Ai giải bài toán việc làm cho sinh viên sư phạm?

Một thực tế buồn của ngành giáo dục hiện nay là người giỏi không thi vào sư phạm dẫn đến chất lượng người thầy giảm sút, và hệ quả tiếp theo là không đào tạo được đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đã thế, sinh viên sư phạm ra trường rất khó xin được việc làm, và khi được làm thầy thì chưa được đãi ngộ tương xứng, đời sống khó khăn, không thế tập trung tâm trí cho công việc... Những tồn tại đó cần sớm được giải quyết, tạo tiền đề cho công cuộc cải cách giáo dục sâu rộng và toàn diện - một yêu cầu không thể chậm trễ hơn.

Thực trạng buồn

Một cán bộ làm công tác tuyển sinh lâu năm của Trường ĐH sư phạm TPHCM cho biết, vài năm gần đây số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào trường sư phạm giảm mạnh, tỷ lệ “chọi” rất thấp, điểm chuẩn cũng giảm nhiều. Cụ thể, năm 2000, có 42.300 HS đăng ký vào trường. Sau đó, HS giảm dần đến năm 2009 còn 24.500 và năm 2010 là 12.856”.  Đó là thực trạng chung của các trường sư phạm.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Điểm lại kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ trong 5 năm gần đây có thể thấy điểm chuẩn vào các trường như Y dược, Ngoại thương, Bách Khoa, Kinh tế... luôn ở mức cao ngất ngưởng, thì điểm chuẩn vào trường sư phạm rất thấp, chỉ bằng hoặc cao hơn điểm sàn của Bộ GD-ĐT một ít. 5 năm nay, điểm sàn của bộ luôn ổn định ở mức 13-14 điểm. Như vậy, phần lớn thí sinh thi vào sư phạm học lực chỉ ở mức trung bình, thậm chí dưới trung bình! Điều này khiến dư luận xã hội lo ngại về chất lượng người thầy. Tôi tin lo ngại ấy là có cơ sở, bởi lẽ nhiều năm hướng dẫn chuyên môn cho sinh viên năm cuối trong các kỳ thực tập sư phạm tôi nhận thấy chất lượng sinh viên ngày càng giảm.

Nguyên nhân

Chất lượng người thầy giảm sút do không thu hút được người giỏi thi vào ngành sư phạm đang là điều trăn trở của nhiều người tâm huyết với giáo dục nước nhà. Không quá khó để chỉ ra nguyên nhân của thực trạng bi quan đó. Bởi lẽ, học sư phạm xong rất khó xin được việc, và khi được làm thầy rồi thì lương thấp, đời sống khó khăn. Hiện chưa có một thống kê cụ thể có bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp sư phạm ra trường chưa có việc làm hoặc phải làm trái nghề, nhưng chắc chắn số người thất nghiệp hoặc phải làm trái nghề không ít.

Người viết có quen biết một cử nhân tốt nghiệp ĐHSP Đà Nẵng năm 2007 ngành Ngữ văn, loại khá, sau hơn 2 năm trời nộp hồ sơ xin việc khắp nơi mà không nơi nào nhận đành chấp nhận làm trái trái nghề: bán hàng ở siêu thị, bỏ phí 4 năm đại học. Còn người viết bài này, tốt nghiệp ĐHSP Huế năm 2002, may mắn xin được việc làm, đi dạy có thâm niên gần 10 năm nhưng cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau do đồng lương quá eo hẹp. Mang danh là giáo viên, là trí thức nhưng tết đến không lo được cho gia đình cái tết tươm tất, chẳng lo được gì cho ba mẹ, bởi tiền thưởng tết cho giáo viên chỉ là ký hạt dưa, gói mì chính, chai dầu ăn, chai nước mắm... Trong khi đó, đứa em làm công nhân  nhưng năm nào cũng đưa cho mẹ mấy triệu đồng sắm tết.

Giải pháp

Người giỏi không thi vào ngành sư phạm dẫn đến chất lượng người thầy giảm sút; sinh viên sư phạm ra trường rất khó xin viêc, và khi được làm thầy thì chưa được đãi ngộ tương xứng, đời sống khó khăn...là những vấn đề nhức nhối nhiều nhà chức trách nhìn thấy nhưng không thấy ai có động thái giải quyết mà cứ để tồn tại nhiều năm qua gây lãng phí cho người học và xã hội. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến tiền đồ của dân tộc. Do đó, cần sớm giải quyết bài toán chất lượng và việc làm cho sinh viên sư phạm, tạo tiền đề cho công cuộc cải cách giáo dục sâu rông và toàn diện – một yêu cầu không thể chậm trễ hơn như đề nghị của nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trong bài góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI.

Thu hút người giỏi thi vào ngành sư phạm từ đó nâng cao chất lượng người thầy là điều không khó, chỉ cần có chế độ đãi ngộ tương xứng, đồng lương đảm bảo cuộc sống tự khắc người tài sẽ đổ về theo quy luật “nước chảy chỗ trũng”. Còn giải quyết bài toán việc làm cho sinh viên sư phạm, bộ GD – ĐT cần làm hai việc sau. Thứ nhất, yêu cầu các địa phương rà soát lại tình hình thừa thiếu giáo viên báo cáo số liệu cụ thể để có kế hoạch tuyển dụng, điều động, phân bổ giáo viên hợp lý. Thứ hai, yêu cầu các trường đào tạo ngành sư phạm thống kê cụ thể số liệu sinh viên tốt nghiệp chưa xin được viêc làm hoặc phải làm trái nghề. Trên cơ sở đó, bộ phân bổ chỉ tiêu đào tạo sư phạm cho các trường một cách hợp lý, nhất thiết phải chấm dứt tình trạng đào tạo tràn lan không quan tâm đến nhu cầu thực tế như hiện nay.

Mong lắm thay!

 

                    Phạm Được

GV Trường THPT Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng

 

LTS Dân trí - Giải bài toán về chất lượng và việc làm cho sinh viên sư phạm quả thật là công việc hệ trọng vì điều đó quyết định chất lượng của đội ngũ Người Thầy là yếu tố nền tảng, có ý nghĩa tiền đề cho việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.

Giải bài toán trên đây thuộc về trách nhiệm của các nhà lãnh đạo và quản lý ở tầm vĩ mô, trước hết là Quốc hội và Chính phủ. Không thể để kéo dài tình trạng bất hợp lý về chế độ lương bổng nói chung, nhất là đối với người Thầy giáo và Thầy thuốc. Mặt khác, cần có chính sách ưu tiên đối với việc tuyển chọn sinh viên sư phạm và gắn việc đào tạo với sử dụng trên cơ sở lập kế hoạch đào tạo sát với nhu cầu thực tế như kiến nghị của tác giả viết bài trên đây.