Cách quản lý làm triệt tiêu động lực thi đua?

Để “khích lệ” giáo viên trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, vị lãnh đạo đã có một “sáng kiến” rất hay. Nếu học sinh được giải nhất thì thầy được 300 trăm, giải nhì thưởng 250, giải 3 được 200, giải khuyến khích 150… và không giải thì nhận “trọn gói” 300.


Một người bạn là giáo viên kể cho tôi nghe câu chuyện về cách quản lý của Ban Gíam hiệu trường bạn. Nghe xong mà tôi cứ băn khoăn hoài về cách quản lý làm triệt tiêu động lực thi đua.
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Bạn tôi kể rằng, để “khích lệ” anh em giáo viên trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, vị lãnh đạo trường bạn đã có một “sáng kiến” rất hay nhằm nâng cao thành tích và chất lượng giảng dạy. Theo đó, nếu học sinh đoạt giải nhất cấp TP thì thầy được thưởng 300 ngàn đồng, đoạt giải nhì thưởng 250 ngàn, giải ba - 200 ngàn, giải khuyến khích - 150 ngàn. Đáng nói là để “giật” được phần thưởng đó, thầy và trò phải ôn luyện cật lực trong 7 tháng trời, nhưng chỉ tính cho giáo viên dạy bồi dưỡng có 45 tiết. Còn nếu không có giải, và không có tiền tăng giờ thì được “an ủi” nhận số tiền “trọn gói” là 300 ngàn.

 

Quy định đó của vị lãnh đạo phụ trách mảng Khuyến học đã dẫn tới tình huống “tréo ngoe”: Giáo viên đổ công sức ra dạy nghiêm túc, cật lực nhưng có 1 học sinh đạt giải nhì thì chỉ được nhận thưởng 250 ngàn, còn giáo viên không có giải và không có tiền tăng giờ thì được “an ủi” 300 ngàn?!

 

Giáo viên phản ánh sự bất hợp lý đó thì được vị lãnh đạo này hứa sẽ xem xét. Tuy nhiên theo bạn tôi, nhiều năm nay “sáng kiến” đó vẫn còn được áp dụng tại trường bạn tôi - một trường THPT ở thành phố hẳn hoi!

 

Tôi thắc mắc, “thế giáo viên họ đổ công sức ra để có học sinh đoạt giải làm gì vì không đạt vẫn được nhận số tiền 300 ngàn !?”. Bạn tôi tâm sự rằng, biết thế nhưng anh em vẫn làm nghiêm túc, để có giải vì trách nhiệm, uy tín và danh dự trong mắt học trò, đồng nghiệp.

 

Bạn tôi cho biết khi được giải, lúc trao thưởng cũng rất nhiều “cảm xúc”. Lãnh đạo “long trọng” đọc tên khen thưởng trước Hội đồng sư phạm. Trong khi đó, những giáo viên đạt tiết dạy tốt giờ thao giảng trong phong trào thi đua lập thành tích chào mừng ngày 20/11, 8/3… thì được trao thưởng dưới cờ trước sự chứng kiến của giáo viên và học sinh toàn trường. Ai cũng biết công sức chuẩn bị để đạt tiết dạy tốt giờ thao giảng không thể so sánh với công sức bỏ ra để bồi dưỡng học sinh giỏi để đoạt được giải. Anh em giáo viên có người góp ý nên trao thưởng dưới cờ cho giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi đạt thành tích và nên có giấy khen… Bởi lẽ giá trị phần thưởng không quan trọng bằng cách trao thưởng. Tuy vậy, bạn tôi dù nhiều năm liền đạt thành tích cao trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi nhưng tuyệt nhiên không hề có một tấm giấy khen của lãnh đạo nhà trường.

 

Biết chuyện vậy, tôi không khỏi ngậm ngùi. Ôi, “tầm” lãnh đạo một trường THPT như thế mà cũng làm quản lý?

                                                  
 Thu Thủy
Đà Nẵng

 

LTS Dân trí - Câu chuyện nhỏ được phản ảnh trong bài viết ngắn trên đã nói lên sự tùy tiện trong việc định ra các phần thưởng cũng như cách trao thưởng của một trường THPT, vì thế không có tác dụng khuyến khích thi đua mà ngược lại còn làm giảm động lực thi đua.

 

Đổi mới công tác quản lý của nhà trường nên bắt đầu từ những việc nhỏ nhưng có ý nghĩa thiết thực, tác động đến mọi người cũng như phong trào thi đua chung của nhà trường.

 

Không thể tùy tiện trong việc định ra các giải thưởng cũng như cách trao giải thưởng. Thay đổi cách tùy tiện đó bằng cách xác lập những tiêu chí rõ ràng trong thi đua, người có đóng góp nhiều phải được thưởng nhiều, đấy chính là đổi mới công tác quản lý một cách thiết thực trong “Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”.