Bài học từ Cách mạng tháng Tám và những ứng dụng hôm nay

(Dân trí) - 65 năm đã trôi qua, nhưng thời khắc lịch sử hào hùng của ngày Cách mạng tháng Tám năm xưa vẫn mãi sống dậy trong lòng bao thế hệ người Việt Nam, mỗi khi âm hưởng hào hùng của bài hát “19-8” vang lên.

Bài học lịch sử về cuộc cách mạng tháng Tám của dân tộc được cô giáo dạy khi còn ngồi trên ghế nhà trường ngày nào vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của tôi.

 

Sau khi nước Pháp bị phát xít Đức đánh bại và chiếm đóng, cuộc chiến tranh giữa các nước đế quốc sắp chuyển thành cuộc chiến tranh chống Liên Xô, tháng 5/1941, Bác Hồ và Trung ương Đảng thấy rằng thời cơ nghìn năm có một sẽ đến. Đảng ta thay đổi chiến lược cách mạng, tập hợp lực lượng cơ bản, vũ trang quần chúng, chờ khi các nước phát xít thất bại thì lập tức khởi nghĩa giải phóng đất nước, giành độc lập cho Tổ quốc. Tháng 10/1944, Bác Hồ từ Trung Quốc về Cao Bằng. Người quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa của các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn vì thời cơ chưa đến, kẻ thù vẫn còn mạnh. Đến ngày 12/3/1945, Chỉ thị “Nhật- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” là một văn kiện lịch sử có ý nghĩa chỉ đạo hành động, chuẩn bị mọi lực lượng để đón thời cơ khởi nghĩa một cách chủ động đã được Đảng ta sớm đề ra, phù hợp với tình hình lúc đó.

 

Bác Hồ và Trung ương Đảng đã tận dụng triệt  để những thuận lợi cơ bản: phát xít Nhật hoang mang; chính phủ Trần Trọng Kim yếu thế; quân Đồng minh chưa vào nước ta; quân Pháp có tham vọng quay trở lại Việt Nam, chúng chưa có lực lượng. Ngày 14/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) nhận định thời cơ đã đến, quyết định Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Ngay trong đêm 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1. Bác Hồ đã khẳng định: Lúc này, thời cơ thắng lợi đã tới, dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập.

 

Ngày 16 và 17/8/1945, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào, tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của  Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, thành lập ủy ban Dân tộc Giải phóng do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Trong thư kêu gọi đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Người cũng khẳng định:“Chúng ta không thể chậm trễ”.

 

Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa thắng lợi ở Hà  Nội. Chỉ trong vòng 15 ngày, cuộc Tổng khởi nghĩa  đã thành công trong cả nước. Thời cơ Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn - từ sau khi phát xít Nhật  đầu hàng Đồng minh đến trước lúc quân Đồng minh tiến vào nước ta giải giáp quân Nhật. Nếu khởi nghĩa sớm hơn, khi Nhật chưa đầu hàng thì sẽ khó khăn, vì chúng tuy có suy yếu, nhưng vẫn còn lực lượng để chống cách mạng. Ngược lại, nếu Tổng khởi nghĩa muộn hơn, khi quân Anh, theo gót quân Anh là Pháp và quân Tưởng, tiếp đến là đế quốc Mỹ đã nhảy vào nước ta, lúc cách mạng chưa giành được chính quyền; chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim sẽ tiếp xúc với bọn đế quốc, phục vụ cho chúng. Lúc đó, thời cơ giành chính quyền không còn nữa, cách mạng sẽ rất khó khăn.

 

Lịch sử đã chứng minh rằng, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, không thể lấy thời điểm nào khác ngoài thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chọn. Vận dụng yếu tố thời cơ giành thắng lợi cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạt đến độ thiên tài.

 

Những bài học lịch sử về Cách mạng Tháng Tám còn rất nhiều nhưng bài học về nắm bắt thời cơ cho đến nay vẫn là bài học nóng hổi, mang tính thời sự trong công cuộc phát triển đất nước hôm nay. Chúng ta đã ra khỏi chiến tranh, ra khỏi sự kiệt quệ kinh tế và đang trở thành một trong những quốc gia phát triển nhanh trên thế giới. Một nước có diện tích và dân số thuộc vào những nước đứng nhóm đầu, tiềm năng rất lớn còn chưa được khai thác đúng mức như nước ta là một thực tế chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận. Một đất nước ổn định về chính trị, an ninh quốc phòng ngày càng được củng cố... tạo ra nhiều lợi thế đối nội và đối ngoại. Đó là cơ sở xuất hiện những thời cơ để vươn lên dân giàu nước mạnh.

 

Ngày nay, thế giới đang diễn ra mạnh mẽ cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, tạo ra những kỹ thuật mũi nhọn đưa năng suất lao động lên rất cao. Xu thế khu vực hóa và toàn cầu hóa kinh tế ngày càng tăng mạnh. Đồng thời, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển cũng diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Đó là những thời cơ mới tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Ở nước ta, đường lối, chính sách hơn hai mươi năm đổi mới của Đảng và Nhà nước đã mang lại những thành tựu to lớn, tạo điều kiện cho đất nước tiến lên theo xu thế phát triển chung của thời đại. Đất nước ta đang bước vào thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vững bước đi lên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

 

Thực hiện đường lối phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta chủ trương tích cực và chủ động hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Việc nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đó còn là kết quả của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Bước vào sân chơi WTO đã mở ra cho chúng ta những cơ hội, thuận lợi mới để phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, quân sự để bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tất yếu nảy sinh không ít khó khăn, thách thức mới cả trực tiếp và gián tiếp, tác động tiêu cực đến việc bảo vệ độc lập chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển.

 

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay ở nước ta, cơ hội và thách thức luôn  đan xen, lồng ghép vào nhau, trong cơ hội bao hàm cả thách thức và trong thách thức cũng bao hàm cả cơ hội. Cơ hội càng lớn, thách thức càng nhiều, càng đòi hỏi sự sáng suốt, tầm nhìn xa trông rộng và bản lĩnh chính trị, quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta, cùng sự nỗ lực của toàn dân, để hạn chế những khó khăn, thách thức, biến thách thức thành cơ hội.

 

Tuy đất nước đã đạt được nhiều thành tựu mới trong quá trình chủ động hội nhập vào nền kinh tế thế giới những năm vừa qua, nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, chúng ta vẫn đang phải  đối mặt với không ít nguy cơ và thách thức, đặc biệt là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, và nguy cơ chệch định hướng xã hội chủ nghĩa Bên cạnh đó, các thế lực thù địch đang ngày đêm ráo riết thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ để chống phá cách mạng nước ta.

 

Vì vậy, đòi hỏi cao nhất đối với Đảng, Nhà nước ta, đối với mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên là tích cực nghiên cứu, vận dụng tốt những bài học lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vào thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Để tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ trong tình hình mới, chúng ta phải luôn quán triệt sâu sắc phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra và vận dụng thành công trong thời kỳ giành và giữ chính quyền năm 1945 - 1946.

 

Vận dụng “bất biến” tức là không vì quyền lợi hay lợi ích nhất thời, cục bộ của tổ chức, cá nhân nào đó mà bất chấp nguyên tắc, làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc, của tập thể. Phải tuyệt đối đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển của chủ nghĩa xã hội lên trên hết. Thực hiện phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế cũng phải luôn “ứng vạn biến”, biết phân tích, dự đoán và mau lẹ chớp lấy thời cơ, nắm chắc và tận dụng có hiệu quả thời cơ để mang lại lợi ích to lớn cho quốc gia, cộng đồng, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Đó là thước đo bản lĩnh cách mạng, sự mẫn cảm và nguyên tắc lãnh đạo của Đảng ta trong thời kỳ chủ động hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay ở nước ta.

 

Nguyễn Hằng