chọn đúng nghề mà xã hội đang cần phát triển. Đấy coi là điều kiện tiên quyết. Sau đó mới cân nhắc đến năng lực thích hợp đối với bản thân.

 

Khi đã nhất quyết chọn một nghề nào thì hãy cố gắng phấn đấu học cho giỏi nghề đó. Chỉ trên cơ sở như vậy mới có thể lập thân lập nghiệp, bởi chân lý từ nhiều đời xưa đã khẳng định: “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”.