“Bệnh” độc quyền “đè” thuốc nội

Thuốc đặc trị bệnh hiểm nghèo của các hãng dược nước ngoài khi tới tay người bệnh ở Việt Nam luôn được cho bị thổi giá gấp hàng chục đến hàng trăm lần, nhưng người bệnh vẫn phải cắn răng mua uống.

Họ không còn lựa chọn nào khác bởi những viên c mà không một công ty nào ở Việt Nam sở hữu được. Phá thế độc quyền ư? Căn bệnh này rất khó trị nhưng không phải không có thuốc hay.

Sau 9 năm được các nhà khoa học hợp sức nghiên cứu, đầu tháng 12 vừa qua sự kiện ba sản phẩm Pegnano điều trị viêm gian B và C của Cty TNHH Công nghệ sinh học dược Nanogen tại TPHCM với nhãn hiệu thuốc đặc trị gan "made in Việt Nam" ra đời như cứu cánh cho những người bệnh nghèo.

Thế nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang" khi một đối thủ đang sở hữu độc quyền thuốc đặc trị viên gan B và C khác tại Việt Nam là Cty F.Hoffmann-La Roche AG (Thụy Sĩ) cho rằng, thuốc nội vi phạm sở hữu trí tuệ. Vi phạm hay không phải chờ cơ quan chức năng xem xét, nhưng qua sự việc này cho thấy các hãng dược nước ngoài không dễ dàng từ bỏ miếng bánh béo bở của mình.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế PGS- TS Lê Văn Truyền trong các cuộc họp bàn về cách quản lý giá thuốc nhiều lần cho rằng, nhiều năm nay việc đăng ký các loại thuốc độc quyền của Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi nước ngoài đã có gần 1.200 mặt hàng thuốc độc quyền được Cục sở hữu trí tuệ cấp phép. Ông Truyền cho rằng đây cũng là lý do khiến một vài hãng dược thống trị thị trường hoặc câu kết với nhau để hạn chế cạnh tranh nhằm tiến đến vị thế độc quyền.

Độc quyền thì khi nào cũng có giá… trên trời nhưng không ai kìm được. Sự thống trị của các loại thuốc độc quyền đã quá rõ nhưng sự ra đời của một loại thuốc phá vỡ sự độc quyền ấy như Nanogen không hề đơn giản. Xin lưu ý, thuốc "made in Việt Nam" này giá chỉ bằng 1/3 giá thuốc Pegasys của Roche hay 1/2 thuốc Peing-tron của Schering Plough đang độc quyền ở Việt Nam.

Cứ hình dung 18% dân số Việt Nam đang chết mòn với căn bệnh viêm gan siêu vi B và C, có người bán đất, bán nhà để có được thuốc uống, thậm chí chịu chết vì hết tiền mua thuốc. Hình ảnh ấy có khiến những người quản lý buồn lòng? Ai cũng biết thông tin về thuốc được quy định là bảo mật nhưng không hiểu tại sao khi thuốc nội Pegnano đưa lên Cục Quản lý dược để xin cấp số đăng ký thông tin lại bị... rò rỉ ra ngoài cho đối thủ.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng để thuốc nội Pegnano đến tay người bệnh cần một Hội đồng xét duyệt cấp phép lưu hành với đủ thành phần thẩm định của 5 nhóm chuyên gia ngoài Cục Quản lý dược, thậm chí có cả giấy cam kết chịu trách nhiệm về vấn đề sở hữu trí tuệ của thuốc đăng ký lưu hành. Một quy trình đúng đắn như vậy nhưng tiếc thay thuốc nội vẫn bị đánh tả tơi.

Chính phủ đã phát động phong trào người Việt dùng thuốc Việt chưa lâu, nhưng xem ra người bệnh nan y nghèo khổ vẫn khó với tới thuốc nội, một khi sự thống trị của thuốc độc quyền do các hãng dược nước ngoài nắm giữ chưa được đánh đổ.

Theo Lê Nguyễn
Tiền Phong