Xung quanh những khiếu kiện tại Vigecam:

Ai sẽ giúp Vigecam ổn định để phát triển?

Là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp (Vigecam) đã khá “nổi tiếng” với vụ án tham ô tài sản của nguyên Tổng Giám đốc Trần Văn Khánh.

Sau khi vụ án được khởi tố, Bộ NN&PTNT đã kiện toàn lại bộ máy lãnh đạo tại đơn vị này. Tuy nhiên, dường như Vigecam vẫn không thoát khỏi cái “dớp” khiếu kiện. Vì sao vậy?
 
Sẽ không bao giờ ổn định được …

Có thể nhận định rằng, những tồn tại mà vị Tổng Giám đốc cũ để lại là nguồn cơn “cơ bản” của những khiếu kiện mới ở đây, khi mà bộ máy lãnh đạo mới của Vigecam chỉnh đốn lại những quyết sách cũ, có biểu hiện làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Và, cú đánh đầu tiên và cho đến tận bây giờ là nhằm vào ông vị Tổng Giám đốc Vigecam, sau thời ông Khánh. Nội dung là ông này không đủ tiêu chuẩn mà vẫn tham dự thi, trúng tuyển và tốt nghiệp trường Đại học Ngoại thương. Bộ NN&PTNT vào cuộc và trả lời tố cáo này là không đúng. Nội dung này bị tái tố nhiều lần. Ngày 19/12/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có ý kiến chính thức (tại Văn bản 9482/BGDĐT-VP) khẳng định việc học tập của ông Tổng Giám đốc là đúng quy định.

Chưa xong, khi gộp được nhiều nội dung “sai phạm” khác trong điều hành đơn vị, đơn thư tiếp tục được gửi lên Thủ tướng Chính phủ. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ đã thành lập đoàn thanh tra và có Kết luận 2613/KL-TTCP ngày 1/9/2010.

Ngày 18/10/2010, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản 7449/VPCP-KNTN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: Giao Bộ NN&PTNT chỉ đạo xử lý, khắc phục những thiếu sót, tồn tại của Vigecam; Vigecam giải quyết cụ thể khiếu nại của 12 hộ dân về việc mua căn hộ tại Dự án 53 căn hộ phường Dịch Vọng và xử lý dứt điểm việc một số hộ dân lấn chiếm đất để tiếp tục Dự án Công viên giải trí Đống Đa.

Giám sát việc thực hiện chỉ đạo này, ngày 16/6/2011, Bộ NN&PTNT đã có Văn bản 1697/BNN-TTr về việc báo cáo kết quả xử lý sau thanh tra gửi Văn phòng Chính phủ. Theo đó, Vigecam đã khắc phục những thiếu sót, tồn tại, giải quyết dứt điểm khiếu nại của 12 hộ dân. Hiện đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết dứt điểm những tồn tại cũ của Dự án Công viên giải trí Đống Đa. Báo cáo này cũng đã được Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đồng ý.

Tuy nhiên, sau đó còn có nhiều đơn thư nữa được gửi đi nhiều nơi cho rằng, việc triển khai thực hiện kiến nghị của Kết luận 2613/KL-TTCP là chưa nghiêm túc, sai phạm… Sau khi rà soát nội dung đơn thư, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã có văn bản báo cáo. Theo đó, Bộ và Vigecam đã và đang thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng. Báo cáo này tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và yêu cầu Bộ NN&PTNT sớm có biện pháp ổn định cho Vigecam phát triển tại Văn bản 8395/VPCP- KNTN ngày 24/11/2011.

Thực tế là vậy, nhưng những khiếu kiện (hoặc những ý kiến mang nội dung khiếu kiện cũ) được ẩn dưới nhiều hình thức khác nhau tiếp tục được “lan truyền” đi nhiều nơi, thậm chí là đến cả Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 3 đang diễn ra. Và, đương nhiên để “giải trình” các ý kiến kiểu này, Vigecam khó mà ổn định, chứ nói gì đến phát triển như chỉ đạo của Thủ tướng.

… Nếu Vigecam chấp nhận để mất tài sản Nhà nước!?

Báo Thanh tra là một trong những cơ quan báo chí đầu tiên tuyên chiến với những sai phạm của lãnh đạo Vigecam từ thời ông Khánh, khi sát cánh với Người đương thời Lê Thiên Long đưa vụ việc ra ánh sáng. Những sai phạm của ông Khánh (được    xác định là nguyên nhân gây nên tình trạng như hiện nay) cũng từng được chúng tôi phản ánh, phân tích từ nhiều năm trước. Đó là việc tranh chấp cổ phần tại Công ty Bảo hiểm Bảo Minh; kiên quyết không chấp nhận việc góp vốn bằng tài sản của Vigecam để thành lập Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Vinacam (vốn là chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh)… thời ông Khánh.

Theo tài liệu mà chúng tôi có được, việc góp vốn này có dấu hiệu làm trái các quy định pháp luật, làm thất thoát tài sản của Nhà nước. Đó là việc góp vốn bằng tòa nhà 28 Mạc Đĩnh Chi, quận 1, TP Hồ Chí Minh và gần 50ha vườn cao su Phú Giáo, tỉnh Bình Dương và nhiều tài sản khác…

Vào năm 2008, khi xử lý các tồn tại của đơn vị này, Thanh tra Bộ đã yêu cầu Vigecam báo cáo. Theo báo cáo của Vigecam, thấy có dấu hiệu sai phạm, Thanh tra Bộ đã chuyển nội dung “góp vốn và bán cổ phần của Vigecam cho Vinacam” tới Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C37).

Ngày 2/3/2009, C37 có Văn bản 106/C37 (P3) gửi UBND TP Hồ Chí Minh với nội dung: …Trong quá trình điều tra vụ án tham ô tài sản và cố ý làm trái… xảy ra tại Vigecam, C37 thấy có việc Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP HCM ký các hợp đồng cho chi nhánh của Vigecam (là Vinacam, có sự ủy quyền của Vigecam) thuê nhà số 28 đường Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1; rồi sau đó ký biên bản thanh lý thuê nhà này trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng về quyền lợi của Nhà nước. C37 đề nghị hủy biên bản thanh lý hợp đồng này, các bên Vinacam - Vigecam - Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP họp, thống nhất thuê nhà dưới sự chủ trì của UBND TP HCM. Đề nghị UBND TP HCM thông báo lại kết quả giải quyết cho C37.

Cũng trong ngày này, C37 có Văn bản 107 gửi Thanh tra Bộ NN&PTNT với ý kiến: Việc góp vốn và bán cổ phần của Vigecam tại Vinacam đã được Bộ Tài chính xác định không đúng với Quy chế quản lý tài chính của công ty Nhà nước và các văn bản pháp luật khác. Vì việc này không liên quan đến vụ án mà C37 đang điều tra và thời hạn điều tra đã hết nên chuyển lại nội dung trên để Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra, nếu thấy có dấu hiệu tội phạm tham nhũng thì chuyển lại cho C37 tiến hành điều tra theo thẩm quyền.

Dấu hiệu sai phạm đã có, nhưng các ý kiến của C37 vẫn chưa được UBND TP HCM và Thanh tra Bộ NN&PTNT thực hiện. Nguyên nhân đã rõ và muốn yên ổn, chắc Vigecam chỉ còn nước… chấp nhận (?).
Theo Báo Thanh tra