Bạc Liêu: Sống thấp thỏm lo “hà bá” nuốt nhà

(Dân trí) - Nhiều hộ dân sống gần khu vực cống Giá Rai (thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) như “ngồi trên đống lửa” khi hàng ngày thấp thỏm lo sợ nhà cửa bị “hà bá” nuốt chửng dưới lòng sông.

Tiếp xúc với PV Dân trí, một số hộ dân sống gần khu vực cống Giá Rai (phường 1, thị xã Giá Rai) cho biết, thời gian qua, họ luôn sống trong cảnh lo sợ cho tính mạng và tài sản của gia đình bị “nuốt” dưới lòng sông. Bởi khu vực nhà cửa mà các hộ dân đang ở gần cống Giá Rai nên chịu ảnh hưởng rất lớn của dòng nước ra vào, đã khiến nhiều phần đất bị sạt lở xuống sông.

Bạc Liêu: Sống thấp thỏm lo “hà bá” nuốt nhà - 1
Khu vực nhà dân dọc 2 bên bờ sông gần cống Giá Rai đang có nguy cơ sạt lở cao.
Khu vực nhà dân dọc 2 bên bờ sông gần cống Giá Rai đang có nguy cơ sạt lở cao.

Qua quan sát của PV, hộ gia đình bà Lý Thị Tiếng (ngụ ấp 2) ở tiếp giáp với khu vực cống nên chịu ảnh hưởng khá lớn. Hầu như toàn bộ phần đất cả trăm m2 cặp bờ sông của gia đình bà đã biến mất dưới lòng sông từ nhiều tháng qua. Và hiện nay, khu vực nhà ở còn lại của gia đình bà cũng đang bị đe dọa có thể bị sụp xuống sông bất cứ lúc nào.

Chỉ vào phần bị sạt lở phía sau nhà, một người con của bà Lý Thị Tiếng cho biết, trước đây, phần đất của gia đình rất rộng, tính từ mé nhà hiện nay ra phía ngoài ít nhất trên 10m và kéo dài hơn 50m. “Toàn bộ diện tích đất khoảng mấy trăm mét vuông của gia đình đã bị sụp xuống sông hết nên đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc sinh sống và làm ăn của gia đình mà chẳng biết kêu ai”, người thân bà Tiếng xót xa.

Bạc Liêu: Sống thấp thỏm lo “hà bá” nuốt nhà - 3
Bạc Liêu: Sống thấp thỏm lo “hà bá” nuốt nhà - 4
Khu vực nhà bà Tiếng đã bị sạt lở nghiêm trọng.
Khu vực nhà bà Tiếng đã bị sạt lở nghiêm trọng.

Trong khi đó, hộ gia đình bà Đặng gần đó cũng bị thiệt hại không nhỏ khi toàn bộ phần nhà sau hàng chục m2 cũng bị “nuốt” xuống sông sâu. “Mới vài tuần đây thôi, hôm bửa đang ngủ, nửa đêm tôi nghe mấy tiếng rắc rắc rồi vừa kịp tỉnh dậy kêu cả nhà chạy ra ngoài thì toàn bộ phần nhà sau bị cuốn xuống sông. May mà gia đình đã có chuẩn bị từ trước chứ nếu không thì không biết tốt xấu ra sao nữa”, bà Đặng chua xót khi nhìn phần nhà sau bị chìm cả xuống sông.

Bạc Liêu: Sống thấp thỏm lo “hà bá” nuốt nhà - 6
Bạc Liêu: Sống thấp thỏm lo “hà bá” nuốt nhà - 7
Toàn bộ phần nhà sau hàng chục m2 của hộ gia đình bà Đặng bị chìm xuống sông.
Toàn bộ phần nhà sau hàng chục m2 của hộ gia đình bà Đặng bị chìm xuống sông.

Không chỉ nhà bà Đặng, bà Tiếng mà bị thiệt hại nặng nề mà còn nhiều hộ dân 2 bên bờ sông Giá Rai gần khu vực cống Giá Rai cũng đang lo lắng cho “số phận” của chỗ ở gia đình. Một số hộ dân cho biết, do không thể đi đâu được vì nhiều lý do nên họ đành đánh liều làm nhà để ở chứ lúc nào họ cũng như ngồi trên đống lửa mỗi khi mùa mưa, dòng chảy khi mở cống qua khu vực nhà.

Bạc Liêu: Sống thấp thỏm lo “hà bá” nuốt nhà - 9
Bạc Liêu: Sống thấp thỏm lo “hà bá” nuốt nhà - 10
Nhiều hộ dân đang tiếp tục bị dọa bởi sạt lở.
Nhiều hộ dân đang tiếp tục bị dọa bởi sạt lở.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, khu vực của các hộ dân đang ở vẫn đang có nguy cơ bị sụp bởi hầu như phần chân nền nhà không còn chắc chắn mà bị ăn sâu vào tận bên trong. Vì thế, một số nhà dù chưa bị sụp nhưng đã bị nứt tường, sạt ra phía ngoài nên không sớm thì muộn cũng bị “nuốt chửng” theo dòng nước.

Bạc Liêu: Sống thấp thỏm lo “hà bá” nuốt nhà - 12
Người dân đang sống trong cảnh thấp thỏm, lo sợ vì hà bá đang ở ngay dưới chân nhà có thể nuốt nhà dân bất cứ lúc nào.
Người dân đang sống trong cảnh thấp thỏm, lo sợ vì "hà bá" đang ở ngay dưới chân nhà có thể nuốt nhà dân bất cứ lúc nào.

Tiếp xúc với PV, một số hộ dân cho biết, một trong những nguyên nhân chính làm sạt lở đất nhà dân là do việc thời gian qua cống Giá Rai mở cửa để lấy nước ra vào. “Cống Giá Rai có 3 cửa, nếu mở cửa giữa thì không ảnh hưởng nhiều nhưng nếu chỉ mở một cửa bên thì khu vực bên đó sẽ bị ảnh hưởng bởi dòng chảy, dẫn đến làm sạt lở đất như hiện nay”, một người dân cho biết.

Theo người dân, một thời điểm cống Giá Rai từng bị hư cửa bên trái và cửa giữa (từ QL1A đi vào) nên chỉ mở được cửa bên phải đã gây ảnh hưởng rất lớn cho khu vực nhà dân ở bên phải dòng sông, trong đó có họ gia đình bà Lý Thị Tiếng như phần trên đã nêu. Cũng theo ghi nhận của PV, một đoạn kè bằng đá bên bờ phải cũng đã bị sụp xuống sông, gây thiệt hại một khoản tiền không nhỏ khi gia cố cho khu vực này.

Người dân cho biết, họ cũng đã báo lên chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý tình hình sạt lở gây nguy hiểm này từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Theo người dân, thiệt hại của họ là rất lớn, vì thế họ mong muốn địa phương và các cơ quan chức năng sớm xử lý cũng như hỗ trợ trong việc gia cố chống sạt lở hoặc di dời để đảm bảo an toàn.

Một trong những nguyên nhân gây sạt lở là dòng chảy ra vào từ cống Giá Rai. Trong ảnh là một đoạn bờ kè bằng đá cũng đã bị kéo xuống sông.
Một trong những nguyên nhân gây sạt lở là dòng chảy ra vào từ cống Giá Rai. Trong ảnh là một đoạn bờ kè bằng đá cũng đã bị kéo xuống sông.

Theo tài liệu của PV, Phòng NN&PTNT huyện Giá Rai (nay là thị xã Giá Rai) cũng từng xác định, ấp 1 và ấp 2 là cửa ngỏ về xã Phong Thạnh và Tân Phong, có cả trăm hộ dân đang sinh sống trên phần đất có nguy cơ sạt lở cao. Được biết, cống Giá Rai do Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi (Ban 10) trực thuộc Bộ NN&PTNT quản lý.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Trận - Phó Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai cho biết, việc phản ánh của người dân ở khu vực cống Giá Rai bị sạt lở, địa phương đã nắm được. “Hiện địa phương đang phối hợp cùng Ban 10 để rà soát lên các phương án xử lý vấn đề trên”, ông Trận cho biết.

                                                                                                Huỳnh Hải