Bàn thêm về việc họp hiện nay

Gần đây báo đài có phản ảnh nhiều đến việc họp hành ở nông thôn, khu dân cư, nào là chậm về mặt thời gian, số người tham dự không đầy đủ, nội dung không sát thực, chất lượng cuộc họp không cao, không đạt yêu cầu mong muốn đặt ra trước khi họp...

Điều đó không có gì phải ngạc nhiên, bởi gần như tất cả các cuộc họp ở nông thôn, khu dân cư hiện nay là để làm nghĩa vụ, nghe về các khoản đóng góp là chính, còn bàn về quyền lợi rất ít. Bởi thế cứ nghe nói họp là người ta đã mất cảm tình, nên tinh thần tham gia không tích cực.

Còn đối với cơ quan Nhà nước, việc tổ chức các hội nghị, họp để tổng kết việc làm được, kiểm điểm việc chưa làm được, rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; Triển khai công tác trong thời gian tới là việc cần thiết, không thể thiếu. Thế nhưng việc tổ chức hội nghị (gọi chung là hội họp) hiện nay cũng còn nhiều điều đáng bàn!

Thứ nhất về kinh phí cho việc họp hành thường căn cứ vào thời gian để cấp kinh phí, chứ không theo tính chất, nội dung và hiệu quả của cuộc họp, họp dài ngày kinh phí càng nhiều. Chưa nói đến kinh phí phục vụ cho họp như: chế độ ăn, nghỉ của đại biểu, tiền thuê hội trường, tiền nước uống, thuê loa đài, thuê người trang trí, phục vụ cũng đã không còn phù hợp, bắt buộc văn phòng phải tính toán thêm ngày, nếu không lấy đâu mà trả.

 
Bàn thêm về việc họp hiện nay  - 1

Không mấy khi cuộc họp dân ở miền núi, nông thôn lại được đông đủ như thế này

Chưa nói đến chế độ hội nghị cũng còn khá bất cập, chế độ họp bên Đảng thấp hơn bên Nhà nước, cấp dưới thấp thua nhiều cấp trên, cơ sở thấp thua cấp huyện, cấp tỉnh... Đây là cái sai thứ nhất mà ai cũng biết và ai cũng không biết?!

Thứ hai về mặt thời gian tham gia họp: Chúng tôi dám khẳng định rằng tất cả các cuộc họp từ trên xuống dưới đều vi phạm quy chế thời gian. Những cuộc họp về mùa hè thường trong giấy mời 7 giờ khai mạc, cuộc họp mùa đông mời 7 giờ 30 phút khai mạc, nhưng ít nhất cũng phải 8 giờ kém mới bắt đầu công tác tổ chức như điểm danh, phổ biến nội dung và phải trên 8 giờ mới khai mạc được. Nếu họp cả ngày, buổi chiều tuyên bố là 13 giờ 30 phút bắt đầu, nhưng phần đa 14 giờ mới bắt đầu được.

Thứ ba về ý thức tham gia họp cũng lắm chuyện phải bàn. Những tưởng rằng họp ở các cơ quan là cán bộ, đảng viên, là người chủ trì nên văn phòng cũng rất ngại nhắc nhở, nên kỷ luật phòng họp không nghiêm túc, không ít người làm việc riêng như đọc báo, nói chuyện, thậm chí không ít người chỉ có mặt lúc điểm danh, sau đó đi làm việc riêng như: Tranh thủ gặp Sở này, Bộ nọ, xin cái này, trình cái kia.

Chúng tôi xem ti vi thấy rằng ngay cả họp Quốc hội cũng thường giữa kỳ họp, thấy hội trường có nhiều ghế trống? Trong hội trường họp thường phía sau đông, phía hàng ghế đầu ít, có lẽ không có cuộc họp nào mà ban tổ chức không phải nhắc nhở phía sau dồn lên trước (trừ khi phân chỗ đại biểu theo tên thứ tự có sẵn).

Ngày xưa họp hành tranh cãi nảy lửa, bàn quyết ra nhiều vấn đề sáng rõ, để đi đến thống nhất cao, thực hiện có hiệu quả. Ngày nay họp hành thống nhất cao, đồng ý nhanh, nhưng xem ra khó vào cuộc sống, hiệu quả không cao, không rõ, bởi họp hành bây giờ gần như độc thoại, gần như giao chỉ tiêu kế hoạch, ít có thời gian, ý kiến bàn bạc, lại không thấy ý kiến phản biện, thiếu biện pháp bảo đảm.

Chúng ta đang thực thi 3 nhiệm vụ quan trọng: Chống tham nhũng, lãng phí tiền bạc của Nhà nước, của nhân dân, thực hành tiết kiệm để xây dựng đất nước; Mục tiêu thoát nghèo năm 2010 đã cận kề, công tác xoá đói, giảm nghèo đang được Đảng, chính phủ hết sức quan tâm, dặt trọng trách cho mỗi cơ quan, đoàn thể, cán bộ, đảng viên phải gắng sức, đồng lòng phấn đấu.

Cải cách thủ tục hành chính là chìa khoá mở hướng cho việc thực hiện tốt hai nhiệm vụ trọng đại trên. Trong đó cải tiến, cải cách việc hội họp là khâu thiết yếu, quan trọng trong cải cách hành chính. Một cuộc hội nghị, mỗi cuộc họp phải lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị, kinh tế, chuyên môn và cao hơn là vì mục đích phục vụ nhân dân tốt hơn, để phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu: “ Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” và đưa nước Việt Nam thoát nghèo vào năm 2010, trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, như nghị quyết Đại hội X của Đảng đã đề ra.

Phùng Văn Mùi