Bạn đọc viết:

Bảo tàng lịch sử và cách mạng “kêu cứu”

(Dân trí)- Được thành lập từ tháng 7/1989, hiện Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế đang trưng bày hơn 22.000 hiện vật tuy nhiên thời gian gần đây những hiện vật ở đây đang ngày đêm phải chịu cảnh phơi mưa, phơi nắng do sự xuống cấp của hệ thống cơ sở vật chất.

Bảo tàng lịch sử và cách mạng “kêu cứu” - 1
Những khẩu súng thần công trưng bầy trong khuôn viên Bảo tàng đang bị hoen rỉ nghiêm trọng
Trong hành trình của du khách khi có dịp đến với mảnh đất sông Hương, núi Ngự này thì việc ghé thăm bảo tàng lịch sử và cách mạng để nghiên cứu, học tập, thăm quan là điều không thể bỏ qua.
Tuy nhiên khi tới thăm bảo tàng thì không ít du khách phải ngạc nhiên khi phải tận mắt chứng kiến số phận của những hiện vật nơi đây đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Trong số đó đáng chú ý là 7 khẩu súng thần công. Có khẩu được chế tạo từ năm Minh Mạng Ngũ niên, có khẩu được chế tạo năm 1873 mà theo giới cổ vật giá trị của mỗi khẩu phải lên đến bạc tỷ, vẫn nằm trơ trơ phơi mưa, phơi nắng trong khuôn viên bảo tàng hàng chục năm nay.
Bảo tàng lịch sử và cách mạng “kêu cứu” - 2
Hàng chục chiếc xe tăng, xe thiết giáp, pháo cao xạ nằm phơi mưa, phơi nắng trong khuôn viên Bảo tàng

Cùng chung số phận với nhưng khẩu thần công đó còn có hàng chục chiếc xe tăng, xe thiết giáp, pháo cao xạ... đây là những vũ khí tối tân nhất của quân đội Mỹ - Ngụy Sài Gòn đã bỏ lại sau thất bại ở Việt Nam và chỉ duy nhất có ở Huế.

Trước tình trạng các hiện vật ngày một xuống cấp trầm trọng, không còn cách nào khác là Ban quản lý Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế phải bảo quản bằng cách phổ thông nhất đó là dùng dầu nhớt để lau rửa mỗi năm đôi ba lần.

Nhiều người đến đây đã đặt câu hỏi là tại sao những hiện vật có giá trị to lớn, là linh hồn, là lịch sử của một vùng đất như thế này mà lại để trống trơn ngoài trời và đang bị hư hại nhiều. Liệu năm, mười năm sau những chiếc xe pháo này có còn tồn tại nữa hay không?

Chúng tôi thiết nghĩ các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần sớm có biện pháp khắc phục tình trạng trên để những hiện vật này được lưu giữ  lại cho thế hệ con cháu chúng ta sau này.

Nguyễn Trường