Sơn La:

Bài 2: Cát tặc đục khoét sông Mã, cơ quan chức năng “hồn nhiên” thu thuế

(Dân trí) - Trong khi dòng sông Mã qua địa bàn các xã Chiềng Khoong; Chiềng Cang; Chiềng Khương… (huyện Sông Mã - Sơn La) đang trở thành đại công trường của nạn cát tặc thì một điều khó hiểu là chi cục thuế huyện Sông Mã lại “hồn nhiên” thu thuế của những đối tượng khai thác cát.

Tình trạng khai thác cát quy mô, rầm rộ đã làm hàng ngàn mét khối đất dọc hai bờ sông Mã (huyện Sông Mã, Sơn La) sạt lở nghiêm trọng. Đất đai, cây cối, hoa màu bị băm nát, cuốn trôi. Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều năm trước, người dân khai thác cát thủ công để lấy vật liệu xây dựng nhà cửa. Nhưng giờ đây, khi việc quản lý còn lỏng lẻo, chính những người dân này đã đầu tư hàng loạt máy móc hiện đại để khai thác cát, vơ vét tài nguyên.

 

Trước tình trạng khai thác cát không phép diễn ra một cách rầm rộ, ngày 31/12/2014, ông Vi Đức Thọ - Chủ tịch UBND huyện Sông Mã đã ký văn bản số 1337/UBND gửi Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn yêu cầu dừng hoạt động khai thác cát trên dòng sông Mã, suối thuộc địa bàn huyện Sông Mã.

Theo công văn này, trong khi chờ cấp có thẩm quyền tổ chức đấu giá quyền khai thác và cấp Giấy phép khai thác cát trên địa bàn huyện Sông Mã, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, thị trấn thực hiện một số việc sau: “Tuyên truyền, vận động và yêu cầu các tổ chức(hợp tác xã), cá nhân dừng hoạt động khai thác cát trên dòng sông Mã, suối thuộc địa bàn xã, thị trấn quản lý; Tổ chức kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Khoáng sản, không chấp hành chỉ đạo của UBND tỉnh và huyện báo báo UBND huyện trước ngày 15/1/2015”.

Bài 2: Cát tặc đục khoét sông Mã, cơ quan chức năng “hồn nhiên” thu thuế - 1

Ông Vi Đức Thọ - Chủ tịch UBND huyện Sông Mã đã ký văn bản số 1337/UBND gửi Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn yêu cầu dừng hoạt động khai thác cát trên dòng sông Mã, suối thuộc địa bàn huyện Sông Mã.

Mặc dù quy định cấm đã được thể hiện rõ như vậy, nhưng việc khai thác cát tại đây vẫn tiếp diễn một cách rầm rộ, công khai.

Theo người dân khai thác cát cho biết, một tàu hút cát có công suất trung bình từ 30m3 đến 40m3/ngày/tàu. Hiện trên dòng sông Mã có hàng chục tàu hoạt động liên tục.

Điều bất ngờ khi chúng tôi tiếp cận các cơ quan chức năng huyện Sông Mã để tìm hiểu hiện trang và biện pháp xử lý nạn cát tặc thì được biết Chi cục thuế huyện Sông Mã lại tiến hành thu thuế của những đối tượng khai thác cát tặc này. Điều đó đồng nghĩa với việc đã “vô tình” tạo điều kiện cho việc khai thác cát trái phép trên sông Mã.

Bài 2: Cát tặc đục khoét sông Mã, cơ quan chức năng “hồn nhiên” thu thuế - 2
Bài 2: Cát tặc đục khoét sông Mã, cơ quan chức năng “hồn nhiên” thu thuế - 3

Tình rạng khai thác cát trái phép tại sông Mã nhưng lại được Chi cục thuế huyện Sông Mã tiến hành thu thuế.

Lãnh đạo Chi cục thuế huyện Sông Mã cho biết: “Trong năm 2014, chúng tôi đã thu được hơn 600 triệu đồng, tuy nhiên từ đầu năm 2015 đến nay, Chi cục thuế huyện Sông Mã chưa hề thu được đồng nào. Vì một số hộ đã tham gia vào mô hình Hợp tác xã, họ tự thành lập tổ giám sát, tự kê khai sản lượng, tự nộp thuế, phí. Tuy nhiên, từ đầu năm tới giờ các Hợp tác xã họ bảo không khai thác nên chúng tôi không thu được đồng nào”.

Với cách quản lý tài nguyên lỏng lẻo và vi phạm pháp luật như vậy tại huyện Sông Mã thì cũng không khó để lý giải tại sao cát tặc lại “giàn trận” đến hàng chục tàu đua nhau “hút máu” dòng sông ngang nhiên giữa ban ngày như vậy.

Và hệ luỵ nhãn tiền là tài nguyên quốc gia bị đánh cắp và quốc lộ 4G, con đường huyết mạch dẫn lên huyện Sông Mã cũng phải chịu cảnh “bầm dập” do xe chở cát quần thảo ngày đêm.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế