Kiên Giang:

Bài 7: Tình tiết mới trong vụ “tước đất của dân giao cho doanh nghiệp”

(Dân trí) - Năm 2009, vợ chồng ông Hoàng nhận chuyển nhượng mảnh đất gần 80.000m2 từ ông Châu Danh và bà Võ Thị Mỹ Thanh. Đến 10/4/2014, vợ chồng ông Hoàng góp mảnh đất này vào Công ty CP Đầu tư phát triển và Du lịch Lê Nguyễn Phú Quốc, phục vụ hoạt động kinh doanh.

Ai là chủ mảnh đất bị cưỡng chế?

Trong đơn gửi đến các cơ quan Trung ương, bà Ngô Kim Hạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Phó Tổng Giám đốc công ty CP Đầu tư phát triển và Du lịch Lê Nguyễn Phú Quốc (gọi tắt là Công ty Lê Nguyễn Phú Quốc) cho biết, Công ty được thành lập ngày 08/4/2014 do Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Kiên Giang cấp. Công ty có 03 cổ đông sáng lập, trong đó, bà Hạnh có số vốn bằng 40,8%.

Ngoài việc bà Ngô Kim Hạnh góp vốn theo điều lệ, vợ chồng bà Hạnh (chồng bà Hạnh là ông Nguyễn Thanh Hoàng - PV) có đưa khối tài sản là mảnh đất gần 80.000m2 mà vợ chồng bà chuyển nhương lại từ ông Châu Danh và bà Thanh (tại ấp Ông Lang, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc) vào Công ty Lê Nguyễn Phú Quốc để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thửa đất trên được sử dụng ổn định từ 4/2009 đến tháng 8/2014. Nhưng sau thời gian này, UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định xử phạt chồng bà Hạnh bao chiếm đất rồi cưỡng chế lấy đất giao cho Công ty TNHH Ngôi Sao.

Công văn của Văn phòng Chính phủ, truyền đạt ký kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về việc, chỉ đạo UBND tỉnh Kiên Giang khẩn trương xem xét giải quyết khiếu nại cho Công ty Lê Nguyễn Phú Quốc và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/9
Công văn của Văn phòng Chính phủ, truyền đạt ký kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về việc, chỉ đạo UBND tỉnh Kiên Giang khẩn trương xem xét giải quyết khiếu nại cho Công ty Lê Nguyễn Phú Quốc và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/9

Bà Ngô Kim Hạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Lê Nguyễn Phú Quốc cho biết: “Ngày 10/4/2014, vợ chồng tôi góp mảnh đất vào Công ty Lê Nguyễn Phú Quốc. Khi đó, Công ty đã thuê đơn vị tư vấn thiết kế, lập dự án xây dựng khu du lịch sinh thái và nhà làm việc của Công ty trên khu đất. Tuy nhiên, đến 9/2014 khi chồng tôi nhận quyết định xử phạt hành chính về hành vi bảo chiếm đất của Nhà nước quản lí và đất của Công ty Ngôi Sao, lúc này Công ty mới biết UBND tỉnh Kiên Giang đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số hiệu BU156103 ngày 04/7/2014 cho Công ty TNHH Ngôi Sao. Việc UBND tỉnh Kiên Giang cấp sổ đỏ này đã chồng lên đất sản xuất, chuẩn bị đầu tư kinh doanh của công ty chúng tôi. Chúng tôi đã gửi công văn đến Quý Lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, Chính phủ để báo cáo và khẩn thiết khiếu nại việc cấp đất sai Luật của UBND tỉnh Kiên Giang”.

Ngoài ra, bà Hạnh còn nhấn mạnh: “Ngày 30/6 Văn phòng Chính phủ đã có công văn, yêu cầu Kiên Giang xem xét, giải quyết khiếu nại cho Công ty chúng tôi nhưng ngành chức năng tỉnh Kiên Giang vẫn phớt lờ, tiếp tục thực hiện Quyết định cưỡng chế mảnh đất, giao cho Công ty Ngôi Sao vào 22/7 vừa rồi”.

Trở lại nguồn gốc mảnh đất gần 80.000m2

Như Dân trí đã thông tin, khoảng từ 1997-1998, ông Châu Danh thường trú tại tổ 1 ấp Lê Bát, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc khai khẩn 3ha đất hoang hóa thuộc thửa 19 tại tổ 1, ấp Ông Lang, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc. Cũng khoảng thời gian trên bà Võ Thị Mỹ Thanh, thường trú tại ấp Lê Bát, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc khai khẩn khoảng 5ha đất hoang hóa thuộc thửa 20 tại tổ 1, ấp Ông Lang, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc.

Hai thửa đất của ông Danh và bà Thanh nằm liền kề nhau, canh tác liên tục, ổn định, không ai tranh chấp, không nằm trong đất rừng, không bị bất kỳ một tổ chức hay chính quyền địa phương nào nhắc nhở nên đã được ông Lê Văn Tiến - Trưởng ban nhân dân ấp Ông Lang, xã Cửa Dương xác nhận ngày 30/10/2001 và ngày 16/10/2003 và mảnh đất thuộc trường hợp được xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ khi khai khẩn, ông Danh và bà Thanh trồng nhiều loại cây lâu năm, cây ăn trái, cây lấy gỗ.

Trong khoản thời gian từ 26/01/2016 đến tháng 3/2016, Công ty TNHH Ngôi Sao cho người và máy móc đến san lấp và đốn hạ các cây trồng trên mảnh đất 80.000m2, mặc dù Tòa phúc thẩm đang thụ lý
Trong khoản thời gian từ 26/01/2016 đến tháng 3/2016, Công ty TNHH Ngôi Sao cho người và máy móc đến san lấp và đốn hạ các cây trồng trên mảnh đất 80.000m2, mặc dù Tòa phúc thẩm đang thụ lý

Đến 19/3/2009, vợ chồng bà Võ Thị Mỹ Thanh chuyển nhượng cho vợ chồng bà Ngô Kim Hạnh diện tích đất 42.000m2 tọa lạc tại ấp Ông Lan, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; Ngày 15/4/2009, vợ chồng ông Châu Danh chuyển nhượng cho vợ chồng bà Hạnh diện tích đất 30.000m2 tọa lại tại tổ 1 ấp Ông Lang, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc.

Sau khi nhận chuyển nhượng vợ chồng bà Hạnh, ông Hoàng liên tục canh tác và trồng thêm nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, làm rào chắn và dựng tạm 03 căn nhà tạm để tiện cho việc trông coi. Đến ngày 10/4/2014, sau khi vợ chồng ông Hoàng góp mảnh đất vào Công ty Lê Nguyễn Phú Quốc.

Tuy nhiên, đến 28/8/2014, ông Nguyễn Thanh Hoàng bị cán bộ địa chính xã Cửa Dương lập biên bản vi phạm về hành vi bao chiếm đất nhà nước và của Công ty TNHH Ngôi Sao. Đến 26/9/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 2041/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với chồng bà Hạnh là ông Nguyễn Thanh Hoàng. Ngày 22/4/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ra Quyết định cưỡng chế số 924/QĐ-CC, về việc cưỡng chế thi hành biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2041.

Toàn bộ cây trồng trên mảnh đất bị đốn hạ hết
Toàn bộ cây trồng trên mảnh đất bị đốn hạ hết

Bà Hạnh bức xúc cho biết: “Ngày 22/7 vừa rồi, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đã tổ chức cưỡng chế, buộc chồng tôi phải giao trả diện tích đất gần 80.000m2 để lấy một phần lớn diện tích đất giao cho Công ty TNHH Ngôi Sao. Trong khi tổng diện đất này vợ chồng tôi đã góp vào Công ty Lê Nguyễn Phú Quốc. Điều này cũng có nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang lấy đất của Công ty Lê Nguyễn Phú Quốc để cấp cho một công ty khác. Đây là điều không thể chấp nhận được”.

Trong đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan Trung ương, Công ty Lê Nguyễn Phú Quốc khẩn cầu và tha thiết kêu cứu tới quý lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất về quy hoạch Xây dựng cần khẩn trương kiểm tra việc thực hiện pháp luật về xây dựng tại địa phương, trả lại sự công bằng cho doanh nghiệp có điều kiện thực hiện dự án, xây dựng khu du lịch sinh thái, góp phần giải quyết cho hàng trăm lao động tại địa phương… Đây là điều Công ty Lê Nguyễn Phú Quốc mong mỏi.

Xung quanh việc vợ chồng ông Hoàng góp mảnh đất vào Công ty Lê Nguyễn Phú Quốc, nhiều luật sư cho rằng cần xem lại tính pháp lí của việc góp vốn này, mặc dù Công ty có biên bản góp vốn của vợ chồng bà Hạnh, biên bản họp Hội đồng cổ đông… Nhưng mảnh đất góp vào Công ty chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ở điểm này, có một điều cần làm rõ là vì sao vợ chồng ông Hoàng làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa được cơ quan chức năng giải quyết? Việc này do mảnh đất ông Hoàng có vấn đề hay do cơ quan chức năng chậm trễ? Nếu do cơ quan chức năng thì vợ chồng ông Hoàng có quyền khiếu nại theo qui định của pháp luật.

Nguyễn Hành