190 tỷ USD cho Hà Nội: nhìn từ phía người dân

(Dân trí) - Được sống trong một thành phố hiện đại, văn minh là điều ai cũng ước ao. Nên khi đất nước huy động một khoản tiền khổng lồ cho quy hoạch tổng thể phát triển KTXH Hà Nội, nhiều người dân đã gửi ý kiến tham gia.

Quy hoạch thành phố
 
Dù không sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nhưng được sống, học tập và làm việc tại thành phố trái tim này của đất nước, ai chẳng cảm thấy mến yêu, tự hào.... Nhưng bên cạnh đó cũng có những điều khiến rất  người dân băn khoăn.

 

“Đầu tư để xây dựng thủ đô hiện đại, văn minh và là bộ mặt của đất nước là rất quan trọng, nhưng đừng xây xong lại đập đi sẽ rất lãng phí tiền của. Đặc biệt phải mạnh tay với tham quan, không thì 190 tỉ để đầu tư vào Thủ đô có khi chỉ có 100 tỉ là đầu tư đúng mục đích...” -   xuankhanh: xkhanh28@yahoo.com.vn cảnh báo. 

 

Kế hoạch thì tốt rồi, nhưng vấn đề là thực hiện. Chỉnh trang thế nào và quản lý thế nào để tiền thực sự nằm trong các công trình thay vì trong túi một số cá nhân... Tham ô, tham nhũng trong một bộ phận người có chức có quyền vẫn là vấn nạn của đất nước” - Nguyễn thế Huynh: huyhuyxd@gmail.com nhấn mạnh khâu thực thi dự án.
 
 
190 tỷ USD cho Hà Nội: nhìn từ phía người dân - 1

Hà Nội hướng tới năm 2030 sẽ là một thành phố văn minh, hiện đại  (nguồn ảnh: internet)

 

Tôi thấy Hà Nội có rất nhiều kế hoạch phát triển tham vọng, tiêu tốn nhiều tiền của. Nhưng sống ở Hà Nội ngày càng thấy Hà Nội càng không đẹp và lộn xộn. Giao thông, công trình công cộng, quy hoạch, nhà cửa đều ở mức độ dưới trung bình...Hy vọng một điều tốt hơn cho Hà Nội!” - tinymind: tinymind@yahoo.com  

 
Ý thức và cái tâm
 

Điều được nhiều bạn sống tại Hà Nội rất trăn trở là quy hoạch làm sao để Thủ đô vừa phát triển văn minh, hiện đại, vừa giữ được những nét đẹp riêng và sự cổ kính...  Nguyễn Thế Phương phuonguy@indiana.edu lưu ý:

 

“1) Quy hoạch cần có một tầm nhìn xa dựa vào điều kiện kinh tế, tốc độ phát triển kinh tế - dân số, và văn hóa: Tôi thực sự xót xa khi thấy tiền đầu tư vào các công trình nhiều khi sử dụng rất lãng phí. Hà Nội bỏ ra không ít tiền để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng rồi lại phá đi, làm lại suốt. Cầu vượt ngã tư Vọng, ngã tư Sở mới đưa vào sử dụng chưa được 10 năm, nhưng hình như nó đang được đưa vào tầm ngắm cần dỡ bỏ. Tiền giải phóng mặt bằng hàng năm không biết bao nhiêu cho vừa.

 

2) Nhà quy hoạch cần có cái tâm: Nhà quy hoạch cần đặt lợi ích của đất nước lên hàng đầu. Theo tôi, tham nhũng cũng cần được coi là kẻ thù của quy hoạch. Không vì lợi ích cá nhân, gia đình và lợi ích của nhóm người nào mà nắn chỉnh quy hoạch theo ý kiến chủ quan. Không vì sự nể người này, người kia mà đánh mất đi quan điểm của mình.
190 tỷ USD cho Hà Nội: nhìn từ phía người dân - 2

Nhưng liệu điều đó có thành hiện thực (nguồn ảnh: internet)

 

3) Quy hoạch cần đồng bộ: Chúng ta hãy nhìn đúng thực tế của Hà Nội hiện nay. Lúc nào cũng ùn tắc, ô nhiễm môi trường (đặc biệt là không khí, nước), ngập lụt. Chỉ cần một lượng mưa nhỏ, nhiều vùng tại Hà Nội biến thành “ao”. Tại sao vậy? Đó là bởi hệ thống thoát nước rất kém. Hơn nữa, bê tông hóa cao, ao hồ, khu đất trống, cây xanh được san lấp lấn chiếm để xây dựng nhà cửa, đường sá. Do đó, thử hỏi nước mưa có thể thấm và chảy vào đâu.

 

4) Quy hoạch cần dựa trên cái quy hoạch vốn có: Khi xã hội phát triển, người dân không chỉ biết ăn ngon, mặc đẹp, mà cần có một môi trường sống tốt. Hà Nội hiện nay thiếu không gian để trẻ em được phát triển toàn diện. Trẻ em mẫu giáo không có trường để học, đề rồi phụ huynh tranh dành nhau, xếp hàng chờ đợi từ đêm hôm trước để mong có một chỗ học cho con... Trong khi trẻ em cũng cần được gần gũi với thiên nhiên, để chúng phát triển tư duy và thể lực.

 

5) Biết chắt lọc những tinh hoa của nhân loại (quy hoạch thành phố của các nước phát triển): Quy hoạch tốt cũng giúp cho việc ổn định thị trường bất động sản. Quy hoạch không phải là bản nháp vội để rồi sửa chữa, thay đổi liên tục và lãng phí tiền của. Việc quy hoạch manh mún sẽ chỉ làm giàu cho những người đầu cơ bất động sản, đấy giá đất không đúng với giá trị thực của nó.

 

6) Hà Nội cần được quy hoạch một cách bền vững: Hãy tham khảo và chắt lọc kinh nghiệm quy hoạch của các nước phát triển để áp dụng cho quy hoạch nước nhà. Tại các nước phát triển, nhiều thành phố được được xây dựng hàng trăm năm nhưng cho đến nay vẫn hiện đại, đáp ứng được yêu cầu phát triển. Ví dụ, tàu điện ở New York được đưa vào sử dụng vào năm 1860, đến nay vẫn vận hành tốt.

 

Đây là ý kiến cá nhân, chắc chắn là chưa đủ, nhưng nó xuất phát từ tấm lòng muốn thấy trong tương lai một Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn vật, sẽ xứng tầm với các thành phố trong khu vực và trên thế giới”.

 
Giang: giangnguyen1992@yahoo.com nhấn mạnh một thực tế không thể phủ nhận hiện nay, đó là ý thức của đa số người VN còn kém:
 
“Quy hoạch thành phố không bằng quy hoạch dân. Thành phố có đẹp và hiện đại mấy mà ý thức người dân kém thì số tiền 190 tỷ USD cũng khó có hiệu quả tốt. Hãy bắt đầu bằng cách giáo dục lại ý thức con người trước, rồi ắt cái thành phố nó sẽ đẹp. Người dân đi ngoài đường vứt rác... bừa bãi thì sống sang, ở đẹp cũng có nhiều ý nghĩa đâu...”

 

Thành phố có trở nên đẹp và văn minh như nhiều nước trên thế giới được hay không, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của mỗi người dân. Nếu tự mỗi người trong chúng ta đều có ý thức và cái tâm dốc lòng làm đẹp cho đất nước, thì mới hy vọng trong tương lai chúng ta có thể tự hào với thủ đô thực sự Xanh – Sạch – Đẹp.
 
Muốn vậy, nhiều bạn đọc cũng nhấn mạnh sự cần thiết có chế tài xứ lý đủ độ răn đe với những hành vi thiếu ý thức tại những nơi công cộng: Ví dụ như xả rác không đúng nơi quy định, không tôn trọng luật giao thông, hành xử thiếu văn hóa...

 

Bách Linh