Biện pháp giáo dục đối với trẻ em hư?

Sau khi đọc bài viết “Vì sao trẻ em vi phạm phát luật ngày càng nhiều?” trên Diễn đàn <i>Dân trí</i>, tôi thấy đồng tình với tác giả và muốn được trao đổi thêm về một trường hợp cụ thể.

Đấy là câu chuyện về đứa cháu ruột của tôi, con của bà chị gái, nhưng không may mất cả cha và mẹ vì bệnh hiểm nghèo, cho nên cháu phải sống với ông bà ngoại là bố mẹ tôi. Vì hoàn cảnh như vậy, cả nhà rất thương và quan tâm đến cháu.
 
Cháu năm nay 16 tuổi nhưng có ngoại hình phát triển hơn hẳn các bạn cùng lứa tuổi, cháu cao 1,75 m và nặng 74kg. Tuy nhiên, điều đáng băn khoăn và lo lắng là về tính cách của cháu. 
 
Cháu được ông bà ngoại nuôi nấng chăm sóc và hết lòng yêu thương; mọi điều tốt đẹp nhất ông bà ngoại cũng như các cậu, các dì đều dành cho cháu, không để cho cháu thiếu thốn điều gì.
 
Nhưng không hiểu vì sao cách đây bốn tháng, cháu sinh ra thói trộm cắp vặt của bạn bè trong lớp đến mức bị đuổi học. Cả nhà rất bất ngờ và buồn nhưng không vì thế mà hắt hủi, vẫn luôn quan tâm đến cháu và lựa chọn lớp học nghề và bổ túc văn hóa cho cháu tiếp tục học, chủ yếu là động viên cháu, mong cháu hối cải để phấn đấu trở  thành người tốt.
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Tôi cũng đã mời một chuyên viên tâm lý đến nhà nói chuyện riêng với cháu như một người bạn, từ đó tìm hiểu diễn biến tâm lý và những suy nghĩ còn nông nổi của cháu để đóng góp ý kiến khéo léo với cháu... Nhưng đến nay, mặc dù đã đăng ký cho cháu học nghề và học văn hóa thì cháu lại trốn học để đi chơi, xem phim ảnh đồi trụy...
 
Về nhà thì không dọn dẹp nhà cửa phụ giúp ông bà ngoại cho dù ông bà đã gần 80 tuổi và chỉ sống chung với một mình cháu mà thôi. Ông bà và cả nhà dù rất thương cháu nhưng có lúc cũng phải thất vọng vì không biết phải dùng cách gì để dạy bảo cháu.
 
Chúng tôi không muốn một ngày nào đó sẽ phải chứng kiến cái cảnh đau lòng là cháu mình sẽ sa vào những tệ nạn xã hội là những cạm bẫy đối với lứa tuổi vị thành niên…
 
Bên cạnh sự chăm lo giáo dục của gia đình, tôi thấy vai trò giáo dục của nhà trường cũng như môi trường xã hội là vô cùng quan trọng. Nhưng hầu như việc này chưa được quan tâm đúng mức, nhiều hoạt động lại không thích hợp và chưa có ý nghĩa giáo dục.
 
Thời gian gần đây nhiều nơi “đua nhau” tổ chức các cuộc thi tuổi teen mà nặng về phô trương sắc đẹp hình thể và các mốt quần áo thời trang trong khi chưa chú trọng đúng mức đến những nét đẹp tâm hồn, vô tình cổ vũ cho cách sống đua đòi, trọng hình thức; cách xưng hô trong các chương trình truyền hình dành cho tuổi teen là “ông” - “bà” rồi “cậu” - “tớ” hoặc “bồ”... nghe nó xa lạ với cách ăn nói và lối sống nền nếp vốn có của người dân Việt Nam ta.
 
Đấy là chưa kể những ảnh hưởng xấu qua việc “chat chít” trên mạng với những từ tiếng lóng nghe rất lạ tai làm vẩn đục tiếng mẹ đẻ vốn nhuần nhị, trong sáng. Thứ văn hóa lai căng cùng với lối sống thực dụng, sa đọa tràn ngập trên mạng Internet cũng như trên thị trường băng đĩa lậu…
 
Tôi nghĩ đó là những ảnh hưởng rất tai hại đối với tuổi mới lớn đang có những thay đổi đột biến về sinh lý và tâm lý mà chưa đủ tri thức và kinh nghiệm sống để phân biệt điều hay lẽ phải, cho nên dẫn tới những hậu họa khó lường. Có lẽ cháu tôi đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi môi trường xã hội đã bị nhiễm bẩn bởi nhiều thứ ngoại lai từ bên ngoài tràn vào.
 
Tôi rất buồn khi biết rằng đứa cháu đáng thương của mình đang từng bước sa chân vào con đường tệ nạn nhưng không biết làm cách gì để nó thật sự nhận ra những lỗi lầm của mình và quay lại với sự học hành chăm chỉ để phấn đấu trở thành người lương thiện.
 
Rất mong Diễn đàn Dân trí và những độc giả của chuyên mục này đóng góp ý kiến cho gia đình chúng tôi. Thay mặt gia đình, tôi xin được cảm ơn vô cùng.
 
Nguyen Duy Thanh duythanh@svcsoft.com

 

LTS Dân trí - Tác giả bài viết trên đây đưa ra một tình huống khá đặc biệt, nói lên sự trăn trở khôn nguôi về đứa cháu ruột mồ côi cả bố lẫn mẹ, đang còn ở tuổi vị thành niên, được ông bà ngoại và các cậu, dì dành cho tất cả sự yêu thương, mà cháu vẫn bị hư hỏng, dù mới chỉ ở bước đầu của sự sa ngã vào những tệ nạn xã hội.
 
Liệu có “phép màu” nào giúp cho cháu bạn thoát ra khỏi cảnh ngộ chơi bời lêu lổng hiện nay? Chúng tôi nghĩ rằng không có ai khác, ngoài những người ruột thịt của cháu có thể tìm ra và thực hiện bí quyết “phép màu” đó. Tất nhiên, nhà trường và xã hội cũng có trách nhiệm đối với những trẻ em hư hỏng, nhưng trách nhiệm trước hết vẫn thuộc về gia đình và những người ruột thịt của các em.
 
Với tình yêu thương hết lòng và có phương pháp giáo dục đúng đắn, kiên trì và có sự nghiêm khắc cần thiết, chắc chắn đứa cháu đáng thương của bạn sẽ có sự chuyển biến theo chiều hướng tốt.
 
Diễn đàn Dân trí mong nhận được những ý kiến đóng góp về chủ đề này.