Bình Định: Thiếu đất sản xuất, dân “xin” lại đất dự án treo

(Dân trí) - Trong lúc người dân nghèo thiếu đất sản xuất thì trên 38 ha đất vườn đảo ở xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) bỏ phí nhiều năm qua vì dự án treo. Dù người dân muốn “xin” lại đất để sản xuất, chống lãng phí nhưng chưa được đồng ý.

Bình Định: Thiếu đất sản xuất, dân “xin” lại đất dự án treo

Mỗi năm lãng phí cả tỷ đồng ...

Năm 2007, UBND tỉnh Bình Định có văn bản đồng ý về chủ trương chấp thuận để Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền Trung (thuộc Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu thực nghiệm chăn nuôi trên khu đất vườn đào Lò Mốc với diện tích 38ha (tại thôn Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Thế nhưng từ đó đến nay, dự án nằm “đắp chiếu”, không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của nhân dân địa phương.

Hơn 38 ha đất vườn đào Lò Mốc (thôn Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) bỏ phí gần 10 năm qua, gây lãng phí rất lớn.
Hơn 38 ha đất vườn đào Lò Mốc (thôn Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) bỏ phí gần 10 năm qua, gây lãng phí rất lớn.

Qua tìm hiểu, để chuẩn bị quỹ đất cho Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền Trung triển khai dự án. Năm 2007, chính quyền địa phương đã thu hồi 38 ha diện tích vườn đào Lò Mốc do HTX Nhơn Tân trồng, quản lý. Tuy nhiên, do dự án chậm triển khai khiến vườn rơi vào cảnh thiếu người chăm sóc. Trong khi đó, nhiều người dân nghèo thiếu đất sản xuất, muốn “xin” lại đất để trồng keo, chăn nuôi thì không được nên rất bức xúc.

Ông Đỗ Công Luận (47 tuổi, xóm Đá Mài, thôn Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân) cho biết: Cha mẹ tôi có 9 người con, không đủ đất để chia nên mỗi người chỉ được chia 1 sào (500 m2). Gia đình chỉ có 1 sào trồng keo và 3 sào đất thổ. Nhà đông con đất không có sản xuất, trong khi hàng chục ha đất bỏ hoang phí nên phải làm thuê, làm mướn từng ngày kiếm tiền chăm lo cho con cái ăn học. “Riêng bản thân tui cứ làm thuê, làm mướn từng ngày. Ai mướn gì làm nấy, không có bất cứ một việc gì tui không làm. Nếu không làm một ngày thì không có tiền lo cho con cái ăn uống, nộp học ngày đó”, ông Luận than.

Theo ông Nguyễn Văn Thạch, Chủ nhiệm HTX Nhơn Tân, cho rằng: Việc thu hồi đất cho dự án nhưng chậm triển khai không chỉ không sinh lợi mà còn gây lãng phí rất lớn cho địa phương. “Khi chưa thu hồi diện tích này, bình quân mỗi năm vườn đào cho thu nhập gần 20 triệu đồng. Tính từ năm 2007 đến nay, cứ vậy nhân lên là biết ngân sách địa phương bị thiệt hại bao nhiêu biết ngay. Đó là chưa kể, chúng tôi phải nghe người dân ca thán vì đất thì bỏ hoang, trong khi người dân thì cần đất sản xuất...”, ông Thạch nói.

Dân muốn “xin” lại đất

Theo tính toán của người dân, nếu 38 ha đất vườn đào giao lại cho người dân canh tác trồng keo lai hay phát triển chăn nuôi sẽ có thu nhập cao vừa chống lãng phí đất vừa đem lợi cho nhân dân và địa phương.

Ông Đỗ Văn Điệp (62 tuổi, trưởng xóm Đá Mái, thôn Thọ Tân Bắc) cho biết: Nếu diện tích trên để trồng keo lai sẽ lời cao, bởi thời gian kể từ lúc trồng đến lúc thu hoạch chỉ mất 3,5 đến 5 năm. Nói về điều này, ông Điệp dẫn chứng một người dân địa phương vừa bán vườn keo diện tích 3,8 ha được 420 triệu đồng, chỉ sau gần 5 năm trồng chăm bón rất đơn giản. Ông Điệp nhẫm tính, với giá keo hiện tại, 1 ha keo bán giá bèo cũng được trên 70 - 100 triệu đồng. Như vậy, bình quân mỗi năm 1 ha mất hơn 25 triệu đồng. Trên 38 ha đất vườn đào trồng keo thì mỗi năm mất cả tỷ đồng. “Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân đều mong muốn, nếu giao đất cho dự án thì sớm triển khai để khỏi lãng phí. Còn không thì giao lại cho xã hay cho người dân ở đây sản xuất nhưng đến nay đã gần 10 năm dự án vẫn treo”, ông Điệp nói.

Người dân muốn xin lại đất dự án treo để trồng keo lai hoặc chăn nuôi nhưng chưa được chấp thuận
Người dân muốn "xin" lại đất dự án treo để trồng keo lai hoặc chăn nuôi nhưng chưa được chấp thuận

Trước tình hình này, giữa năm 2014, UBND tỉnh Bình Định đã ra “tối hậu thư” cho Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền Trung yêu cầu Trung tâm nhanh chóng triển khai xây dựng dự án. Trong đó nêu rõ: Nếu đơn vị vẫn không chịu thực hiện, UBND tỉnh sẽ thu hồi chủ trương trên. Thế nhưng, đơn vị vẫn cố tình phớt lờ. Đến nay, dự án vẫn nằm “đắp chiếu”, vườn đào thì bỏ hoang không người chăm sóc, hoang phí tài nguyên đất.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Chinh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Tân, cho biết: Qua phản ánh của cử tri, địa phương cũng đã có đề xuất lên cấp trên từ nhiều năm qua. Nhưng hiện tại vẫn chưa có một chủ trương thu hồi, bàn giao lại diện tích đất cho địa phương quản lý. Nhân dân ở đây cũng muốn giao lại diện tích trên để chuyển đổi loại hình sản xuất khác như chăn nuôi hay trồng một loại cây khác có hiệu quả hơn.

“Trường hợp dự án không đầu tư triển khai, chúng tôi mong rằng UBND tỉnh Bình Định sớm có chủ trương thu hồi, bàn giao lại diện tích đất cho địa phương quản lý. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX Nhơn Tân chăm sóc lại vườn đào hoặc chuyển đổi sang loại cây trồng phù hợp”, ông Chinh đề xuất.

Doãn Công