18 tháng kháng cáo chưa giải được “oan tình”

(Dân trí) - Cho rằng bị “cài bẫy”, anh P nhanh chóng có đơn kháng cáo lên tòa án cấp trên với mong muốn lớn nhất là được giải nỗi “oan tình”. Nhưng đã gần 18 tháng trôi qua, kể từ ngày xảy ra vụ án, mối quan hệ bất chính của anh với người phụ nữ có chồng và 3 con vẫn là một ẩn số…

Như Dân trí đã đưa tin vụ việc anh Tạ Văn P (Sinh năm 1963, trú ở huyện Mê Linh) “gian tình” với chị Nguyễn Thị T ở cùng thôn (Sinh năm 1979) bị chồng chị T – Kiều Đức Hạnh bắt quả tang ngay tại nhà gây lên làn sống dư luận, sự chú ý đông đảo của người dân ở huyện Mê Linh suốt thời gian qua.

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã nhận đơn kháng cáo của anh P và tiến hành mở phiên tòa phúc thẩm. Tuy nhiên, phiên xử phúc thẩm đã bị trì hoãn do bị cáo Hạnh cùng vợ là chị Nguyễn Thị T không có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của tòa án. Và hiện tại, thời điểm mở lại phiên tòa thứ hai về vụ cưỡng đoạt tài sản này vẫn chưa được tòa án ấn định.


Ảnh minh họa (internet)

Ảnh minh họa (internet)

Phân tích ở góc độ pháp lý, Luật sư, TS NGuyễn An, Hãng luật Cộng đồng cho rằng, vụ việc này kéo dài một cách "kỳ lạ". Do đó, cần làm rõ trong vụ việc này là có hay không có việc “cài bẫy”. Cụ thể, những điểm sau:

- Thứ nhất: Tin nhắn chị T nhắn cho anh P với nội dung: “Anh đến nhà, em nhờ tí”. Cần kiểm tra lịch sử tin nhắn cũng như điện thoại để xác nhận có tồn tại tin nhắn với nội dung như trên hay không

- Thứ hai: Tình tiết anh P lẳng lặng theo chân T vào nhà theo lời khai của P mâu thuẫn với nội dung bản án sơ thẩm ghi nhận rằng anh P đi vòng ra phía mương nước phía sau nhà và trèo vào tường rào xâm nhập vào gia đình chị T. Khi có sự mẫu thuẫn trong lời khai cần phải tiến hành giám định, thực nghiệm hiện trường. Giám định vết chân, dấu vân tay để lại trên tường rào nơi được cho rằng anh P vào bằng con đường đó.

- Thứ ba: Làm rõ có hay không có việc vợ chồng Hạnh vay tiền của P. Về tờ giấy ép nhận nợ 100 triệu không tìm thấy trong quá trình điều tra không thu hồi được sẽ được cho là không tồn tại.

Theo Luật sư An, trường hợp đây là “cái bẫy” đã được dàn dựng lên sẵn kịch bản chờ “con cá” chui đầu vào rọ thì đây chính là việc phạm tội có tổ chức: Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm (khoản 3, Điều 20 Bộ luật hình sự). Tổ chức được thể hiện ở chỗ có sự phân công phối hợp chặt chẽ giữa hai vợ chồng Hạnh và T. T làm nhiệm vụ báo tin mời anh P qua nhà, thực hiện hành vi dàn dựng cảnh giống đôi tình nhân nén nút. Hạnh phối hợp ở ngoài ập vào “bắt quả tang tại trận”. Trường hợp phạm tội có tổ chức, Hạnh và T sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại điểm a, khoản 2, Điều 135 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009):

“Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức”

Việc vợ chồng Kiều Đức Hạnh vay tiền của P là có chứng cứ chứng minh là thật, nếu P có yêu cầu thì vợ chồng Hạnh còn phải trả lại số tiền đã vay của anh P. Điều 28 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định: “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trong trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”.

Phạm Thanh