Bị tai nạn bất ngờ trên đường đi làm có được hưởng chế độ bảo hiểm?

(Dân trí) - Bị tai nạn giao thông trên đường đi làm. Theo hồ sơ giám định mức độ suy giảm khả năng lao động của tôi là 25%. Trong trường hợp của tôi có được hưởng chế độ tai nạn lao động hay không?

Anh Trần Quang Long (trú tại Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc): "Mới đây trên đường đi làm về tôi gặp tai nạn do một xe tải vượt đèn đỏ đâm phải. Theo hồ sơ, kết quả giám định mức độ suy giảm khả năng lao động của tôi là 25%. Tôi phải nghỉ làm trong thời gian dài, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của cá nhân và gia đình. Trong trường hơp của tôi có được hưởng chế độ tai nạn lao động hay không?".

Một vụ TNGT dịp Tết ở Nghệ An (ảnh minh họa: Doãn Hòa)
Một vụ TNGT dịp Tết ở Nghệ An (ảnh minh họa: Doãn Hòa)

Luật sư Chu Văn Tiến - Công ty Luật TNHH An Nam, Đoàn Luật Sư Hà Nội: "Theo quy định tại khoản 1, Điều 142, Bộ luật lao động năm 2012: “Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động”.

Tại Khoản 2, Điều 12, Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 05 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động quy định: “Tai nạn được coi là tai nạn lao động là tai nạn xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở”.

Đồng thời theo quy định của Điểm c, Khoản 1 và Khoản 2, Điều 43, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì trường hợp tai nạn trên đường đi và về như sau:

“Điều 43. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;

c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này”.

Như vậy, nếu trong trường hợp quãng đường bạn đi về là quãng đường hợp lý và với mức độ suy giảm khả năng lao động của bạn là 25% thì bạn sẽ được hưởng các chế độ về tai nạn lao động theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012 và Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.

Về hưởng chế độ tai nạn lao động, có thể do cả cơ quan Bảo hiểm xã hội và người sử dụng lao động cùng chi trả hoặc có thể chỉ do người sử dụng lao động chi trả tùy từng trường hợp bạn có hay không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Phạm Thanh