Ảnh hưởng của văn học đến sự phát triển của trẻ

(Dân trí) - Để tạo sự trong sáng, phát triển đúng hướng cho tâm hồn và tạo nên đức tính nhân hậu trong trái tim cho con trẻ, hoàn toàn không thể là việc làm ngày một ngày hai. Vì thế, môi trường giáo dục có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với trẻ em.

Ranh giới giữa truyện và đời
 
Rất tiếc sự kiên nhẫn, đều đặn của người lớn lại có hạn, ít gây được sự chú ý mà trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó của cuộc sống, những hành động không hay, lời lẽ không đẹp, không có tính thẩm mỹ lại tác động đều đặn đến con trẻ.

 

Cùng với sự dạy dỗ của nhà trường qua môn Văn, nhất là trong các tác phẩm văn học ở trong sách giáo khoa, nếu không biết cách dạy dỗ, còn làm nhận thức của trẻ sai lệch có khi lại đi rất xa, khác biệt so với mong muốn của mọi người.

 

Sau 6 tuổi, như nhà giáo Nguyễn Huỳnh Mai (định cư tại Bỉ) nói, các cháu dần sẽ phân biệt được ranh giới giữa truyện và đời. Khi con trai tôi hồi 12 tuổi nó hỏi: “Bố ơi, theo bố hiểu thì cô Tấm trong Truyện Tấm Cám là người như thế nảo hả bố?”
Mẹ cháu nhanh miệng trả lời ngay:
 
“Cô Tấm là một người nông dân điển hình bước vào thế giới cổ tích, cô là con người lam lũ, chịu thương, chịu khó như mò cua, bắt cá. Cô Tấm rất hiền, thật thà mà phải chịu nhiều bất công, cay đắng của thói ích kỷ của người mẹ kế.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Hình ảnh cô bước ra từ quả thị thơm, hay về sau được đền đáp bằng tình cảm của Hoàng tử là mong ước công bằng của người nông dân, là điều các con cần phải nhớ”.
 
Con tôi lại hỏi tiếp: “Cô  Tấm có hiền đâu mẹ! Cô trả thù cô Cám, tự tay mình giết chết cô Cám đem làm những hũ mắm gửi về cho mẹ cô Cám ăn thì mẹ bảo hiền sao hả mẹ?” Mẹ của con tôi trở nên lúng túng, không giải thích được.  

 

Lại có lần con tôi hỏi: “Truyện Thạch Sanh nói lên điều gì hả bố”. “So với Tấm Cám là ước ao của người nông dân nghèo về công lý và phải được công bằng, thì Thạch Sanh là truyện của những người có học sáng tác ra, cho nên thể hiện sự công bằng qua ông Trời trừng phạt Lý Thông, mà người không phải ra tay. Con có thấy sự tài tình của tiếng đàn Thạch Sanh làm rã rời đội quân xâm lăng. Nhưng chưa hẳn tiếng đàn thần đã là yếu tố quyết định chiến thắng, mà đó là tâm tư từ tấm lòng nhân hậu, từ tình yêu con người, yêu hoà bình của Thạch Sanh trong trái tim chàng đã thể hiện trong tiếng đàn và toát ra trong toàn bộ câu chuyện. Theo bố, nó phải là do những người có học mới sáng tác được truyện này”, tôi đáp.

 

Rồi cháu hỏi mẹ về truyện “Quả dưa hấu”.  Mẹ cháu lại đon đả trả lời con: “Câu chuyện ấy ẩn chứa sau sự tích quả dưa hấu và chàng trai vốn bản tính trung thực của miền Trung, không xu nịnh nhà vua như lũ quần thần ở kinh đô. Mặc dù từ chỗ là kẻ nô lệ, tội đồ bị bắt trên chiến trận, trở thành con nuôi của vua, có nhà cao cửa rộng mà vẫn không biết là ơn do vua ban cho, lại bảo là do ông bà cha mẹ để lại cho cái vốn  ẩn chứa ở trong người mình. Vua ghét đầy đọa ra đảo hoang nhưng về sau nhận ra chính An Tiêm mới là người trung thực hơn cả”.

 

Tôi cũng phải nói thêm: “Mặc dù mình không phải là người khu bốn, nhưng điều mà con học được là lòng trung thực. Đừng hiểu sự trung thực là không biết tôn trọng vua, đương nhiên là vẫn không nịnh bợ. Còn nữa, nếu cho con kể lại truyện này ở lớp, con không nên phân biệt tính cách người giữa miền Trung với miền khác, ở đâu cũng có kẻ xấu người tốt”.

 

Tôi không nói nhiều khi đối mặt với văn hoá học và dạy, nhưng nói về cách thức dạy thì cha mẹ học sinh hoặc là hiểu vấn đề không thấu đáo hoặc không đủ khả năng phân tích, hoặc là dễ dàng đồng ý và tin cậy vào các thày cô giáo. Sách giáo khoa trong trường cũng vậy, tin tưởng hoàn toàn vào những người có trách nhiệm có trình độ tuyển chọn xây dựng nên sách. Trong khi sự đánh giá đúng đắn về những giá trị của các tác phẩm văn học điển hình cần được gắn với các giai đoạn lịch sử hay hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Cách nhìn nhận của tác giả, dù gì thì cũng chỉ là một ý kiến của một người.
 
Ảnh hưởng của văn học đến sự phát triển của trẻ - 1

Không thể cấm hẳn con em đọc sách này, đọc truyện nọ, mà phải chuẩn bị cho các trẻ biết cách xử sự trước mọi tình huống của cuộc sống, xử sự có suy nghĩ theo đạo lý xã hội.
 
Đánh giá được - mất
 

Đặc biệt là sách giáo khoa Lịch sử, người viết đã không có một cái nhìn trung thực khách quan với lịch sử mà lồng vào đó là tư tưởng triết học một chiều. Ngôn ngữ khi yêu thì ca ngợi dùng mỹ từ thật đẹp, khi ghét thì bôi xấu, hạ thấp. Bao nhiêu năm nay năm sách Lịch sử không thay đổi cách thức biên soạn và cách dùng ngôn ngữ, không khơi gợi được sự ham mê, trong khi môn học Lịch sử luôn tác động mạnh mẽ vào trong Văn học.

 

Cũng như vậy truyện Chí Phèo có mặt trong sách giáo khoa, theo tôi tuy phải sàng lọc mới hiểu đầy đủ, nhưng đủ sức lột tả dù là cái chất người hiếm hoi, chứ không phải chỉ nhìn thực trạng nông thôn cũ qua con mắt nhà văn, vậy thì phải nhờ thày cô là đúng rồi.

 

Thực trạng ngoài môi trường nhà trường thì không riêng gì nước nào, ở đâu cũng thế, các luồng văn hoá phủ trùm tràn ngập đường phố, bến xe, chợ búa, chắc chắn đa phần không phù hợp với sự dạy dỗ của nhà trường, và cả sự mong muốn của gia đình. Để rồi, do không có đủ kiến thức, sự hiểu biết văn hoá, xã hội nên đã dành chỗ cho bạo lực, mất nhân tính chiếm phần trong trái tim của trẻ.

 

Điều tương tự như vậy, tuy không phải chấp nhận bắt buộc khi dạy trẻ là cấm hẳn con em đọc sách này, đọc truyện nọ, mà phải chuẩn bị cho các trẻ biết cách xử sự trước mọi tình huống của cuộc sống, xử sự có suy nghĩ theo đạo lý xã hội, tương tự như chuyện tiêm vaccin ngừa cho trẻ.

 

Có điều là có các nhà xuất bản văn hoá và cụ thể là các tác phẩm mà một số nhà văn viết sách đang cho ra đời, thực sự làm người làm cha làm mẹ rất đau lòng, không muốn con cái mình phải "nếm thử". Có người hễ cứ "đẻ" được truyện nào, y như là phải có bạo lực, phải có lừa dối, có tình hờ... Điều đó không chỉ để làm gia vị mà thực sự là hồn cốt của truyện, thậm chí còn có người cố lý giải những điều phi đạo đức bằng giải thích đơn giản là vì hoàn cảnh. Đành rằng sách truyện về bạo lực trong đó cũng là một cái đẹp, theo định nghĩa chính thống của triết học của hai mặt nhân quả trong cùng một sự việc.

 

Xây dựng trên những thứ ấy, nếu không đủ trình độ thì nguy hiểm cho trẻ thơ học theo. Điều này thực sự là mong mỏi của các bậc cha mẹ. Mong các nhà thực sự gọi là nhà văn cân nhắc cái được và cái mất cho con trẻ, chứ đừng vì cái tôi, trước khi đưa truyện mình viết tung ra ngoài đời.

 

                                                                 Vũ Hữu Trác

 

LTS Dân trí - Cùng với thầy cô giáo ở nhà trường, cha mẹ là người có vai trò giáo dục hết sức quan trọng đối với trẻ em, nhất là nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng và đức tính nhân hậu cho các em.
 
Khi các em biết nghe truyện cổ tích, rồi tự đọc được truyện tranh và các loại truyện khác cũng như việc học những bài văn ở nhà trường, điều này để lại ấn tượng mạnh mẽ và bền vững trong tâm hồn trẻ em.
 
Vì vậy, việc chọn những tác phẩm để dạy ở nhà trường và cho các em đọc thêm rất cần sự hướng dẫn của người lớn, để các em thấy được chân giá trị của tác phẩm. Đấy không chỉ là trách nhiệm của các thầy cô giáo mà phụ huynh học sinh cũng có thể góp phần giúp các em phân biệt được cái thiện với cái ác, những hành động nào của nhân vật trong truyện đáng học tập và những hành động nào là manh tâm, độc ác đáng phê phán.
 
Viết ra những tác phẩm có giá trị, mang tính nhân văn và giáo dục và phù hợp với tâm lý trẻ em thật sự  là sứ mệnh cao quý đối với các nhà văn.