Bài 13: Lật tẩy hành vi "gian dối" trong vụ án 194 phố Huế

(Dân trí) - Theo thông tin mới nhất PV Dân trí nhận được, Viện KSND quận Hai Bà Trưng vừa ban hành công văn nêu rõ sự “gian dối” của Chi cục Thi hành án quận Hai Bà Trưng trong vụ án 194 phố Huế.

Lật tẩy hành vi “gian dối”

Để rộng đường dư luận, Dân trí xin đăng tải chi tiết nội dung công văn số 270/KSTHA/CV, ngày 23/8/2011 của Viện KSND quận Hai Bà Trưng nêu trên:

“Ngày 7/7/2011, Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng tổ chức việc cưỡng chế giao nhà số 194 phố Huế cho người mua trúng đấu giá theo quyết định số 07/QĐ-THA ngày 28/6/2011 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng. Qúa trình tổ chức cưỡng chế, mặc dù Viện kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng có ý kiến và không tham gia kiểm sát cưỡng chế thi hành án, nhưng tại các biên bản do Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng lập đều ghi có sự tham gia kiểm sát của đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng
Công văn số 270/KSTHA/CV của Viện KSND quận Hai Bà Trưng.
Công văn số 270/KSTHA/CV của Viện KSND quận Hai Bà Trưng.
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Vậy, Viện KSND quận Hai Bà Trưng đã có ý kiến gì và tại sao không tham gia kiểm sát cưỡng chế Thi hành án (THA) ngôi nhà 194 phố Huế?

Theo công văn trên thì: “Tại cuộc họp Hội đồng cưỡng chế thi hành án (tại trụ sở UBND phường Phố Huế) trước khi triển khai cưỡng chế, Viện kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng qua kiểm sát đã có ý kiến, yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng làm rõ một số nội dung liên quan trước khi tiến hành cưỡng chế thi hành án. Sau đó, do Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng không tiến hành làm rõ theo yêu cầu nên Viện kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng đã thông báo sẽ không tham gia kiểm sát việc cưỡng chế, giao nhà 194 phố Huế và không đến địa điểm cưỡng chế thi hành án”

Như vậy, trong quá trình kiểm sát việc THA, Viện KSND quận Hai Bà Trưng đã nhận thấy còn nhiều vấn đề liên quan đến việc THA ngôi nhà 194 phố Huế cần được xác minh, làm rõ. Do đó, Viện KSND quận Hai Bà Trưng đã thể hiện chức năng kiểm sát của mình bằng cách yêu cầu Cơ quan THA cung cấp thêm hồ sơ và làm rõ một số nội dung liên quan trước thi tiến hành cưỡng chế THA. Tuy nhiên, Chi cục THA đã không làm theo yêu cầu của Viện KSND quận Hai Bà Trưng mà vẫn tiếp tục cho thực hiện việc thi hành án!

Theo Khoản 2 Điều 12 Luật THADS thì: “Viện KSND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án nhằm bảo đảm việc thi hành án kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật”.

Khoản 2 Điều 24 Luật tổ chức Viện KSND năm 2002 cũng quy định rõ chức năng của Viện KSND là: “Trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành án của Cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thi hành án”.

Tiếp đó, Điều 4 Qui chế kiểm sát thi hành án quy định về phạm vi của Công tác kiểm sát thi hành án dân sự là được thực hiện từ khi các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay theo qui định của pháp luật... cho đến khi bản án, quyết định đó được thi hành xong.

Theo các quy định trên, chức năng, vị trí, vai trò của Viện KSND trong việc kiểm sát THADS đã quá rõ ràng. Ngày 07/7/2011, Viện KSND quận Hai Bà Trưng đã trực tiếp kiểm sát việc cưỡng chế THA ngôi nhà 194 phố Huế, cũng như trực tiếp yêu cầu Cơ quan THA phải làm rõ một số nội dung liên quan trước khi cưỡng chế. Như vậy, Viện KSND quận Hai Bà Trưng đã thực hiện đúng nhiệm vụ kiểm sát của mình, tuy nhiên ý kiến kiểm sát đó lại không được Cơ quan THA quận Hai Bà Trưng tiếp thu.

Việc cố gắng thực hiện đến cùng cưỡng chế, bàn giao nhà 194 phố Huế có thực sự đến mức “nước sôi lửa bỏng” không thể trì hoãn thêm, không thể bổ sung thêm bất kỳ thông tin nào hay không thể làm rõ bất cứ nội dung liên quan nào khác? Tại sao Chi cục THA lại phải bất chấp ý kiến của Viện KSND quận Hai Bà Trưng đến vậy?

Trong khi đó, ngày 23/6/2011, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành thông báo thụ lý số 517/TB-TLVA về vụ án kinh doanh thương mại liên quan đến ngôi nhà 194 phố Huế.

Tưởng rằng, khi Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tiến hành xét xử lại theo yêu cầu của Tòa án nhân dân Tối cao thì mọi vấn đề liên quan đến vụ án sẽ phụ thuộc vào phán quyết mới của Tòa án. Nhưng thật bất ngờ, chỉ sau đúng 01 ngày khi Tòa án nhân dân thành phố Hà nội triệu tập lần đầu các đương sự để bắt đầu quá trình giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật (ngày 06/7/2011) thì Cơ quan THA Hai Bà Trưng lại quyết liệt cưỡng chế bàn giao nhà 194 phố Huế cho người mua đấu giá thành. Và lại bất ngờ hơn nữa khi việc cưỡng chế đó không được sự đồng thuận của Viện KSND cùng cấp!

Đưa các cơ quan, cá nhân liên quan vào “sự đã rồi”!

Dư luận đặt ra câu hỏi: phải chăng vì có thể phán quyết mới của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ không còn xác định ngôi nhà 194 phố Huế là tài sản đảm bảo của Công ty Bắc Sơn nữa, và nếu vậy ngôi nhà 194 sẽ trở thành tài sản độc lập, không phải gánh trách nhiệm trả nợ cho công ty Bắc Sơn, nên một lần nữa ông Trịnh Ngọc Chung, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận HBT lại “cao mưu” đưa các cơ quan, cá nhân liên quan vào “sự đã rồi”!

Không dừng lại ở đó mà ngay cả khi đại diện Viện KSND đã thông báosẽ không tham gia kiểm sát việc cưỡng chế, giao nhà 194 Phố Huế và không đến địa điểm cưỡng chế thi hành án nhưng Cơ quan THA vẫn “hồn nhiên” xác nhận sự tham gia của đại diện VKS trong quá trình cưỡng chế ngôi nhà 194 phố Huế: “Tại các biên bản: Biên bản phá khóa; Biên bản cưỡng chế giao nhà; Biên bản liệt kê tài sản do Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng lập đều ghi có sự tham gia kiểm sát của đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng, đồng thời ghi vào cuối biên bản nội dung: “Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng đã vắng mặt lúc thông  qua biên bản” là không đúng với thực tế(Công văn số 270)

Xem ra Chi cục THA quận Hai Bà Trưng có quá nhiều sự bất cẩn trong vụ việc này, từ lỗi đánh máy nhầm đến đổ lỗi cho Ngân hàng đã để cá nhân cán bộ THA (ông Hoàng Phi Long) đứng tên sổ tiết kiệm 31.528.000.000 đồng tiền bán đấu giá thành ngôi nhà 194, và lần này lại là lỗi Viện KSND “không có mặt” nhưng vẫn tham gia kiểm sát (?!).

Dư luận đặt ra câu hỏi: Ngay cả với Viện KSND, Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng còn ngang nhiên biến “không thành có”, vậy thì đối với những người dân bình thường, Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng còn có thể “hô phong hoán vũ” thế nào? Hành vi sai phạm đó có phải “vô tình” hay không? Và còn bao nhiêu sai phạm tương tự trong suốt quá trình thi hành án ngôi nhà 194 phố Huế?

Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ trách nhiệm của Chi cục THA quận Hai Bà Trưng trong việc tiếp tục cưỡng chế thi hành án ngôi nhà 194 phố Huế khi không có sự đồng thuận của Viện KSND cùng cấp và đặc biệt còn có hành vi gian dối khi tiến hành lập các biên bản nêu trên.
 
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến