Đắk Lắk:

Bị người dân tố vay nợ không trả, thượng sỹ công an lập tức xin xuất ngũ!

(Dân trí) - Ngay sau khi có đơn tố cáo của người dân gửi đến đơn vị, thượng sỹ Cường đã xin xuất ngũ và bị kỷ luật nhưng đến nay vẫn không chịu trả nợ.

Vừa qua, các cơ quan báo chí nhận được đơn thư tố cáo của nhiều người dân phản ánh việc Thượng sỹ Nguyễn Mạnh Cường (27 tuổi, ngụ phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) từng công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk đã vay tiền của nhiều người và đã rời bỏ khỏi địa phương suốt mấy tháng nay, không ai rõ tung tích.


Người dân bức xúc vì bị Thượng sỹ Cường nợ tiền không trả

Người dân bức xúc vì bị Thượng sỹ Cường nợ tiền không trả

Chị Phạm Thị Hạnh (34 tuổi, ngụ phường Tân An, TP.Buôn Ma Thuột) - cho biết - Trước đây do có quen biết từ trước nên chị khá thân thiết với Cường, do biết Cường là chiến sĩ công an nên khi Cường ngõ ý vay mượn tiền chị Hạnh đã tin tưởng nên đã cho Cường mượn nhiều lần với tổng số tiền 127 triệu đồng.

“Để tạo niềm tin cho tôi, Cường đã photo Quyết định của Công an tỉnh Đắk Lắk về việc Cường được chuyển sang chế độ chuyên nghiệp và bố trí công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh”, chị Hạnh cho hay.

Còn anh Nguyễn Đăng Huy (25 tuổi, ngụ phường Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột) cũng phản ánh do chơi cùng nhóm bạn với Cường nên khi Cường ngõ ý vay tiền, Huy đã đứng ra gom tiền của bạn bè mình cho Cường vay 2 lần với số tiền lên tới 610 triệu đồng được chia làm 2 đợt vay và hẹn đến tháng 7/2017 sẽ trả đủ.

Tuy nhiên, khi đến hạn trả nợ Cường đều thoái thác không chịu trả, thậm chí còn né tránh và sau đó thì cắt đứt liên lạc hoàn toàn.

Được biết, ngoài anh Huy, chị Hạnh còn rất nhiều người khác cũng bị Cường mượn tiền rồi không chịu trả. Số nợ của Cường đến nay đã lên tới trên 2 tỷ đồng. Sau khi không thể liên hệ với Cường, người dân đã làm đơn tố cáo gửi Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk nới Cường công tác và gửi lên Công an tỉnh để được xem xét giải quyết.

“Tôi rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Mạnh Cường vì Cường đã đưa ra thông tin công tác tại công an tỉnh là hạ sỹ quan chuyên nghiệp nhằm tạo niềm tin để chúng tôi cho mượn tiền, sau đó bỏ trốn không chịu trả nợ”, chị Hạnh cho hay.

Một số giấy vay nợ giữa Thượng sỹ Cường với người dân
Một số giấy vay nợ giữa Thượng sỹ Cường với người dân

Đại tá Võ Huy Hòa - Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Nguyễn Mạnh Cường là con của một cán bộ công an nghỉ hưu. Trước đây, anh Cường đã phục vụ nghĩa vụ 3 năm ở Phòng Cảnh sát cơ động tỉnh, sau đó được chuyển chuyên nghiệp vào công an chính thức được phân công về công tác tại Trại tạm giam.

“Việc nợ nần của anh Cường có từ trước đó, chứ không phải phát sinh ở đơn vị này. Khi nhận được đơn của người dân gửi đến thì lãnh đạo Trại tạm giam đã gọi anh Cường lên yêu cầu khắc phục trong vòng 1 tuần, nếu không khắc phục được thì yêu cầu anh Cường phải làm đơn xuất ngũ. Sau khi anh Cường làm đơn xuất ngũ, đơn vị tổ chức kiểm điểm, mời anh Cường lên nhưng anh này không đến cơ quan. Do đó, đơn vị đã tổ chức họp vắng mặt, xử lý kỉ luật với hình thức cảnh cáo vì tự ý nghỉ việc tại cơ quan trên 15 ngày”.

Theo Đại tá Hòa, Quyết định kỷ luật được ký ngày 2/2/2018 và đến ngày 6/2/2018, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định cho anh Cường xuất ngũ.

PV cũng đặt vấn đề tại sao đơn vị không tiến hành giải quyết đơn thư của người dân trước khi cho anh Cường xuất ngũ, Đại tá Hòa cho rằng ngay sau khi gửi đơn anh Cường không còn đến cơ quan nữa, đơn vị đã nhiều lần thông báo gửi tới nhà đề nghị anh Cường tới giải quyết vụ việc nhưng đều không chịu tới.

“Chúng tôi khẳng định không bao che, thoái thác vì cơ quan đã thi hành kỷ luật đối với anh Cường. Khi anh Cường xuất ngũ đơn vị không xác minh, giải quyết được đơn thư tố cáo của người dân và có hướng dẫn họ đến các cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, xử lý vụ việc”, Đại tá Hòa thông tin thêm.

Thúy Diễm