Bàn thêm về văn hoá - đạo đức hiện nay

(Dân trí) - Trong kinh doanh, vấn đề đạo đức mới đáng buồn hơn! Lẽ ra ngày lễ xe nhiều khách, chạy nhiều chuyến, giá cả phải rẻ hơn, thì ngược lại “chém” được là họ sẵn sàng “chém” không cần đến đạo đức kinh doanh, bất cần đến đạo đức, nghề nghiệp.

Anh bạn tôi, nhân dịp được nghỉ mấy ngày lễ 30 tháng 4 và 1/5, bèn đưa vợ con đi du lịch một chuyến cho vợ con biết Hà Nội và một số danh lam thắng cảnh phía Bắc. Vừa về đến nhà chưa kịp nghỉ ngơi, đã vội a lô cho tôi sang ngay để kể về hành trình chuyến du ngoạn.  Anh kể:
 
Chuyện thứ nhất: Trên đường từ thành phố H đến thành phố HP, trên chuyến xe buýt có một thanh niên thấy một cụ già mới lên xe không có chỗ phải đứng, anh lên tiếng: "Thưa cụ mời cụ ngồi vào ghế cháu, cháu còn trẻ cháu đứng cũng được!" Nghe chàng thanh niên ăn nói lịch sự, lại còn nhường chỗ cho mình, cụ già liền... ngất đi. Mấy người ngồi xung quanh phải xoa gió mãi cụ mới tỉnh, khi tỉnh dậy cụ cất tiếng cảm ơn chàng thanh niên nhường ghế và mọi người đã giúp đỡ mình, thì đến lượt chàng thanh niên lại... ngất đi, mọi người lại phải sơ cứu chàng thanh niên mới tỉnh lại?!

Chuyện thứ hai (có thật 100%): Ngày thường xe buýt chở khách từ các tuyến ra Hà Nội và ngược lại, xe vừa rảnh, giá cả lại bình thường. Trong mấy ngày nghỉ kia khách đông, không còn chỗ ngồi phải đứng, nhưng giá cả lại tăng cao hơn, có nơi đến gấp đôi giá vé ngày thường…

Nghe bạn kể, tôi vội xua tay: "Thôi thôi, tưởng có chuyện gì hay hơn qua chuyến đi. Chứ nghe ông kể thế thì lần sau có nghỉ một tháng, tôi cũng chẳng dám đi chứ đừng nói đến mấy ngày". Tưởng vì tôi cắt ngang câu chuyện làm bạn tôi cụt hứng, nên mặt anh trông buồn đến tội. Nhưng nhấp một ngụm bia, bạn tôi tâm sự:
 
Thì ra vấn đề văn hóa và đạo đức lâu nay báo chí nói nhiều, nhưg có đi thực tế mới thấy hết và đáng buồn ông ạ!

Trước đây tuy còn nghèo khó nhưng mà tình người thấm đậm hơn, trình độ văn hóa còn thấp nhưng văn hóa ứng xử của người với người ấm áp lắm. Bây giờ kinh tế thị trường, tuy cuộc sống vật chất có khấm khá hơn, nhưng tình cảm giữa người với người xem ra nhạt nhẽo lắm. Không ít trường hợp ông chủ trẻ mạt sát, chửi bới thậm tệ ông thợ già. Không ít thủ trưởng trẻ (do được cơ cấu) quát nạt, buông lời lẽ thô thiển với cán bộ cấp dưới có tuổi đời, tuổi công tác gấp đôi mình!

Trong kinh doanh, vấn đề đạo đức mới đáng buồn hơn! Lẽ ra ngày lễ xe nhiều khách, chạy nhiều chuyến, giá cả phải rẻ hơn. Thì ngược lại cứ thấy “chém” được là họ sẵn sàng “chém” không cần đến đạo đức kinh doanh, bất cần đến đạo đức nghề nghiệp.

Cha ông ta luôn dạy con cháu ăn ở phải có trước, có sau, phải biết tôn trọng người cao tuổi. Đạo lý của người Việt Nam vốn luôn trọng tình, trọng nghĩa, coi khinh kẻ hám tiền quên nghĩa. Nay do mặt trái của kinh tế thị trường làm cho vốn cổ đạo đức và văn hóa ứng xử bị thui chột, thậm chí không còn.
 
Điều đáng buồn là lớp trẻ ngày nay được học nhiều, trình độ thì cao nhưng văn hóa lại quá thấp kém. Một lời cảm ơn thường nghe nhiều trong các hội nghị, còn trong cuộc sống thường ngày lại quá xa lạ, quá tiết kiệm. Để đến nỗi khi nghe lời cảm ơn chân thật trên xe mà một già, một trẻ phải... ngất đi (?!)

Chúng ta đang thực hiện cuộc vận động: “Xây dựng phong trào đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư”. Một nhà hiền triết đã nói: “ Thương trường không có biên giới, nhưng doanh nhân không thể không có quê hương”. Thiết nghĩ cả hai điều trên đều để hướng con người, đưa con người trở về với cội nguồn văn hóa - đạo đức của dân tộc. Một cội nguồn truyền thống quý báu, một cơ sở vững chắc quyết định sự tồn tại và phát triển đi lên của một đất nước, của cả dân tộc.

Rất mong hai câu chuyện bạn tôi kể chỉ là chuyện hư cấu. Càng mong hơn lớp trẻ quan tâm đến đạo đức và văn hóa - đạo đức, để sống tốt đẹp hơn…

Phùng Văn Mùi