Hơn trăm công nhân mất việc trong “nháy mắt”:

Cà Mau: Sa thải vô cớ người lao động, cơ quan chức năng kết luận sai, tòa “phán” đúng!

(Dân trí) - Liên quan vụ “Hơn trăm công nhân mất việc trong nháy mắt”, UBND tỉnh Cà Mau đã có quyết định kỷ luật lãnh đạo Công ty Cấp nước Cà Mau, với nhiều sai phạm như giải quyết hợp đồng lao động chưa đảm bảo đúng quy định... Cùng vụ việc, TAND TP Cà Mau lại “phán”: “Công ty cấp nước đã giải quyết hợp đồng lao động đúng quy định”, dẫn đến gây hoang mang trong dư luận.

Hệ lụy của việc “biết sai nhưng không biết sửa”

Như Dân trí đã có nhiều tin, bài phản ánh, trước khi chuyển đổi từ công ty 100% vốn nhà nước sang cổ phần, Công ty Cấp nước tỉnh Cà Mau đã cho hơn 100 lao động nghỉ việc, mà theo kết luận của cơ quan chức năng thì công ty thực hiện sai quy định (không tiến hành Đại hội đại biểu công nhân viên chức, gọi tắt là bước 3); đồng thời đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo nhận lại 29 lao động bị cho nghỉ việc vào tháng 5/2016. UBND tỉnh Cà Mau cũng đã có quyết định kỷ luật đối với các lãnh đạo công ty này.

Theo quyết định do Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải ký nêu rõ: Ông Lý Hoàng Trung (Chủ tịch HĐQT) và các ông Trần Hoàng Khện (Giám đốc), Phạm Phước Tài (Phó Giám đốc) bị kỷ luật vì mắc nhiều sai phạm, trong đó có việc nóng vội, chưa thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, để nội bộ mất đoàn kết; chưa thực hiện đúng quy định về công tác cán bộ,… Đặc biệt, Chủ tịch HĐQT công ty này đã giải quyết hợp đồng lao động chưa đảm bảo đúng quy định dẫn đến thưa kiện kéo dài.

Công ty Cấp nước Cà Mau, nơi có hơn 100 người lao động bị cho mất việc sai quy định.
Công ty Cấp nước Cà Mau, nơi có hơn 100 người lao động bị cho mất việc sai quy định.

Điều đáng nói là các sai phạm nêu trên, phía lãnh đạo Công ty Cấp nước thừa biết, nhưng đã cố ý kéo dài thời gian dẫn đến thưa kiện kéo dài, phức tạp. Bởi thực tế công ty còn thiếu rất nhiều lao động, nhiều đơn vị trực thuộc công ty đã có tờ trình với nội dung cho rằng, việc nhiều nhưng người ít, đồng thời đề nghị xin hợp đồng đơn vị ngoài thực hiện các công trình phần việc của công ty. Kết luận của Tổ kiểm tra liên ngành do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau chủ trì, đã chỉ ra rất rõ là công ty đã cho người lao động nghỉ việc trước ngày cấp tỉnh quyết định; đối với 29 trường hợp bị cho nghỉ việc vào tháng 5/2016, công ty đã cho người lao động nghỉ việc trùng vào ngày phê duyệt phương án cơ cấu bộ máy, cơ cấu lại lao động, không tổ chức Đại hội đại biểu công nhân viên chức theo quy định…

Ngoài ra, Ban giám đốc công ty này cũng đã có Tờ trình số 01 ngày 4/1/2017, gửi đích danh Chủ tịch HĐQT công ty với nội dung thừa nhận có sai sót và đề nghị khắc phục, nhận lại 29 lao động bị cho nghỉ việc hồi tháng 5/2016. Thế nhưng, ông Chủ tịch HĐQT Công ty Cấp Nước Lý Hoàng Trung chưa đồng ý nhận lại người lao động.

Và, hệ lụy của việc “thấy rõ cái sai nhưng không biết sửa” này chẳng những khiến các vị lãnh đạo nói trên bị kỷ luật, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân của các ông, tập thể công ty và “mở” hơn nữa là của tỉnh Cà Mau. Bởi, Chính phủ quy định, chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp theo lộ trình chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần, doanh nghiệp phải có trách nhiệm xây dựng phương án lao động phù hợp, chứ không bắt buộc phải đuổi việc người lao động và hơn ai hết, chủ trương của Đảng là bằng mọi cách phải tạo công ăn việc làm cho người lao động để họ có cơm ăn, áo mặc, được học hành nâng cao trình độ dân trí.

Tòa đi ngược quản điểm của UBND tỉnh, “vênh” Viện kiểm sát

Liên quan đến vấn đề cho người lao động nghỉ việc nói trên, đến thời điểm này đã gần 40 trường hợp người lao động khởi kiện và TAND TP Cà Mau đã xử hơn 10 trường hợp thua kiện.

Một căn cứ mà TAND TP Cà Mau đưa ra để tuyên người lao động thưa kiện là mặc dù Công ty Cấp nước không tiến hành bước 3, nhưng đã có các văn bản chỉ đạo, các cuộc họp với cán bộ chủ chốt của các đơn vị để triển khai phương án dôi dư.

Bác lại căn cứ này, Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng Luật sư Tín Nghĩa (Đoàn Luật sư TPHCM, người bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong vụ án này) nhận định, nếu tòa cho rằng, các văn bản công ty đã ban hành và thông qua các cuộc họp đã đảm bảo nội dung đúng quy định, thì yêu cầu khởi kiện của người lao động không đủ cơ sở để chấp nhận.

“Theo các quy định tại Điều 5, 48, 93,... Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, thì Thẩm phán có quyền thu thập chứng cứ, xác minh các tình tiết chưa rõ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án, nhưng tòa án chỉ xác minh thu thập nhằm làm rõ các tình tiết chứng cứ trong phạm vi đơn khởi kiện của người khởi kiện”.

Ngoài ra, tại Công văn số 499/CV-NV ngày 31/10/2016, Thẩm phán Ninh Quang Thế yêu cầu UBND tỉnh Cà Mau trả lời câu hỏi: “Nếu bồi thường thì nguồn tiền bồi thường thuộc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và Công trình đô thị Cà Mau hay là Công ty cổ phần Cấp nước Cà Mau chi trả (?); Nếu lấy tiền của Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau thì khả năng sẽ xảy ra tranh chấp giữa các cổ đông góp vốn đối với số tiền bồi thường... (?)”. Văn bản này của tòa gửi để xác minh, làm rõ các tình tiết khách quan của vụ án nhưng không thể truy vấn những nội dung không thuộc phạm vi yêu cầu khởi kiện để xét xử vụ án. Trách nhiệm của tòa là xem xét yêu cầu khởi kiện của người lao động là đúng thì chấp nhận và buộc công ty bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. Nguồn tiền bồi thường ở đâu thì do công ty tự chịu trách nhiệm thi hành án, chứ công dân không cần thẩm phán “tính dùm xem có tiền đâu để trả”. Luật sư Hồ Nguyên Lễ cho rằng, truy vấn của Thẩm phán là ngoài phạm vi trách nhiệm của tòa.

Cũng theo luật sư Lễ, câu hỏi của tòa có thể gây cho người lao động, dư luận suy nghĩ về việc tòa án đang nghiên về phía công ty và tòa không muốn công ty phải bồi thường hay bị xảy ra tranh chấp giữa các cổ đông góp vốn đối với số tiền bồi thường; hoặc phải chăng tòa “sợ” công ty thua thiệt nên tìm cách “tháo gỡ”... xử người lao động thua trước (?)

“Với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước, UBND tỉnh đã thừa nhận công ty đã vi phạm pháp luật khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động và đã ban hành các quyết định kỷ luật đối với tập thể lãnh đạo công ty về việc “giải quyết hợp đồng lao động chưa đảm bảo đúng quy định dẫn đến thưa kiện kéo dài, phức tạp; chưa thực hiện đúng quy định về công tác cán bộ; ... thì việc tòa xử người lao động thua kiện là có khách quan?”, luật sư Lễ đặt vấn đề.

Quyết định kỷ luật sai phạm đối với ông Lý Hoàng Trung- Chủ tịch HĐQT Công ty Cấp nước Cà Mau, nhưng TAND TP Cà Mau lại phán phía công ty đúng, bác đơn khởi kiện của người lao động.
Quyết định kỷ luật sai phạm đối với ông Lý Hoàng Trung- Chủ tịch HĐQT Công ty Cấp nước Cà Mau, nhưng TAND TP Cà Mau lại "phán" phía công ty đúng, bác đơn khởi kiện của người lao động.

Theo hồ sơ vụ việc, chẳng những đi ngược quản điểm của cơ quan quản lý Nhà nước là UBND tỉnh Cà Mau, mà TAND TP Cà Mau còn “vênh” lại Viện kiểm sát cùng cấp. Cụ thể, tại Bản án số 01/2017/LĐ-ST ngày 18/1/2017, đại diện Viện kiểm sát TP Cà Mau nhận định: “… về nội dung, đề nghị bác một phần yêu cầu của nguyên đơn (người lao động) đối với yêu cầu tổn thất về mặt tinh thần, các yêu cầu khác đề nghị chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn”. Tuy nhiên, TAND TP Cà Mau do Thẩm phán Ninh Quang Thế làm chủ tọa đã bác yêu cầu của nguyên đơn cũng như quan điểm của đại diện Viện kiểm sát.

Lý do tòa đưa ra là dù có tổ chức Đại hội hoặc Đại hội đại biểu thì chỉ có một nhiệm vụ là cho ý kiến về danh sách lao động dôi dư. Ngoài ra, trước đó phía công ty có thực hiện cuộc họp có bà Hà Xuân Thắm (Chủ tịch Công đoàn công ty) tham dự, bà Thắm đã ký tên và danh sách không thay đổi.

“Trách nhiệm của Chủ tịch Công đoàn là bảo vệ quyền lợi người lao động, chứ không có quyền quyết định thay người lao động nên việc tòa “phán” chứ ký của bà Thắm có thể thay thế Đại hội là không thiết phục”, một người lao động nhận định.

Dư luận đặt nghi vấn, sai phạm của Công ty Cấp nước Cà Mau đã quá rõ ràng, đại diện người sử dụng lao động đã bị kỷ luật, thì tại sao tòa cho rằng phía công ty đúng, có lẽ chỉ có lãnh đạo công ty và tòa mới trả lời được vấn đề này.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc!

Tuấn Thanh