Đạo diễn Việt Tú: “Chưa bao giờ sợ hãi trong sáng tạo”

(Dân trí) - “Tôi được sinh ra trong một gia đình có ông ngoại là đạo diễn sân khấu kịch, mẹ tôi là diễn viên tại đoàn múa rối nước hơn 30 năm, từ bé tôi đã sống trong bầu không khí của nghệ thuật dân tộc …”, đạo diễn Việt Tú chia sẻ.

4 năm của Bài hát yêu thích (BHYT) đã qua đi, là người "tổng kiến trúc sư", cũng là người giữ lửa cho chương trình trong suốt 4 năm qua, cảm giác của anh khi "không còn việc để làm" mỗi tháng khi BHYT kết thúc là như thế nào?

BHYT với tôi và ekip là một hành trình rất đẹp, với BHYT chúng tôi không chỉ được cùng nhau hàng tháng thử nghiệm những sáng tạo và dàn dựng mới của mình, mà còn có được một sự gắn kết liên tục với nhau và với các nghệ sĩ, bạn bè trong giới nghệ thuật. Cũng với BHYT chúng tôi đã tạo ra nhiều màn trình diễn, nhiều phong cách về hình ảnh graphic không thể trộn lẫn với bất kỳ chương trình nào. Bên cạnh BHYT, chúng tôi cũng đã và đang triển khai những dự án dài hơn như vậy, nhưng cảm giác mỗi tháng cứ đến mùng 9 cần phải gửi đi một list dài những hạng mục cần chuẩn bị cho ekip chắc sẽ còn bên cạnh tôi trong một thời gian nữa.

Đạo diễn Việt Tú
Đạo diễn Việt Tú

Anh có nghĩ rằng BHYT kết thúc một phần vì đã trải qua 4 năm ròng rã, nhưng format không có nhiều thay đổi, và lượng khán giả quan tâm chương trình dần giảm xuống qua từng năm?

Tôi chỉ cho rằng đơn thuần đã đến thời điểm BHYT cần tạm ngưng lại và có những sự thay đổi, trên thực tế, ekip chúng tôi đã ngồi bàn bạc với đại diện của nhà đầu tư cũng như BTC để nếu có thể trong một tương lai gần BHYT sẽ quay lại với một diện mạo khác, phù hợp với khán giả hơn.

Việt Tú từng nổi tiếng với nhiều chương trình đình đám như liveshow của Hồ Ngọc Hà, Tùng Dương, show thời trang của Lý Nhã Kỳ, vở diễn Hồ thiên nga tại Việt Nam, anh có gặp áp lực và phải làm quen với một chương trình dài hơi trong 4 năm?

Trước đây có nhiều lời đồn đại không có cơ sở về việc tôi không thể và không phù hợp với những dạng chương trình dài hơi, BHYT và các dự án chúng tôi đã và đang triển khai song song bản là câu trả lời vì tôi thích trả lời bằng thực tế hơn là những lời thanh minh đơn thuần. Tôi là người luôn tìm cách thích nghi, cập nhật thay vì cứng nhắc đóng khung mình vào những dạng công việc đặc thù nào đó và tôi tin rằng đó là con đường đúng để luôn giữ có mình động lực sáng tạo.

Với hàng trăm phần trình diễn đồ sộ trong nhiều năm qua, ý tưởng dàn dựng luôn là vấn đề cốt yếu để chương trình hấp dẫn, anh "làm mới" ý tưởng của mình ra sao, và mọi thứ có phải từ anh nghĩ ra hay có sự tham khảo từ ekip?

BHYT đã tạo ra một dấu ấn riêng với những phần dàn dựng sân khấu mang đậm màu sắc đương đại, cũng như phong cách sáng tạo hình ảnh minh hoạ (graphic) của riêng mình, mà hiện tại đâu đó trên thị trường cũng được các ekip khác ứng dụng theo. Các ý tưởng hầu hết được tôi đặt ra, và may mắn có được một ekip hiểu văn hoá làm việc của mình để hiện thực hoá nó ở một chất lượng cao nhất. Bên cạnh đó không thể không nhắc tới phần biên tập âm nhạc rất ấn tượng và văn minh đến từ Giám đốc âm nhạc Huy Tuấn đã làm cho BHYT có một gout âm nhạc rất riêng.

Về việc “cập nhật”,bạn cần phải có sự chuẩn bị dài hơi cho công việc sáng tạo, thay vì chờ đợi có công việc rồi mới chuẩn bị vì như vậy sẽ không kịp, trong nhiều năm qua từ khi là một sinh viên nghệ thuật tôi đã luôn ý thức về điều này. Công ty của tôi trong năm 2015 có may mắn được cùng nhau thực hiện rất nhiều chuyến đi đến các trung tâm giải trí lớn của thế giới để quan sát, học hỏi. Tôi cho rằng, việc học là việc luôn cần được duy trì cho dù ở lứa tuổi nào, đặc biệt là những người làm nghệ thuật.

Đạo diễn Việt Tú chỉ đạo trên sân khấu Bài hát yêu thích
Đạo diễn Việt Tú chỉ đạo trên sân khấu Bài hát yêu thích

Rất nhiều vị khách mời bình luận, đặc biệt là các nghệ sĩ danh tiếng thường nói, BHYT thì nên tập trung vào phần hát, biểu diễn của ca sĩ hơn là dàn dựng, hay xa hơn là chiêu trò để gây chú ý, anh quan điểm sao về điều này?

Bạn có thể xem lại chương trình cuối cùng của BHYT để nghe các Thành viên HĐBL nói gì về vấn đề này. Nếu cần một soi chiếu hay ví dụ trên bình diện quốc tế về quan điểm nghệ sĩ danh tiếng chỉ nên tập trung hát không nên dàn dựng thì bạn có thể xem lại các lễ trao giải Oscar, Grammy.

Trong 4 năm qua, anh thấy phần biểu diễn nào "khoai" đến mức làm anh nhớ đến giờ?

Về phần trình diễn tôi cho là thách thức nhất với bản thân mình ở BHYT sẽ được thể hiện qua “bảng xếp hạng cá nhân” của tôi dưới đây: Ngẫu hứng sông Hồng qua phần trình diễn của Hồng Nhung, vì nhạc của nhạc sĩ Trần Tiến nghe lời rất cụ thể, nhưng tinh thần thì lại đầy ẩn ý. Tôi thì vốn không muốn tạo ra những gì lặp lại. Kết quả là phần dàn dựng này tạo ra vô số ý kiến trái chiều và nhiều cuộc tranh luận trên các diễn đàn.

Chiếc vòng cầu hôn – Đàm Vĩnh Hưng, lại là nhạc của nhạc sĩ Trần Tiến, mọi người nghe bài này không biết bao nhiêu lần, và làm thế nào có thể mang lại cảm xúc mới cho một phần trình diễn như vậy. Thứ tôi chọn là một công cụ cổ điển (múa bóng với hình tượng người đàn bà bên khung cửi chờ chồng) với danh sách liệt sĩ chạy kín hàng trăm m2 màn hình phía sau ở cuối phần biểu diễn đã làm khán giả xúc động mạnh.

Chiếc khăn Piêu – Tùng Dương, dàn dựng minh hoạ cho Tùng Dương chưa bao giờ là dễ, và càng thách thức gấp bội khi ca khúc lại là Chiếc khăn Piêu do Nguyên Lê phối khí, nó giống như một bức tranh được vẽ theo trường phái siêu thực vậy.

Chờ người nơi ấy – PAK Band, mọi người thì bảo nhạc Rock không dàn dựng minh hoạ trên sân khấu được, vì sẽ làm mất đi chất Rock, chưa kể đây là một ca khúc trong phim. Tôi thì nghĩ điều ngược lại, cuối cùng tôi bỏ đi hình ảnh minh hoạ đến từ bộ phim, và cộng thêm vào đó hình ảnh graphic mang phong cách Manga Nhật, và một cô….Geisha.

Dàn dựng cho phần trình diễn của Hồng Nhung với Ngẫu hứng sông Hồng là thách thức khó quên đối với Việt Tú
Dàn dựng cho phần trình diễn của Hồng Nhung với "Ngẫu hứng sông Hồng" là thách thức khó quên đối với Việt Tú

Những phần trình diễn của Phạm Anh Khoa, Hồng Nhung, Hà Linh... và một số nghệ sĩ khác từng gây tranh cãi căng thẳng về các yếu tố trang phục, ý tưởng, câu chuyện đưa vào, đó là sự mạo hiểm sẵn có hay muốn thử thách với những cái mới, thưa anh?

Trong nghệ thuật sợ nhất là sự cũ kỹ, bảo thủ, tôi chưa bao giờ sợ hãi trong sáng tạo, và luôn muốn làm một điều gì đó mới mẻ cho nghệ sĩ cũng như khán giả trong mỗi phần trình diễn trên sân khấu. Khi thực hiện, BHYT chưa bao giờ có kinh phí khủng cho những đạo cụ và dàn dựng, có nhiều tiết mục chúng tôi phải trông vào sự hợp tác của các nghệ sĩ để tạo ra được những phần trình diễn ấn tượng cho họ và cho chương trình như các bạn đã thấy, ví dụ Hà Linh tự đi thuê trang phục, chị Hồng Nhung thì may đi may lại bộ trang phục mấy lần mới đúng ý, ở chương trình cuối vừa qua Văn Mai Hương mang nguyên set trang phục quay MV Mona lisa từ Sài Gòn ra và họ tự chi trả cho những sự đầu tư này…, còn nhiều nhiều nữa, những trường hợp tương tự trong BHYT mà tôi không nhớ hết.

Tôi nghĩ cần phải cảm ơn những nghệ sĩ như vậy vì họ không sợ mạo hiểm, đã đồng hành cùng chương trình để mang đến những cảm xúc cho khán giả, ít ra khán giả được thưởng thức một thứ mới, hay hay không tuỳ quan điểm mọi người, nhưng chắc chắn nó đẹp, có thông điệp, là thứ nghệ thuật tử tế.

Sau BHYT, nghe nói anh đang quan tâm tới việc khai thác những yếu tố văn hoá truyền thống của dân tộc, hướng đi này khó và ít người làm mà được công nhận, vốn là một đạo diễn theo đuổi phong cách đương đại, anh đối mặt sao với điều này?

Thực ra tôi vẫn làm điều đó mà mọi người không để ý. Tôi được sinh ra trong một gia đình có ông ngoại là đạo diễn sân khấu kịch, mẹ tôi là diễn viên tại đoàn múa rối nước hơn 30 năm, từ bé tôi đã sống trong bầu không khí của nghệ thuật dân tộc rồi, các bạn có thể xem lại những phần dàn dựng của tôi trên sân khấu BHYT như: Ngẫu hứng sông Hồng – Hồng Nhung, Một thoáng Tây Hồ - Tấn Minh & Khánh Linh, hay Mưa xuân của Linh Hoa sẽ hiểu tôi “đối mặt” với vấn đề bạn hỏi như thế nào.

Anh đánh giá sao về sự biến mất dần của những chương trình format Việt, thực hiện bởi Đài, trong khi đó là sự thống trị của các chương trình thực tế xã hội hoá?

Đài truyền hình về mặt bản chất có một số sở trường mang tính truyền thống xuất phát từ lịch sử hình thành, ví dụ như các chương trình thời sự, chính luận….trong lĩnh vực này tôi cho rằng không một chương trình format nước ngoài nào có thể thay thế. Còn lại, phần lớn các nội dung khác như giải trí chúng ta chịu sự ảnh hưởng của văn hoá nước ngoài, nên việc các chương trình truyền hình thực tế mà chỉ giá bản quyền không đã lên tới cả triệu USD lấn át các chương trình format Việt cũng là điều dễ hiểu…

Minh Hồng