Ai chịu trách nhiệm lo Tết cho Thầy Cô giáo?

(Dân trí) - Mặc dù không phải là giáo viên, nhưng khi đọc bài trên Diễn đàn Dân trí, tôi vô cùng cảm ơn Tòa báo đã quan tâm đến đời sống của đội ngũ các Thầy Cô giáo, nhất là trong những ngày sắp đến Tết.

Bạn đọc Lê An:

Bao nhiêu cải tổ, cải cách, giáo viên là những người chiến sĩ âm thầm, ươm trồng những mầm non nhân tài cho đất nước…vậy mà phải ngậm ngùi mỗi khi Tết đến! Tôi cũng như nhiều người khác luôn phải trăn trở về điều này.  Đất nước mình đang trên đà phát triển và đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, không thể để cho một bộ phận những người hưởng lương nhà nước chịu nhiều thiệt thòi như đội ngũ giáo viên. Tôi mong Chính phủ có sự đầu tư và hỗ trợ thích đáng  cho Ngành giáo dục, cho nhiệm vụ “trồng người”. Bảo rằng ngân sách Nhà nước còn eo hẹp cũng không đúng. Hãy chi dùng đúng chỗ và tiết kiệm, đừng để thất thoát những vụ như Vinashin...thì chắc chắn chúng ta sẽ đầu tư tốt hơn cho sự nghiệp giáo dục và chăm sóc tốt hơn đời sống các Thầy Cô giáo.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Năm mới sắp đến rồi, tôi xin kính chúc Ngành giáo dục và tất cả các Thầy Cô giáo hãy giữ vững niềm tin để chăm lo phát triển sự nghiệp “trồng người” và công lao của các Thầy Cô sẽ  được đền đáp.

Bạn đọc Đào Công Hữu:

Tôi cũng là một giáo viên, khi đọc bài báo này, bản thân tôi không cầm được nước mắt vì tủi thân và buồn mỗi khi tết đến.Tết đến, không chỉ riêng tôi mà đồng nghiệp của tôi đều chua xót và ngậm ngùi trước sự khen thưởng động viên của các ngành nghề khác. Nào là họ được thưởng những vài trục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Ngành nào thấp thì có tháng lương 13 trong khi đó ngành giáo dục được sự "quan tâm ưu đãi đặc biệt" nhưng chỉ quan tâm bằng…lời động viên!

Nhiều vị lãnh đạo nói rằng: "nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý" và là nghề đào tạo ra lực lượng lao động chủ chốt và nhân tài cho đất nước. Tôi nghĩ rằng nói phải đi đôi với làm.

Tôi mong sao Đảng và Nhà nước cần có chính sách thỏa đáng đối với đội ngũ giáo viên,  thưởng tết sao cho xứng đáng với công lao giáo dục lớp lớp thế hệ trẻ cho mọi gia đình và vun đắp cho tương lai của đất nước.

Bạn đọc Đao Kien:

Tôi là một giáo viên đã nghỉ hưu tại tỉnh Điện Biên khi đọc bài viết này tôi thấy rất đúng và thật lòng muốn chia sẻ với các thầy cô giáo, đặc biệt là những giáo viên ở vùng sâu, vùng xa như chúng tôi. Trước hết, xin nói qua về tỉnh Điện Biên: Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi còn nhiều khó khăn của vùng Tây Bắc, với dân số chưa đến 500.000 người; 90% ngân sách là do Trung ương cấp. Do đó đời sống nhân dân còn rất vất vả. Đội ngũ giáo viên của tỉnh Điện Biên chịu khó khăn nhiều bề. Cùng với  khó khăn về đời sống ở vùng sâu, vùng xa,  sống bằng đồng lương ít ỏi (Chưa hết tháng đã hết tiền) còn phải chia sẻ gánh nặng này với học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, dân trí thấp, đời sống khó khăn, ăn đói mặc rét, vận động các em đến trường và không bỏ học giữa chùng là điều càng khó khăn hơn.

Sự khó khăn vất vả sẽ được vơi đi rất nhiều nếu nhận được sự cảm thông chia sẻ của đội ngũ các nhà quản lý giáo dục (Từ Ban GH nhà trường tới lãnh đạo phòng giáo dục) nhưng không ít hiệu trưởng luôn coi mình như ông VUA CON, đòi hỏi quà biếu và bắt bẻ giáo viên từng li từng. Giáo viên không may bị ốm, rồi con ốm đau cũng không dám nghỉ (nếu muốn nghỉ thì phải mang phong bì đến nhà hiệu trưởng xin mới được nghỉ).

Mỗi khi tết đến xuân về người người, nhà nhà mừng vui đón tết thì giáo viên trên vùng cao này lại lo lắng vì đã không được thưởng Tết lại mất thêm một khoản chi phí để đi mừng tết hiệu trường, tết phòng giáo dục … Nếu trước tết không “đi thăm” các Sếp lập tức sau tết sẽ gánh chịu những hậu quả thật khó lường!   

Bạn đọc Chí Hiếu:

Bố mẹ tôi đều là giáo viên cấp 2, ở nông thôn nên mỗi tháng lương có khi không đủ để đi ăn cưới, nhất là những tháng cuối năm, cỗ bàn liên tục, mỗi đám cỗ cưới ít nhất là 100k rồi, chưa kể tiền sinh hoạt, nuôi con đi học, chăm sóc 2 ông bà nội nữa. Mỗi dịpTết, thường bố mẹ tôi được lĩnh liền 2 tháng lương, nhưng sợ tiêu Tết nhiều, tháng sau hết tiền cho nên  phải chi tiêu rất tiết kiệm . Ở quê tôi, nông dân còn có tiền bán khoai, rau...tự nhiên cũng dư ra 1 khoản để tiêu dùng khi cần thiết.Bố mẹ tôi tuy đi dạy học, vẫn làm ruộng để lấy thóc ăn và  trồng  ít rau ăn. Sống đắp đổi lần hồi như vậy, mới có tiền lo cái Tết đạm bạc và có tiền cho con sau tết trở lại trường.

Thường dịp Tết, cha mẹ tôi cũng dược  xã tặng phong bì 200k có thể quy đổi ra 1 hộp mứt, 1 hộp chè, 1 chai vang Thăng Long là hết... Nhưng gia đình tôi vẫn đón tết vui vẻ, đầm ấm.

Bạn đọc Hoàng Thị Loan:

Tôi là một giáo viên ở Quảng Nam. Mỗi khi gần đến Tết cổ truyền trên các trang báo lại nêu nội dung này. Tôi cũng đã tham gia nhiều ý kiến về vấn đề thưởng tết cho giáo viên trên các trang báo với mong muốn của “người trong cuộc”, hiểu hơn ai hết về công việc và đời sống của giáo viên, được bày tỏ nguyện vọng của giáo viên có được một khoản tiền để trang trải khi Tết đến, xuân về.

Thế nhưng từ nhiều năm qua vấn đề này chưa có gì chuyển biến đáng kể.

Tôi tự nhủ lòng mình và mong rằng các anh chị đồng nghiệp cũng suy nghĩ như tôi, chúng ta tin rằng lời nói đúng sẽ có ngày các cấp lãnh đạo phải lắng nghe và  tìm cách giải quyết thỏa đáng.  Chúng ta hãy sống và làm việc như những năm qua đã từng làm cho sự nghiệp “trồng người”. Mong rằng các anh chị ở các ngành khác cũng đừng cho rằng chúng tôi kêu ca phàn nàn về nghề mà mình đã lựa chọn. Tôi muốn các ngành chức năng cũng đừng cho rằng chúng tôi đòi hỏi nọ kia mà chỉ muốn có sự đối xử công bằng và xứng đáng với công việc “trồng người” mà chúng tôi đang gánh vác.

Bạn đọc Lý Tuân:

Bản thân tôi là một giáo viên THCS ở Lạng Sơn còn rất trẻ, mới công tác được 5 năm. Từ nhà tôi tới trường có lẽ đi xe máy phải mất gần 1 tiếng đồng hồ. Nếu trông chờ vào đồng lương giáo viên để dành dụm mua xe máy thì không biét đén  bao giờ mới mua được.Quá trình công tác 5 năm qua, tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.Nhưng mỗi khi nghĩ đến đồng lương để trang trải cho sinh hoạt của mình thì chỉ biết ngồi buồn mà thôi. Lương giáo viên bèo bọt quá, bao giờ mới mua được xe máy, làm được ngôi nhà cấp 4 để có chỗ nương thân. Trước mắt, dịp Tết này lấy tiền đâu để chi tiêu và  biếu bố mẹ …Thiết nghĩ nhà nước ta , và các cấp chính quyền nên quan tâm nhiều hơn đến ngành giáo dục và chăm lo tốt hơn đời sống của các thày cô giáo, nhất là mỗi khi Tết đến xuân về…

Bạn đọc Vũ Hữu Đức:

Cứ cuối năm dương lịch, các phương tiện thông tin lại rộ lên vấn đề tiền thưởng. Nghe thông báo tiền thưởng của các ngành khác thật là sướng cái lỗ tai. Nhưng nghe xong thì những người làm nghề giáo lại thật buồn.

Cùng đào tạo số năm tương đương nhau nhưng nhân viên của các đơn vị kinh tế có mức thu nhập cao gấp nhiều lần những người đang làm ở ngành giáo dục.

Phải nói một cách thành thực rằng: lao động trong ngành giáo dục là một loại lao động đặc biệt vất vả (đôi khi còn nguy hiểm vì gặp phải tình trạng học sinh hư). Các thầy cô tối mắt tối mũi nhưng chẳng còn có gì ngoài đồng lương. Chỉ có một số ít giáo viên thành thị hoặc giáo viên dạy môn chính của cấp 2, cấp 3 là sống đủ, còn lại là thiếu thốn trăm bề.

Cứ bảo lương giáo dục cao nhất trong hệ thống thang bảng lương công chức viên chức. Nhưng ai ở trong ngành mới biết đó không phải là sự thật. Một thầy cô giáo có trình độ đại học, dạy lâu năm (15 năm trở lên) mới được hơn 3 triệu /1tháng. Trong khi đó một anh công nhân phổ thông mới đi làm cũng được số tiền gần như vậy.

Chưa dám so với những người kế toán mới ra trường thì thật là một trời một vực. Cô học sinh mà tôi dạy cách nay chục năm, giờ cô ấy đi học ở trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh có bằng kế toán, cô ấy làm cho công ty hơn 4 triệu đồng/1tháng. Với số lương đó, giáo viên trình độ đại học, công tác 20 năm không bị kỉ luật may ra mới đạt được.

Nói đến thưởng Tết các ngành kinh tế, có người được vài trăm triệu đồng, người bét nhất là công chức hạng thường của bưu điện cũng được hơn chục triệu. Đấy là những thứ tiền ngoài lương. Các ngành còn có tháng lương thứ 13. Ngành giáo dục cũng có tháng lương thứ 13 nhưng là gần Tết, các trường đề nghị kho bạc cho anh em lĩnh liền 2 tháng lương để tiêu Tết, ra sau Tết anh em nhịn. Nghiã là tháng lương thứ 13 của giáo dục là tháng lương của mình ở tháng sau nhưng được cho lĩnh vào tháng trước. Thật cay đắng. Thầy cô được tháng lương "hơi" thứ 13.

Mỗi năm Tết đến, có trường cho được 300 000 đồng, có trường 500 000 đồng nhưng đó lại là " mỡ của thầy cô đem rán thầy cô". Các khoản đó là do các thầy cô tự bóp mồm bóp miệng, dè xẻn chi tiêu để có gói quà cho chính mình mang về Tết với gia đình.

Nhiều vị quan chức cứ lớn tiếng: "giáo dục là quốc sách hàng đầu". Thử hỏi những khẩu hiệu đó có thể hiện trong thực tế không? Sao con cái các vị quan chức chẳng thấy ai vào ngành giáo dục. Họ nói là một chuyện nhưng họ thừa biết và không bao giờ cho con họ vào ngành giáo dục cho khổ.

Nhiều người lầm tưởng các trường hiện nay có rất nhiều khoản thu chính thức cũng như không chính thức. Khoản chính thức là học phí (từ cấp 2 trở lên) hoặc tiền học buổi thứ hai (cấp 1). Khoản không chính thức là các khoản kêu gọi tài trợ hoặc vận động phụ huynh "tự nguyện" ủng hộ nhà trường. Nhưng xã hội đừng nghĩ các thầy cô giáo trực tiếp thu, trực tiếp giảng dạy được hưởng phần lớn số tiền ấy nhé. Nghĩ thế là oan cho các thầy cô, là có tội đấy.

 Các thầy cô thu tổng cộng mỗi năm hàng chục triệu tiền các khoản, ấy mà thầy cô chỉ được hưởng sự bố thí của "cấp trên" của mình số tiền không đáng là bao.

Giả sử nhà nước cho giáo viên được hưởng theo một tỷ lệ A% nào đó của số tiền mình thu được theo quy định thì các trường có "sáng kiến" động viên anh em kí hộ vẫn nhận đủ số tiền theo nhà nước quy định nhưng thực tế "nhận được  một phần năm số tiền A ấy đã là quá may mắn" . Còn lại bốn phần năm số tiền A chẳng biết đi đâu.

Ai cũng phải kí nhận đủ để được yên thân tránh bị làm khó. Ai không kí sẽ bị quy tôi nổi loạn và coi chừng sẽ bị tiêu diệt. Vì vậy mọi người nhắm mắt kí và coi đó là việc làm công đức.

Tưởng bớt xén nhiều như thế thì Tết anh em có được "gói mỡ của chính mình to hơn một chút" nhưng không. Thật bất công.

Bất bình về những chuyện làm khuất tất đó, nhưng tôi vẫn cố gắng làm tốt phận sự mà nhân dân giao phó, dạy dỗ các em cho đáng đồng tiền của dân bỏ ra đầu tư cho giáo dục.

Và mong muốn lớn nhất của tôi là :

"Thầy cô giáo sống được bằng lương của mình, nhà trường là nơi chuyên dạy và học chứ không phải nơi thu tiền, nơi ăn chia, nơi phân chia quyền lợi".

Bạn đọc Thu Hoài:

Mỗi lần tết đến, xuân về. Không nói tới thì thôi vì chúng tôi - những giáo viên - thời điểm này thật bận rộn. Tan trường về nhà, ra ngõ nghe người ta bàn tán chuyện thưởng tết lại thấy chạnh lòng, tủi phận. Đã bao lần cái tết về, cứ nghĩ đến chi tiêu lại thấy sợ. Vâng, tôi sợ tết. Chỉ mấy ngày thôi mà đã tiêu vèo đi hai tháng lương (kể cả tiền lương tháng ứng trước).

Nhớ lại những đận mới ra trường, mới lập gia đình, tôi cũng còm cõi cóp nhặt được một món gọi là kha khá so với tôi, với mức lương của tôi, vậy mà tết vèo qua, thế là hết, hết sạch. Buồn quá! Tiếc quá ! mặc dù vẫn biết là mình tiêu vào những việc chính đáng như biếu tết ông bà, bố mẹ của hai bên, mừng tuổi các bà, các bác, các cháu trong họ gần, rồi gửi tết cha mẹ. Với gia đình, tôi chỉ dám sắm một chút gọi là cho con đỡ tủi thân. Cũng là quất, nhưng bao giờ cũng chỉ dám chọn cây bé nhất vườn, rẻ nhất vườn. Vẫn là đào, chỉ dám đựng vào cái lọ con cho khỏi phải chọn cành to. Gà một con cúng giao thừa. Bánh trưng bốn chiếc đủ thắp hương ba ngày tết. Quần áo mới cho con, đương nhiên là phải có. Còn bố mẹ thì…. Nhớ lại ngày xưa còn ở với ông bà, chẳng có năm nào là bố mẹ không có quần áo mới. Cho tới tận lúc lấy chồng đấy, con yêu à. Bánh kẹo thì may thay dù là ít nhưng hầu như năm nào cũng được phụ huynh biếu tết. Bọn trẻ con năm nào cũng nhắc: Cô ơi ! tết con đến nhà cô chơi nhé ! ... Cảm động đấy, mừng đấy nhưng buồn lắm đấy. Tết ơi !

Tôi chẳng trách chi ban giám hiệu, công đoàn hay bất cứ một ban ngành nào đó vì có khoản nào để chi cho tết của giáo viên đâu. Đừng đòi hỏi họ quá, họ cũng có cái khó của họ. Ước chi ngành của tôi cũng giống như các ngàng khác, đàng hoàng mà nhận thưởng tết có hơn không!

Lại một lần nữa tết về!!! Lại một lần nữa thấy rưng rưng!!!

 

LTS Dân trí - Đọc những dòng tâm sự của các Thầy Cô giáo trong những ngày giáp Tết, chắc ai cũng phải thấy mủi lòng, chia sẻ những suy tư trăn trở của các Thầy Cô. Điều đó lại một lần nữa nhắc nhở các cấp chính quyền và các cấp quản lý giáo dục cần quan tâm nhiều hơn và có những biện pháp chăm lo thiết thực đời sống    lo Tết cho các Thầy Cô giáo.

Đáng mừng là trong khó khăn chung của ngành giáo dục, vẫn có nơi lo Tết cho giáo viên tương đối chu đáo như TP. Hồ Chí Minh. Đấy là do có sự quan tâm từ cấp lãnh đạo thành phố cho đến sự năng động sáng tạo của lãnh đạo mỗi trường giúp cho việc tạo quỹ thưởng cuối năm từ nhiều nguồn.

Mong rằng kinh nghiệm của TP. Hồ Chí Minh sẽ được các nơi khác vận dụng sáng tạo và phù hợp với hoàn cảnh của mình. Mặt khác, nhà nước ta cần đặc biệt quan tâm hỗ trợ đời sống của những giáo viên ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, nhất là trong dịp Tết đến xuân về.