Buồn lòng vì nhiều ý hay không có trong đáp án!

Kì thi tốt nghiệp THPT năm nay, đề thi phần nghị luận xã hội của môn ngữ văn đề cập trúng một vấn đề đáng quan tâm hiện nay, nhưng tiếc rằng đáp án chưa bao hàm những ý quan trọng nhất cần thể hiện, gây khó khăn cho việc chấm thi.

Đề thi ngữ văn có “Câu 2. (3,0 điểm): Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lòng yêu thương con người của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay”. 

Đề một đàng, đáp án một nẻo

Đề yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về “lòng yêu thương con người của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay”. 


Giới hạn của đề như vậy, trong thao tác phân tích đề, buộc lòng thí sinh phải phân biệt “lòng yêu thương con người” của “tuổi trẻ” (có thể hiểu là thanh niên) với các đối tượng khác như trẻ em, trung niên, người già...Sẽ nẩy sinh vấn đề: Lòng yêu thương con người của “tuổi trẻ” có gì khác biệt so với các đối tượng khác, ý nghĩa của vấn đề là gì? 

Đáp án của Bộ GD-ĐT cho câu hỏi này như sau:

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

“Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng lí lẽ và dẫn chứng phải hợp lí; cần làm rõ được các ý chính sau:

-Nêu được vấn đề cần nghị luận. (0,5 điểm)

-Lòng yêu thương là sự đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu,… là một trong những phẩm chất cao đẹp của con người. (0,5 điểm)

-Lòng yêu thương có những biểu hiện: Cảm thương, quan tâm, giúp đỡ những người có cảnh ngộ bất hạnh, khó khăn trong cuộc sống; yêu mến và trân trọng những người có phẩm chất, tình cảm cao đẹp;…(0,75 điểm)

-Ý nghĩa của lòng yêu thương: Tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người; bồi đắp cho tâm hồn tuổi trẻ trong sáng, cao đẹp hơn;… (0,75 điểm)

-Phê phán những biểu hiện vô cảm của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay; cần sống có lòng yêu thương con người.  (0,5 điểm)”.

Đọc đáp án, ai cũng thấy một sự "tréo ngoe": Vấn đề “tình yêu thương” được đề cập chung chung, cho tất cả các đối tượng, mọi lứa tuổi, chứ không phải là vấn đề “của tuổi trẻ”.

Chỉ có một ý nhỏ trong đáp án nói về vấn đề này, và chỉ được 0,5 điểm: “Phê phán những biểu hiện vô cảm của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay; cần sống có lòng yêu thương con người”. Ý này có phần lạc lõng bởi vì trong xã hội hiện nay, tình trạng vô cảm ở bất cứ lứa tuổi nào cũng có, và đều đáng phê phán. Chẳng lẽ các đối tượng khác “tuổi trẻ” mà vô cảm thì không cần phê phán?

Rõ ràng, đáp án đã triển khai theo một hướng hoàn toàn khác so với yêu cầu của đề bài. Để dễ hình dung, xin ví dụ trường hợp có câu hỏi: "Hãy nói về thời trang của phụ nữ" (đề), và câu trả lời: "Vấn đề thời trang cho tất cả mọi người" (đáp án).

Giám khảo tự “sáng tạo” đáp án

Những băn khoăn của chúng tôi đã được xác nhận khi chấm bài thi của thí sinh trong mấy ngày nay. Hầu hết thí sinh đều triển khai bài làm theo hướng: "lòng yêu thương con người của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay" với rất nhiều ý đúng không hề có trong đáp án.

Ví dụ:

-Vị trí, vai trò của tuổi trẻ trong xã hội.

-Vấn đề lòng yêu thương con người trong xã hội hiện nay: Thực trạng-Nguyên nhân-Giải pháp.

-Liên hệ bản thân.

  Nhiều thí sinh đã phân tích sâu sắc các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng giới trẻ hiện nay thiếu lòng yêu thương con người, cũng như những biểu hiện tích cực trong đạo đức của giới trẻ hiện nay, vai trò của giáo dục gia đình, của xã hội, của Đoàn thanh niên, thể hiện tri thức xã hội phong phú, nhiệt tình công dân.

Thế nhưng, tất cả đều không có trong đáp án!

Mặc dù trong đáp án có lưu ý: "Nếu thí sinh có những suy nghĩ riêng mà hợp lí thì vẫn được chấp nhận". Tuy nhiên, lưu ý này chỉ vận dụng trong một vài trường hợp, khi đáp án đã cơ bản đúng hướng, chứ không thể vận dụng trong trường hợp mà đa số ý của thí sinh không trùng với đáp án (cho dù hợp lí).

Chúng tôi đã trao đổi với nhiều giám khảo ở nhiều địa phương và được biết, hầu hết thí sinh đều làm bài theo hướng "lòng yêu thương của tuổi trẻ" (đúng với yếu cầu của đề). Khi chấm chung, gặp một bài viết theo hướng này chỉ được 2,5 điểm, mặc dù nhiều giám khảo nhận định: "Thí sinh viết hay, viết sâu hơn đáp án". Gặp giám khảo nào linh hoạt thì thí sinh còn có điểm, còn nếu gặp giám khảo căn cứ máy móc vào hướng dẫn chấm của Bộ GD-ĐT thì rất nhiều thí sinh mất điểm (mặc dù các em tư duy đúng). Mặt khác, vì một bài được hai giám khảo chấm độc lập, có giám khảo thì chấp nhận, nhưng nếu giám khảo khác không đồng ý thì sẽ rất khó xử. Xưa nay, hướng dẫn chấm của Bộ là "khuôn vàng thước ngọc" để giám khảo căn cứ thực thi.

Đây có thể nói là trường hợp hi hữu chưa từng gặp trong đời nhà giáo của chúng tôi và nhiều đồng nghiệp cũng hết sức ngạc nhiên. Kính đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét và trả lời trước công luận.

 

Trần Quang Đại

Giáo viên trường THPT Trần Phú, Đức Thọ, Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Qua kỳ thi THPT năm nay, nhiều giám khảo môn ngữ văn có chung nhận định: nhiều thí sinh làm bài nghị luận xã hội (câu 2 môn ngữ văn) thể hiện nhiều ý sát với đề, trúng vấn đề và sâu hơn Đáp án. Đấy là điều đáng mừng vì thực chất trình độ học sinh đã được nâng lên.

Nhưng bên cạnh điều đáng mừng đó, có hai điều trăn trở và buồn lòng như tác giả bài viết trên đây đã nêu rõ: 1) Không hiểu sao Đáp án xưa nay vẫn được coi là “Khuôn vàng Thước ngọc” mà vì sao có “độ vênh” với đề thi đến như vậy; 2) Nếu căn cứ vào Đáp án đó để chắm bài thì chính những thí sinh nắm vững vấn đề và có nhiều ý phân tích sâu sắc lại được ít điểm hoặc không có điểm!

Trả lời câu hỏi này thuộc về trách nhiệm của cơ quan ra đề và sọan đáp án thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Công khai và minh bạch trong chuyện này thiết nghĩ cũng là nội dung đổi mới công tác quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.