Ăn để mà sống hay sống để mà ăn?

Nói chuyện ăn uống vào đầu năm có người lại cho là phàm phu tục tử, nhưng thực ra điều này lại liên quan với triết lý sống mà chúng ta còn cần bàn luận. Vậy thực ra mệnh đề nào đúng: ăn để mà sống hay sống để mà ăn?

Nếu trả lời không khéo, có thể sẽ sa vào chủ nghĩa khoái lạc hay chủ nghĩa duy vật tầm thường hay chủ nghĩa hiện sinh.

 

Thực ra gốc rễ của vấn đề lại có nguồn gốc từ xa xưa. Những người cho rằng sống để mà ăn, để hưởng thụ các nhu cầu vật chất của cơ thể như ăn uống, sinh dục... lại xuất phát từ trường phái duy vật triệt để cổ đại ở Ấn Độ. Đó là trường phái triết học duy vật và vô thần triệt để nhất ở Ấn Độ cổ: trường phái Lôkayata, đại diện và là tiếng nói chính thức của những người lao động cổ.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Xuất phát điểm của họ ban đầu không phải là những người ham ăn tục uống như các nhà duy tâm đương thời quy kết. Song quả thật, khi mà đa số các trường phái triết học duy tâm Ấn Độ cổ đại đều đề cao cái tinh thần, ý thức và cuộc sống tốt đẹp ở các kiếp sau mà coi nhẹ yếu tố vật chất, cuộc sống trần gian thì việc các nhà duy vật đề cao yếu tố vật chất là một động thái hết sức tiến bộ của tư tưởng Ấn Độ lúc đó.

 

Không những thế, triết thuyết của trường phái Lôkayata còn phủ nhận kiếp trước, kiếp sau và đề cao cuộc sống con người nơi trần thế. Hãy nghe những tuyên bố hùng hồn của của họ khi chống lại tư tưởng của các phái duy tâm lúc đó để thấy được chí khí của họ: Hãy để cho những kẻ ngu ngốc ngồi nhấm nháp hương vị của kiếp trước, kiếp sau, của thiên đường, địa ngục...còn chúng ta những người duy vật thì chỉ có một cuộc đời thực trên trần thế này, đời người chỉ sống có một lần, nên con người cần phải tận hưởng cuộc sống nơi trần thế, không có gì phải kiêng cữ, kẻo mai sau chết đi lại luyến tiếc không được tận hưởng hương vị cuộc đời.

 

Xem thế, chúng ta nhận thấy tư tưởng của những người đề cao vật chất thời cổ đại là hoàn toàn đúng. Đó là bước phát triển hết sức tiến bộ của họ ở thời điểm đó và được tiếp tục phát triển trong các triết thuyết của các nhà duy vật thời Phục hưng và Khai sáng sau này để chống lại Chủ nghĩa duy tâm và nhà thờ.

 

Đó là ý nghiã tiến bộ của việc đề cao yếu tố vật chất trong lịch sử trước đây. Nhưng thời hiện đại nếu đề cao quá mức yếu tố vật chất đến mức coi nó như là một triết lý: sống để mà ăn thì liệu còn đúng không? Thậm chí cực đoan như những người theo Chủ nghĩa Hiện sinh khi đề cao hưởng thụ các nhu cầu vật chất là trên hết thì chắc chắn sẽ sa vào sai lầm nghiêm trọng. Một tư tưởng như thế tưởng chừng như nó chỉ tồn tại mãi ở đâu đó bên trời Âu Mỹ xa xôi, song thực chất nó đã hiện diện từ lâu và khá phổ biến ở nước ta từ thời Mỹ nguỵ ở miền Nam trước đây và lan ra đến tận nay ở nước ta.

 

Hãy nhìn vào các quán xá nơi người ta đua nhau nhậu nhẹt: dô... dô.. với các kiểu ăn uống phá đời mà báo chí đã nêu. Và sau màn một lại tiếp tục đến màn hai và ...màn ba. Đó chẳng phải là biểu hiện của lối sống gấp của không ít người ở đủ mọi lứa tuổi hiện nay là gì? Phải chăng đó là thứ văn hoá nhậu ở nước ta? Đành rằng, con người có những lúc cần phải nhâm nhi cùng với bạn bè để thư thái hay sau một thắng lợi hoặc tổng kết một công việc nào đó, cần có những buổi liên hoan để tưởng thưởng. Hành vi đó là đúng và hoàn toàn chính đáng. Song chiều nào cũng như chiều nào, có người không dô...dô... là không chịu được thì lúc đó nhậu đã biến tướng thành cái khác. Nhậu xong để lấy khí thế đua xe, để hưởng lạc và vừa nhậu vừa lắc và vào nhà nghỉ...Cái gì sẽ đến sau đó chắc chúng ta không khó đoán ra. Nhất là những kẻ con ông, cháu cha, các cậu ấm, cô chiêu, cậy thế bố mẹ nhiều tiền, lắm của đang triền miên sa vào chát chít, nhậu nhẹt và lắc rồi nhà nghỉ..nghiện ngập..trộm cắp..nhiễm HIV...thì cuộc đời của họ đúng là sống gấp thật rồi.

 

Trên các trang web, các blog... được các nhà báo lọc lại thấy không ít người trẻ tuổi than chán đời, chán học, chỉ ham chơi rồi quậy phá, hút hít rồi quay ra chán đời vì họ không thấy được niềm vui gì lâu bền trong đó. Họ đã sa vào cuộc sống... hiện sinh - tức sống gấp như trường phái Hiện sinh trước đây. Song cần hiểu rằng chủ nghĩa hiện sinh có nguồn gốc ra đời sau hai cuộc chiến tranh thế giới, phản ánh tâm lý chán chường, bi quan, trước những mất mát lớn lao của con người do chiến tranh. Còn hiện nay, không có chiến tranh, tại sao lớp trẻ lại chán đời và hiện sinh? Câu hỏi này chắc không dễ trả lời ngay một lúc mà cần phải có sự nghiên cứu cẩn thận, ít ra cũng là đề tài để các nhà xã hội học và đạo đức học quan tâm đến.

 

Sống làm sao cho xứng đáng trên đời, “để lại chút danh gì với núi sông” như Nguyễn Công Trứ nói, hay như Paven Cóocsaghin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” từng có câu nói nổi tiếng với đại ý: Người ta chỉ sống có một lần, cho nên phải sống sao cho xứng đáng. Không làm được điều gì to tát để đời thì ít ra cũng không nên gây ra tai hoạ để người đời phải phiền muộn, trước hết là cha mẹ, vợ con mình phải đau khổ. Chắc chắn nhiều người có lương tri sẽ đồng ý, sống không phải với mục đích để ăn nhậu, chơi bời, hưởng thụ mà sống vì những mục tiêu lương thiện, để làm những điều có ích cho gia đình cho xã hội. Và điều không cần bàn cãi là để sống có ích cho đời thì con người cần phải có tri thức, có kỹ năng bằng cách không ngừng học hỏi, phấn đấu và rèn luyện trong thực tiễn cuộc sống.

 

TS.Trần Hồng Lưu,

Khoa Mác-Lênin, Đại học Kinh tế Đà Nẵng

 

LTS Dân trí - Ăn vốn là một nhu cầu thiết yếu của con người.Ai cũng cần ăn no và muốn được ăn ngon. Nhưng đấy không phải là nhu cầu duy nhất, càng không phải là nhu cầu cao nhất đối với con người. Chính điều này đã phân biệt con người với con vật.

 

Nhưng rất đáng tiếc trong xã hội văn minh ngày nay, vẫn còn không ít người quá coi trọng miếng ăn, dường như họ sống chỉ để nhậu nhẹt tối ngày; đêm nào cũng tận khuya mới trở về nhà trong tình trạng say xỉn, trở thành tấm gương phản diện hết sức xấu đối với con cái. Không thiếu những gia đình tan nát vì người chồng bê tha. Nhiều tệ nạn xã hội cũng bắt đầu từ chuyện ăn nhậu, rủ rê nhau làm nhiều chuyện bậy bạ, phi luân thường đạo lý và vi phạm pháp luật, để cuối cùng rủ nhau vào… bóc lịch trong trại giam!

 

Đầu năm mới nhắc nhau đừng ăn nhậu quá đà mà sinh chuyện thiết tưởng cũng không phải là thừa. Tổ chức cái Tết sao cho đầm ấm, vui vẻ và không sa hoa lãng phí - đấy là cái Tết văn minh mà mọi người nên hướng tới.