Bài 6:

Bắc Giang: Dân phá rừng, công ty lâm nghiệp phá rừng và lãnh đạo cũng… phá rừng!

(Dân trí) - Sau loạt bài điều tra của báo Dân trí phanh phui vụ việc Công ty lâm nghiệp Sơn Động mở đường phá hơn 20 ha rừng tự nhiên, nhiều người dân tại đây phá rừng bị xử lý thì thêm việc gia đình chủ tịch thị trấn ngang nhiên phá bay hàng chục nghìn m2 rừng tự nhiến khiến dư luận xót xa đặt câu hỏi về trách nhiệm hệ thống chính quyền huyện Sơn Động.

Loạt bài điều tra của báo Dân trí về việc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Ðộng (Công ty Lâm nghiệp Sơn Động) lợi dụng việc được giao thực hiện dự án cải tạo rừng tự nhiên để nhập nhèm phá, bán hơn 20ha rừng trên địa bàn xã Bồng Am - Sơn Ðộng (Bắc Giang) đã từng khiến dư luận ngỡ ngàng. Tuy nhiên, điều khiến dư luận bức xúc hơn là đi kèm sai phạm nghiêm trọng thì trách nhiệm của hàng loạt cơ quan chức năng tỉnh này được "chốt" bằng hình thức nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.


Tuyên truyền bảo vệ rừng tại tỉnh Bắc Giang.

Tuyên truyền bảo vệ rừng tại tỉnh Bắc Giang.


Hiện trạng một khoảnh rừng ngay sát khu thi công dự án cáp treo Yên Tử tại huyện Sơn Động. (Ảnh: Anh Thế)

Hiện trạng một khoảnh rừng ngay sát khu thi công dự án cáp treo Yên Tử tại huyện Sơn Động. (Ảnh: Anh Thế)

Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Giang đã có quyết định số 1783/QĐ-UBND ngày 3/11/2014 do ông Bùi Ngọc Sơn - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang ký kỷ luật đối với ông Chu Bá Nghĩa - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Sơn Động với hình thức cảnh cáo. Lý do kỷ luật: chấp hành chưa nghiêm túc các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 khi chỉ đạo công ty cải tạo, khai thác và lấn chiếm ra ngoài diện tích được phê duyệt 48,4 ha.

Cùng với việc kỷ luật cá nhân ông Nghĩa, UBND tỉnh Bắc Giang cũng quyết định kỷ luật cả hội đồng thành viên của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sơn Động với hình thức khiển trách.

Thời điểm đó, Chi cục kiểm lâm tỉnh Bắc Giang cùng với việc xác định, xử lý sai phạm nội bộ đã "mạnh dạn" đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương huyện Sơn Động và chính quyền cấp xã trong việc để xảy ra sai phạm tại Công ty lâm nghiệp Sơn Động.

Bắc Giang: Dân phá rừng, công ty lâm nghiệp phá rừng và lãnh đạo cũng… phá rừng! - 3

Một bạn đọc Dân trí đã đặt câu hỏi trong phần bình luận về những cánh rừng gỗ lim cổ thụ bạt ngàn tại huyện Sơn Động nay còn không? Câu hỏi này xin dành cho lãnh đạo huyện Sơn Động kiểm tra, trả lời bạn đọc.

Một bạn đọc Dân trí đã đặt câu hỏi trong phần bình luận về những cánh rừng gỗ lim cổ thụ bạt ngàn tại huyện Sơn Động nay còn không? Câu hỏi này xin dành cho lãnh đạo huyện Sơn Động kiểm tra, trả lời bạn đọc.

Ngay sau sự việc công ty lâm nghiệp mở đường phá rừng nhận nhiều hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo thì đến lượt nhiều người dân tại huyện này liên tiếp nhận các án tù giam do phá rừng để canh tác.

Nạn phá rừng tại Sơn Động còn chưa kịp “nguội” thì đến lượt gia đình chủ tịch Thị trấn Thanh Sơn phá bay hàng chục nghìn m2 rừng tự nhiên một lần nữa khiến dư luận choáng váng. Như vậy tại “vựa rừng” của Bắc Giang này, ngoài người dân phá rừng thì công ty lâm nghiệp cũng phá rừng và cả lãnh đạo địa phương cũng tham gia phá rừng.

Hạt kiểm lâm Sơn Động đã kết luận gia đình ông Thắng - chủ tịch thị trấn Thanh Sơn phá rừng tự nhiên trái pháp luật là có cơ sở. Tuy nhiên, thủ phạm chính trong việc tổ chức phá rừng lại là con trai ông Thắng, tức Phạm Văn Cương (cán bộ tư pháp thị trấn). Tổng diện tích rừng bị phá là 26.056m2 xảy ra từ tháng 4/2014. Thời điểm phá rừng là năm 2014 khi ông Thắng đang giữ cương vị là Trưởng công an thị trấn Thanh Sơn.

Tuy nhiên, điều bất thường ở chỗ hàng chục nghìn m2 rừng bị phá gia đình lãnh đạo địa phương phá tan hoang nhưng trong suốt hơn 1 năm lực lượng kiểm lâm tại đây dường như đã bị “bịt mắt” khi không thể phá hiện. Sự việc chỉ vỡ lở khi một người dân liên tục làm đơn tố cáo. Và sau khi nhận được đơn thư của người dân, Hạt kiểm lâm Sơn Động mới bắt buộc phải lập đoàn kiểm tra xác minh kết luật sư việc phá rừng của gia đình chủ tịch thị trấn là đúng.


Ông Nguyễn Văn Hiệu - Hạt trưởng hạt kiểm lâm Sơn Động cho biết đã chuyển hồ sơ vụ gia đình chủ tịch thị trấn phá rừng sang Công an huyện Sơn Động.

Ông Nguyễn Văn Hiệu - Hạt trưởng hạt kiểm lâm Sơn Động cho biết đã chuyển hồ sơ vụ gia đình chủ tịch thị trấn phá rừng sang Công an huyện Sơn Động.

Trả lời PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Hiệu - Hạt trưởng hạt kiểm lâm Sơn Động cho rằng vụ việc này không thể xử lý hình sự do diện tích rừng bị phá dưới 30.000m2 nên Hạt kiểm lâm Sơn Động không chuyển hồ sơ sang cơ quan công an mà chỉ có thể xử phạt hành chính lỗi vi phạm. “Thế nhưng khó là thời hiệu xử phạt hành chính chỉ trong 2 năm nên nếu xác định gia đình ông Thắng phá rừng trước đó hơn 2 năm cũng lại không thể xử phạt được”.

Tuy nhiên, sau loạt bài điều tra của báo Dân trí, ông Nguyễn Văn Hiệu cho biết cơ quan này đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc phá 26.000m2 rừng tự nhiên tại Sơn Động sang Công an huyện Sơn Động điều tra dấu hiệu tội phạm. Cơ quan này đã chính thức có Công văn số 18/HKL-TTPC gửi Công an huyện Sơn Động ngày 1/6/2016 với nội dung: Hạt kiểm lâm Sơn Động đã xác minh làm rõ đối tượng phá rừng là Phạm Văn Cương - cán bộ tư pháp thị trấn Thanh Sơn. Diện tích rừng bị phá là 26056m2 rừng tại lô a1 và lô e, khoảnh 3 xã Tuấn Mậu - Sơn Động (Bắc Giang). Hiện trạng rừng trước khi bị phá là rừng tự nhiên.

Dư luận đang đặt câu hỏi về trách nhiệm của lãnh đạo huyện Sơn Động trong trước tình trạng phá rừng tràn lan. Việc này đã được quy định rõ tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, công việc và trách nhiệm của chính quyền cấp huyện được phân cấp và xác định rất rõ: "Tổ chức hoạt động có hiệu quả của các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ; huy động các lực lượng trên địa bàn kịp thời ngăn chặn các hành vi phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương án bốn tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần); kịp thời báo cáo lên cấp trên đối với vụ việc khi vượt quá tầm kiểm soát của xã; giám sát hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản theo quy định của pháp luật.

Địa phương nào để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng, giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trái quy định pháp luật, cháy rừng nghiêm trọng, kéo dài mà trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để, thì lãnh đạo địa phương đó phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật".

Được biết, ông Trần Công Thắng hiện đang giữ cương vị Bí thư huyện ủy Sơn Động, ông Nguyễn Quang Ngạn đang giữ cương vị Chủ tịch UBND huyện Sơn Động.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế