Bạn đọc viết:

Ba ơi! Nhanh khỏi bệnh về nhà với con

Mẹ tôi ôm thằng út trong lòng mà nước mắt ngắn dài, thằng bé hoảng sợ tái xanh cả mặt khóc nấc lên từng tiếng không dứt, hai đứa em kế tôi bần thần ngồi bệt ngay góc bếp như không chấp nhận nổi những gì mới xảy ra.

Trở về từ Campuchia sau những năm tháng gian khổ của chiến tranh ba tôi cùng mẹ xây dựng gia đình như bao người bình thường khác. Cuộc sống cứ thế trôi qua, bốn anh em chúng tôi lần lượt chào đời trong cái đói, cái nghèo vẫn dai dẳng bám.

Tôi còn nhớ như in những tháng ngày mà mấy anh em tôi giành nhau từng viên đường tán để dành trộn ăn với cơm, hay cùng nhau mút chung một cây kem đá nhỏ xíu. Tuy nghèo khổ là thế nhưng thành tích học tập của chúng tôi rất tốt, đó là điều an ủi rất lớn đối với ba mẹ tôi. Ngày tổng kết năm học lớp 6, tôi hân hoan cầm trong tay tấm giấy khen học sinh giỏi mới tinh về khoe với cả nhà, ba mẹ tôi vui mừng lắm và dĩ nhiên ngày hôm ấy anh em tôi được ăn cơm trắng không độn khoai mì làm phần thưởng.

Niềm vui chưa được bao lâu thì trong lúc cả nhà đang ăn cơm, ba tôi đột nhiên thay đổi nét mặt, làm những hành động kì lạ và nói nhảm một mình khiến mẹ và anh em tôi rất sợ hãi. Một tuần sau thì ba phát bệnh, đó là giai đoạn khủng khiếp nhất trong đời tôi và các em, mẹ tôi thì khỏi nói, tinh thần suy sụp nghiêm trọng, có lúc mẹ có ý định tự vẫn để thoát khỏi nỗi đau khổ đang gánh chịu. Nhưng vì thương chúng tôi, mẹ đã gắng gượng sống làm chỗ dựa vứng chắc cho đàn con nhỏ.

Những khi phát bệnh ba tôi thường la lớn những từ bằng tiếng Miên mà tôi nghe không hiểu. Đáng sợ hơn là ba thường cầm dao chém tới tấp vào những thân cây trước nhà rồi chửi rủa, xỉ vả. Có nhiều khi nửa đêm đang ngủ ba tôi trở dậy đập phá đồ đạc và khi tìm thấy một cái dao hay vật nhọn thì lao tới anh em tôi hoặc mẹ tôi mà đánh mà giết như đang chiến đấu nơi chiến trường ác liệt. Và mỗi lần như thế chúng tôi ngồi co ro một góc tới sáng mà không dám ngủ.

Hàng xóm láng giềng ai cũng chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm, họ lắc đầu vì cảm thông cho hoàn cảnh của chúng tôi, hay lắc đầu vì thương cho ba tôi - một con người cống hiến cả đời tuổi trẻ cho quê hương đất nước mà giờ đây lại không được thừa nhận vì tất cả giấy tờ bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Gia đình tôi quá nghèo để có thể chạy chữa cho ba nên chúng tôi phải sống trong tâm trạng lo lắng, sợ hãi hằng ngày. Thương ba những buổi trưa chân trần đi lang thang khắp xóm bị bọn trẻ trêu chọc, giễu cợt nhưng con biết làm sao…

Rồi một ngày ba tôi được đưa vào bệnh viện điều dưỡng tâm thần của một tổ chức xã hội, gia đình tôi được thoải mái hơn, không còn những tiếng chửi rủa đập phá hằng đêm, không còn bực bội khi nghe ba nói nhảm những tiếng Miên khó hiểu nhưng tôi thấy nhớ ba quá.

Ngày nghỉ học tôi đạp xe 18km đến viện thăm ba, vừa thấy tôi ba nói ngay “ngày giải phóng miền Nam sao không lên huyện dự đại hội nghe chuyện đánh giặc tới đây làm gì?” Thấy tôi ngơ ngác cô y tá giải thích: những ký ức đó đã ăn sâu vào tâm trí của ba con, dù có ở trạng thái tâm lý như thế nào thì nó cũng mãi tồn tại. Nước mắt con lăn dài.

Hôm nay là ngày 2/9 nhớ tới ba, lòng con chết lặng. Ba ơi! Nhanh khỏi bệnh về nhà với con nha ba.
Út Nhàn