Vụ “lình xình” tại Trường mầm non Hòa Bình (Hà Nội):

Bài 2: Hợp đồng hợp tác có thể bị tuyên vô hiệu

(Dân trí) – Dưới góc nhìn pháp lý của luật sư về vụ “lình xình” tại Trường mầm non Hòa Bình, các đối tác nên được chấm dứt hợp đồng. Và trên thực tế, hợp đồng này đã có những dấu hiệu sai phạm nên theo quy định của pháp luật có thể bị tuyên vô hiệu.

Bài 2: Hợp đồng hợp tác có thể bị tuyên vô hiệu - 1
Ngày 5/1/2012, Thanh tra Xây dựng quận Cầu Giấy đã vào cuộc kiểm tra
hoạt động xây dựng của Trung tâm nhân đạo Hòa Bình tại phường Trung Hòa
 
Để làm sáng tỏ hơn những tranh chấp pháp lý liên quan đến Hợp đồng hợp tác đầu tư giữa các đối tác trong việc thực hiện Dự án xây dựng Trường mầm non Hòa Bình, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) về vụ việc này.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho rằng: Hợp đồng hợp tác đầu tư ký kết giữa Trung tâm Nhân đạo Hòa Bình (sau đây gọi tắt là Trung tâm) và công ty TNHH Thương mại & Đầu tư Hòa Bình với tỷ lệ góp vốn là Trung tâm Nhân đạo 10%, công ty TNHH Thương mại & Đầu tư Hòa Bình góp 70,6%. Với quan điểm của một Công ty Luật, chúng tôi thấy rằng tỉ lệ góp vốn này là không hợp lý (Trung tâm là chủ đầu tư Dự án, đứng ra xin đất, góp hơn 4000m2 đất mà lại chỉ chiếm có 10% vốn đầu tư Dự án) và không đảm bảo được quyền lợi cho các trẻ em thiệt thòi đang được bảo trợ tại Trung tâm. Vì lẽ đó, quyết định đề nghị đối tác đàm phán thương thảo lại hợp đồng, cân nhắc đến tư cách chủ đầu tư và phần đóng góp của Trung tâm là hoàn toàn chính xác và hợp pháp.

Theo quy định thì phần diện tích đất nói trên không được định giá. Tuy nhiên trên thực tế  nếu được định giá thì giá trị phần đất này là rất lớn. Do đó, phía Trung tâm cũng không đưa ra một con số cụ thể của phần giá trị đất này. Mặt khác, Trung tâm không có bất cứ một văn bản chính thức nào chuyển cho đối tác đưa ra giá trị cụ thể của phần diện tích đất này, mà chỉ nhắc nhở phía đối tác cân nhắc lại phần góp vốn của phía Trung tâm là diện tích đất hơn 4000m2.
 
Bài 2: Hợp đồng hợp tác có thể bị tuyên vô hiệu - 2
Luật sư Nguyễn Hồng Bách

Tham gia ngay từ những ngày đầu xảy ra tranh chấp về hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Trung tâm và công ty TNHH Thương mại & Đầu tư Hòa Bình, chúng tôi thấy rằng mặc dù đơn vị hợp tác đầu tư là công ty TNHH Thương mại & Đầu tư Hòa Bình không tôn trọng chủ đầu tư là Trung tâm nhưng rất nhiều lần trong các công văn gửi đối tác, Trung tâm luôn ghi nhận và nêu cao lòng biết ơn đối với những đóng góp của đối tác.

Khi tranh chấp về hợp đồng hợp tác đầu tư chưa được giải quyết thì việc chủ đầu tư là Trung tâm yêu cầu dừng triển khai Dự án để tháo gỡ vướng mắc là một việc làm hết sức hợp tình hợp lý, đúng pháp luật nhưng lại bị công ty TNHH Thương mại & Đầu tư Hòa Bình cho rằng giám đốc Trung tâm ngăn cản tiến độ xây dựng trường mầm non, tìm cách loại nhà đầu tư ra khỏi Dự án nhằm chiếm đoạt công sức, tài sản của nhà đầu tư.

Hơn ai hết, chủ đầu tư Dự án như Trung tâm đang rất mong Dự án đi vào hoàn công để đảm bảo tiến độ như đã cam kết với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thế nên thật vô lý khi do rằng Trung tâm tìm cách trì hoãn tiến độ xây dựng Trường mầm non.

Cho đến thời điểm này căn cứ vào các văn bản pháp lý cho thấy khu đất dự án nêu trên là đất của Trung tâm chứ không phải của công ty TNHH Thương mại & Đầu tư Hòa Bình và cũng không phải đất được hình thành là tài sản của đơn vị do hợp đồng hợp tác tạo lên là Công ty TNHH Giáo dục và Đầu tư Hòa Bình.

Do đó, chúng tôi cho rằng, việc hợp tác giữa Trung tâm và công ty TNHH Thương mại & Đầu tư Hòa Bình nên được chấm dứt. Và trên thực tế, hợp đồng này đã có những dấu hiệu sai phạm (chưa xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền) nên theo quy định của pháp luật có thể bị tuyên vô hiệu.

Vũ Văn Tiến